Đó là lời tâm sự của ông Nguyễn Văn Ái (ảnh), khu phố 1, thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng - người được biết đến rộng rãi trong vùng với mô hình nuôi cá lóc, cá lăng nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vừa qua, ông vinh dự được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng, trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2014.
Ông Ái đã bắt đầu mô hình nuôi cá nước ngọt từ năm 2007. Lúc đầu triển khai mô hình, ông chỉ dám “tập dượt” nuôi với số lượng ít. Sau nhiều năm vừa làm vừa học, đến nay ông đã mở rộng mô hình, thả nuôi với quy mô lớn. Mỗi năm, trừ tất cả các chi phí, ông thu về gần 400 triệu đồng. Ông Ái cho biết, nuôi cá nước ngọt không nên ôm đồm. Ông chỉ tập trung nuôi cá lóc, cá lăng, vì đây là hai loại cá được người dân ưa chuộng trên thị trường. Mỗi loại có khoảng thời gian nuôi và cách nuôi khác nhau. Với cá lóc, sau khi nuôi từ 6 - 7 tháng sẽ cho thu hoạch. Cá lăng thì phải nuôi từ1 - 1,5 năm mới bán được nhưng giá thành cao hơn cá lóc…
7 năm kiên trìphát triển mô hình nuôi cá nước ngọt, với bản tính siêng năng, cần cù, ham học hỏi, ông Ái đã đúc rút nhiều kinh nghiệm trong nuôi thả. Sau khi phát triển thành công mô hình, ông lại trở thành một nhà“tư vấn bất đắc dĩ” cho nhiều bạn bè, bà con làng xóm khi có ý định nuôi cá nước ngọt. Ông Ái chia sẻ: “Ngày trước, tôi cũng được chính quyền, Hội Nông dân, đoàn thể giúp đỡ để xây dựng mô hình. Trong quá trình làm, nhiều người cũng đã tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm giúp tôi. Nay khi đã thành công, tôi cũng phải có trách nhiệm chia sẻ, tư vấn giúp người khác. Khi bạn bè, hàng xóm tìm đến hỏi về cách chọn giống, chăm sóc, xử lý các tình huống khi cá có biểu hiện mắc bệnh…, ai hỏi gì, biết đến đâu, tôi đều nhiệt tình hướng dẫn, trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Mình có cuộc sống ổn định rồi, cũng mong người khác có cuộc sống ổn định như mình…”, ông Ái tâm sự.
THÙY AN