Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh nhằm tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù để thực hiện các công trình điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Theo báo cáo, Bình Dương có tỷ lệ tiêu thụ, tăng trưởng điện thương phẩm hàng năm cao, đứng tốp đầu cả nước. Số công trình điện được triển khai trên địa bàn hàng năm cao gấp 3 lần con số trung bình của các tỉnh, thành trong cả nước.
Tăng trưởng cao, tiết kiệm lớn
Bình Dương là một trong 3 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đứng thứ 2 cả nước về tiêu thụ điện thương phẩm. Năm 2018, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt 11,4 tỷ kWh, tăng 13,4% so với năm 2017. Dự kiến năm 2019, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh đạt khoảng 12,5 tỷ kWh. Sở Công thương dự báo, đến năm 2020, sản lượng điện thương phẩm toàn tỉnh sẽ đạt 14,55 tỷ kWh; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2019-2020 là 10,2%; điện thương phẩm bình quân là 6.242 kWh/người/năm.
Lãnh đạo EVN cho biết, tăng trưởng điện thương phẩm của Bình Dương cao hơn tốc độ bình quân cả nước. Tuy tốc độ tăng trưởng cao nhưng hiệu quả tiết kiệm điện của tỉnh cũng đứng đầu cả nước. Năm 2018, toàn tỉnh đã tiết kiệm được 228 triệu kWh điện, chiếm 32% tổng lượng điện tiết kiệm cả nước và bằng 2% sản lượng điện thương phẩm. Trong 3 tháng đầu năm 2019, Bình Dương đã tiết kiệm được 211,5 triệu kWh, tương đương 1,5% sản lượng điện tiêu thụ dự kiến của 6 tháng đầu năm. Điều này cho thấy Bình Dương đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện đúng Luật Sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Nhờ đó, nhiều gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi công nghệ, thiết bị tiêu thụ điện năng an toàn, tiết kiệm, giúp giảm chi phí sinh hoạt, giá thành và tăng lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp, góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ môi trường, giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính.
Công trình Trạm biến áp T1 vừa vận hành đi vào hoạt động góp phần ổn định điện áp phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại khu vực Thành phố mới Bình Dương. Ảnh: MINH DUY
Đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành điện phải bảo đảm cung cấp đủ điện cho khu vực trọng điểm công nghiệp. Hiện tại, khu vực Đông Nam bộ điện phục vụ sản xuất công nghiệp tăng 14,36%/năm, điện tiêu dùng tăng 10,69%, điện phục vụ cho nông - lâm - thủy lợi chiếm dưới 1%. Chỉ tính riêng tỉnh Bình Dương, trong 3 tháng đầu năm 2019, phụ tải điện đã tăng 17,28%, sản lượng điện tăng 12,1%... so với cùng kỳ năm trước.
EVN và Ban Quản lý dự án điện miền Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của tỉnh và các sở, ngành, địa phương rất hiệu quả trong việc triển khai các dự án điện; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các công trình, dự án diện trên địa bàn tỉnh hoàn thành đúng tiến độ, nếu chậm trễ, kéo dài thì nguy cơ thiếu điện là không thể tránh khỏi.
Nhiều công trình còn vướng đền bù
Đại diện Ban Quản lý các công trình điện miền Nam cho biết, Bình Dương là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng công trình điện được triển khai trong năm. Các tỉnh, thành phố trong cả nước trung bình mỗi năm chỉ được triển khai tối đa là 7 - 8 công trình điện, còn tại Bình Dương mỗi năm ngành điện triển khai 22 công trình (năm 2018). Với số lượng công trình nhiều như thế, từ ngày 1-1-2019, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã bàn giao lưới điện 110kV cho Công ty Điện lực Bình Dương quản lý, vận hành. Các công trình đang triển khai tại huyện Bàu bàng, TX.Tân Uyên, TX.Dĩ An đều đang vướng đền bù giải tỏa, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch vận hành, điều tiết để giảm cắt giảm điện theo yêu cầu của Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, chia sẻ việc các công trình điện đi qua địa bàn huyện chậm tiến độ không phải do địa phương mà là do quá trình khảo sát thiết kế không hợp lý, dẫn đến tình trạng khi triển khai thì công trình điện lại đi qua trường học (vi phạm Luật Điện lực) nên phải nắn tuyến. Huyện đã có quyết định thu hồi đất 29 trụ điện; đối với người dân, khi áp giá đền bù thì có đến 30% bà con có đất bị thu hồi không dự họp; trong số 70% người dự họp thì có đến 90% không đồng ý nắn tuyến vì liên quan đến đất nông nghiệp trồng cao su. UBND huyện kiến nghị ngành điện nghiên cứu áp giá đền bù tốt hơn và triển khai càng sớm càng tốt, vì giá đất thực tế tại địa phương biến động hàng ngày.
Lãnh đạo TX.Tân Uyên và TX.Dĩ An cũng cho biết, trên địa bàn có một vài trường hợp chưa chịu nhận tiến đền bù để thực hiện các công trình điện vì giá đền bù có khoảng cách khá xa so với giá thực tế. Ngoài ra, trên địa bàn còn có trường hợp đất nằm trong hành lang lưới điện chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng người dân yêu cầu bồi thường hết phần đất còn lại, bởi vì theo người dân phần đất còn lại dù không nằm trong phạm vi công trình nhưng không thể sử dụng, xây cất công trình...
Xung quanh việc tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình điện để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và của khu vực phía Nam nói chung, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã đề nghị ngành điện, Ban Quản lý các công trình điện miền Nam cần tăng cường phối hợp, hợp tác với các sở, ban, ngành, địa phương để có phương án, giải pháp tốt nhất. Một trong những vướng mắc quan trọng cần giải tỏa là ngành điện cần nghiên cứu, áp dụng khung giá đền bù tốt nhất, vì cùng là đất nông nghiệp nhưng giá đất nông nghiệp tại Bình Dương không thể đồng giá với giá đất tại các tỉnh, thành miền núi, tỉnh chưa phát triển công nghiệp.
* Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Cần sớm triển khai dự án điện mặt trời
Được thiên nhiên ưu đãi, có nắng quanh năm, cộng với số lượng mái nhà trên địa bàn tỉnh nói chung, cả nước nói riêng nhiều thì việc thực hiện dự án điện mặt trời áp mái sẽ rất hiệu quả, góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp điện. Lãnh đạo tỉnh ủng hộ việc triển khai dự án điện mặt trời áp mái. Ngành điện nên sớm nghiên cứu, triển khai đề án này.
* Ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương: Nhiều công trình điện không phát huy hiệu quả ở tỉnh
Số lượng công trình điện được triển khai trên địa bàn tỉnh là rất nhiều so với các tỉnh, thành khác. Có nhiều công trình đặt trên địa bàn tỉnh nhưng hiệu quả sử dụng không phát huy ở tỉnh, trong khi quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian tới, nếu bổ sung công trình điện, ngành chức năng, địa phương phải điều chỉnh quy hoạch rất mất thời gian và ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Sở Công thương đề nghị ngành điện nếu có triển khai, bổ sung thêm công trình trong thời gian tới thì cần lựa chọn vị trí ngoài tỉnh.
DUY CHÍ