“Gỡ” khó cho ngành vật liệu xây dựng

Cập nhật: 03-01-2024 | 09:02:17

 Thị trường bất động sản trầm lắng, giải ngân đầu tư công chậm, kinh tế phục hồi không như kỳ vọng… đã ảnh hưởng lớn đến ngành vật liệu xây dựng nói chung. Tại hội thảo chuyên đề bất động sản “Nhà ở xã hội - điểm sáng của bất động sản Bình Dương”, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến cho rằng trong năm 2023 cùng với tình hình khó khăn chung của nền kinh tế trong nước và thế giới, khiến cho thị trường bất động sản ở Việt Nam gặp phải rất nhiều khó khăn. Mặc dù thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã có những giải pháp và chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, song thị trường vẫn chưa được cải thiện. Thực trạng này đã làm ảnh hưởng lớn đến ngành vật liệu xây dựng.

Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng sản xuất, tiêu thụ giảm sâu, doanh nghiệp ngành xi măng, sắt thép, gốm sứ xây dựng, bê tông… đều trong cảnh sụt giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận. Trên địa bàn tỉnh hiện có43 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chếbiến khoáng sản với tổng số55 điểm mỏ đang hoạt động. Tuy nhiên, năm 2023 các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chếbiến khoáng sản cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp thiếu vốn, người lao động thiếu việc làm, lãi suất ngân hàng cao, thuế cao so với điều kiện thực tế nên thị trường vật liệu xây dựng hầu như ngưng trệ.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Xây dựng đề xuất một loạt giải pháp nhằm “gỡ” khó cho doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng. Cụ thể, theo Bộ Xây dựng cần thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn. Các địa phương tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và tại những vùng thường xuyên ngập lụt…

Song song đó, Nhà nước tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3- 2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Đối với hỗ trợ thuế và tín dụng, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 26/2023/NĐ-CP ngày 31-5-2023 cho phép tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker, giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025 và có cơ chế khuyến khích khác cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có chế biến sâu. Ngoài ra, Bộ Xây dựng đề xuất thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu vật liệu xây dựng với việc tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng. Đồng thời, Bộ Xây dựng đề nghị các doanh nghiệp trong ngành phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tiết giảm chi phí sản xuất.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=410
Quay lên trên