Gom góp tình thương thành lớp học 

Cập nhật: 10-10-2015 | 08:52:43

Hòa chung niềm vui nô nức đến trường của hàng triệu học sinh trong cả nước, 50 em nhỏ ở lớp học tình thương dành cho con em thanh niên công nhân (TNCN) khu phố Tân An (phường Tân Đông Hiệp,TX.Dĩ An) cũng vừa vui mừng đón chào năm học mới. Lớp học tuy nhỏ nhưng sĩ số lớp cứ ngày một tăng lên bởi tình thương và những con chữ mà các tình nguyện viên đang “gieo” mỗi ngày, làm hành trang cho nhiều mảnh đời ít may mắn…

Một buổi học tại lớp học tình thương khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An Ảnh: T.LÊ 

Lễ khai giảng năm học mới ở lớp học tình thương này bắt đầu không có ca nhạc, cũng không có phần lễ hay hội như “tiêu chí” của các trường học đề ra. Nhưng điều đặc biệt mà chúng tôi nhận thấy là các em học sinh trong lớp đều đến dự lễ khai giảng đầy đủ, đúng giờ; 50 em học sinh phấn khởi chào đón một học kỳ mới với gương mặt rạng rỡ. Kế đó, nhiều phụ huynh là TNCN cư trú trên địa bàn cũng hồi hộp theo dõi con em mình khi được gửi gắm tại nơi đây.

Lớp học tình thương khu phố Tân An được thành lập từ năm 2011 với số học sinh ban đầu chỉ khoảng 6 em. “Tiếng lành đồn xa”, dần dần lớp học thu hút nhiều con em TNCN trên địa bàn cũng như nhiều tình nguyện viên đứng lớp. Anh Dương Thanh Quý, Bí thư Đoàn phường Tân Đông Hiệp chia sẻ: “Năm học 2015-2016, lớp học với 50 em học sinh sẽ được duy trì giảng dạy từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (từ 18 giờ đến 20 giờ 30) với 2 môn cơ bản là toán và tiếng Việt. Các em khi đến học tại lớp được cấp phát miễn phí sách, vở, dụng cụ học tập. Việc học không đơn thuần là học chữ, mà còn là giáo dục đạo đức, kỹ năng phòng chống bạo hành trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ mình... Thông qua phát động các phong trào vì đàn em, nhiều chương trình cũng được tổ chức như sinh hoạt đầu tuần, tập kể chuyện, thi văn nghệ…”.

50 em nhỏ, 50 mảnh đời với những hoàn cảnh khác nhau, có em là người dân địa phương nhưng gia cảnh không êm ấm, ba có vợ khác, mẹ đi làm phụ việc, không có nhà cửa ổn định; rồi cũng có những em vừa phụ việc ở quán cơm, vừa làm “công nhân” ở xưởng may, còn đêm thì đến lớp... Hoàn cảnh éo le là vậy, nhưng em nào cũng chịu khó học với mong muốn xóa mù chữ và có những kỹ năng sống cơ bản làm hành trang sau này. Đứng trước cửa lớp với tâm trạng khá lo lắng, anh Dương Triều Tân, phụ huynh em Dương Kim Ngọc, tạm trú tại phường Tân Đông Hiệp tâm sự, anh có 2 con nhỏ, do gia cảnh quá khó khăn, ốm đau bệnh tật liên miên, gia đình anh buộc phải chuyển từ TP.Hồ Chí Minh về Bình Dương làm thợ hồ kiếm sống. May mắn, cô con gái đầu được lớp nhận học cách đây 2 năm. Năm nay, cô con gái thứ hai cũng phải gửi tới lớp nhờ các “thầy, cô” dạy dỗ. Anh Tân bày tỏ: “vì hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình tôi không thể gửi con đến trường. Được các thầy cô ở đây nhận dạy dỗ, nhìn thấy con được duy trì niềm vui đến lớp là niềm hạnh phúc khôn xiết đối với tôi”.

Đúng với tên gọi “lớp học tình thương”, lớp học ở khu phố Tân An này là tổng hòa tình thương mà mọi người gom góp. Anh Nguyễn Ngọc Huy, Phó chủ nhiệm lớp học chỉ tay về phía những bộ bàn ghế rồi cho chúng tôi biết: “Đấy là những bộ bàn ghế cũ được một trường THPT trên địa bàn cho. Còn tấm bảng xanh là do một nhà hảo tâm ở khu phố Đồng An tặng. Địa điểm học cũng nhờ được của một công ty…”. Và, hôm chúng tôi đến thăm lớp học, cũng bắt gặp một đoàn tình nguyện tới trao tặng tủ sách, tập vở và bánh kẹo cho các em...

Dù còn nhiều khó khăn và thiếu thốn, nhưng niềm vui mỗi ngày được “gieo” con chữ, giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn thêm kiến thức, thêm kỹ năng làm hành trang vào cuộc sống đã và đang là những việc làm ý nghĩa của nhiều thanh niên tình nguyện viên tham gia đứng lớp. Việc mở ra những lớp học tình thương dành cho con em TNCN cũng góp phần giúp các em có những chuyển biến tích cực về hành vi và hình thành nhân cách, đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương…

 

 THANH LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên