Gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng cần “gỡ khó” giúp doanh nghiệp

Cập nhật: 08-11-2022 | 08:12:51

Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) theo Nghị định số 31của Chính phủ, kết quả giải ngân đến nay vẫn còn hạn chế. Mặc dù các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích cực triển khai song quá trình thực hiện còn phát sinh các khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.

Không dễ tiếp cận

Gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được ví von giống như chiếc “phao vàng” giúp cho doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, thế nhưng sau 4 tháng triển khai, nhiều DN thuộc đối tượng hưởng ưu đãi vẫn chưa thể tiếp cận được với nhiều lý do.

Nỗ lực duy trì hoạt động, Công ty TNHH Tôn Đại Thiên Lộc đang tiếp tục kế hoạch mở rộng phát triển sản xuất. Để thực hiện kế hoạch này, nguồn vốn đầu tư tiếp theo cho việc nhập nguyên vật liệu là khá lớn. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tôn Đại Thiên Lộc cho biết: “Công ty liên hệ một số NHTM để vay vốn ưu đãi thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa được ngân hàng cho vay, dù DN hoạt động hiệu quả, lịch sử thanh toán tốt. Trong khi đó, sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch, các DN ngành thép sẽ khó đáp ứng điều kiện vay vốn về dòng tiền, tài sản thế chấp, khả năng trả nợ, khả năng phục hồi...”.

Các ngân hàng đang tiếp tục tuyên truyền, tích cực đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất. Trong ảnh: Tư vấn khách hàng thủ tục vay vốn tại BIDV Chi nhánh Bình Dương

Không riêng các DN ngành thép, một số DN trong ngành gỗ, vốn được hưởng ưu đãi từ gói hỗ trợ 2% lãi suất, cũng cho biết chưa thể tiếp cận vốn. Ông Cao Văn Đồng, Giám đốc Công ty TNHH Kettle Interiors ASIA (TX.Tân Uyên), cho biết không chỉ gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà ngay cả khoản vay thông thường nhiều DN ngành gỗ cũng không thể tiếp cận được. Bởi nhiều NHTM khi DN liên hệ đều nói hết hạn mức tăng trưởng tín dụng nên không thể cho vay. Trong khi đó, hiện nhiều DN ngành gỗ đang rất cần vốn do đơn hàng cuối năm. Việc không vay được vốn khiến DN gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh lâu dài, ổn định.

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cũng cho biết, cả DN và ngân hàng đều e ngại vấn đề hậu kiểm, sai phạm bởi các quy định hỗ trợ lãi suất chưa rõ ràng. “Có khó khăn nên có gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng ngân hàng buộc DN cam kết có khả năng phục hồi trong tương lai. Điều này không nằm trong ý chí chủ quan của DN. Từ đó, khiến DN có tâm lý e ngại vay vốn. Cần kiến nghị xây dựng các quy định cụ thể hơn để NHTM, DN mạnh dạn hơn trong tiếp cận tín dụng và cho vay. Kế đến, NHTM không nên xét cho vay ở từng thời điểm, căn cứ doanh thu… mà nên xét quá trình, lịch sử hoạt động cụ thể của DN để có sự hỗ trợ hiệu quả hơn”, bà Phan Lê Diễm Trang kiến nghị.

Ngân hàng cũng vướng mắc

Do hỗ trợ lãi suất là một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022 nên phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NHTM cũng đã triển khai nhanh chóng một loạt các giải pháp. Tuy vậy, các ngân hàng cũng có nhiều vướng mắc.

Qua trao đổi được biết, các ngân hàng đều e ngại sẽ lặp lại tình trạng của năm 2009 khi triển khai gói hỗ trợ lãi suất, do có nhiều khoản vay giải ngân nhưng không quyết toán được. Có trường hợp quyết toán xong nhưng khi kiểm toán, thanh tra, NHNN không chấp nhận, khiến NHTM gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bình Dương, vì nguồn hỗ trợ được lấy từ ngân sách Nhà nước do đó quá trình triển khai phải bảo đảm vừa hỗ trợ được khách hàng, vừa có thể quyết toán được từ ngân sách. Nếu thực hiện không đúng đối tượng, quy định thì ngân hàng có nguy cơ gánh nợ xấu và phải chịu trách nhiệm pháp luật. “Tuy vậy, khi nhận thấy khách hàng đủ điều kiện, chúng tôi chủ động liên hệ hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ hỗ trợ song bản thân khách hàng, nhất là các DN cũng có tâm lý e ngại. Khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán kiểm tra của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, ông Trần Ngọc Linh nói.

Ông Phạm Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) Chi nhánh Bình Dương, cho biết việc xác định mục đích sử dụng vốn để được hỗ trợ lãi suất là một điểm khó khăn trong một số trường hợp nhất định. Đơn cử, đối với khoản vay vốn lưu động, trường hợp khách hàng làm trong ngành nghề sản xuất và thương mại thức ăn chăn nuôi. Theo quy định, nếu mã ngành là sản xuất thức ăn chăn nuôi thì được hỗ trợ lãi suất, còn mã ngành thương mại thức ăn chăn nuôi thì không được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, trên thực tế khách hàng nhập nguyên liệu và sử dụng chung cho cả sản xuất và bán thương mại nhưng không có cơ sở để bóc tách phần nguyên liệu cho từng mục đích.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương:
“Với các vướng mắc từ khách hàng, ngân hàng, NHNN Chi nhánh Bình Dương đã nhận diện được và đã có kiến nghị lên NHNN Việt Nam xem xét, giải quyết. Để triển khai có hiệu quả Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN phát huy hiệu lực, hiệu quả, ngành ngân hàng trên địa bàn tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về hỗ trợ lãi suất, rà soát những khó khăn vướng mắc của khách hàng để đề xuất triển khai thực hiện kịp thời. Các tổ chức tín dụng tiếp tục xem xét tiết giảm chi phí đầu vào để giảm chi phí cho vay cho khách hàng.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=681
Quay lên trên