Thực hiện mục tiêu đến năm 2020 được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bàu Bàng nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, đến nay các địa phương của huyện đã hoàn thành việc xây dựng NTM. Một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của huyện là cơ sở hạ tầng vùng nông thôn được triển khai đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) và chợ nông thôn (CNT) được chú trọng đầu tư.
Chợ Bàu Bàng (thị trấn Lai Uyên) do Becamex IDC đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của công nhân tại KCN Bàu Bàng và người dân địa phương. Ảnh: HOÀNG PHẠM
Hoàn thiện hệ thống GTNT
Cũng như các địa phương khác, khi bắt tay vào xây dựng NTM, nhất là kể từ khi được tách ra từ huyện Bến Cát (trước đây), huyện Bàu Bàng gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, ngay từ đầu huyện đã xác định công tác tư tưởng, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân phải đi trước một bước. Địa phương luôn xác định lấy người nông dân làm chủ thể; từ quy hoạch đến đầu tư sản xuất, phát triển hạ tầng, chăm lo phát triển y tế, văn hóa, giáo dục… cũng đều phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng, khẳng định quá trình xây dựng NTM, người dân trong huyện được trực tiếp tham gia góp ý, từ xây dựng đồ án quy hoạch, lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đến việc lựa chọn các tiêu chí, dự án cần làm trước, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, khả năng huy động vốn của địa phương để thực hiện, tạo động lực thực hiện các tiêu chí tiếp theo. Trên tinh thần đó, ngoài nguồn vốn ngân sách phân bổ xây dựng NTM, huyện còn huy động tốt nguồn lực từ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường GTNT. Đến nay, toàn huyện có 385,34km đường GTNT. Thời gian qua, tổng kinh phí huyện thực hiện bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường GTNT hơn 55 tỷ đồng.
Tại xã Tân Hưng, đến nay đã không còn những con đường đất quanh co, xuống cấp, lầy lội; các tuyến đường đã thảm nhựa, bê tông xi măng. Dọc các tuyến đường trên địa bàn xã, nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng, tạo diện mạo mới cho xã nông thôn. Giờ đây, đi trên những con đường này, người dân trong xã rất phấn khởi bởi giúp họ đi lại, lưu thông hàng hóa thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Minh Luân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng, ngoài tuyến đường ĐT741B đi qua địa bàn thường xuyên được duy tu, cải tạo, xã rất quan tâm xây dựng hệ thống đường GTNT. Đến nay, trên địa bàn xã có 60 tuyến đường GTNT; nhiều tuyến đường được đổ nhựa nóng, bê tông xi măng, láng nhựa và sỏi đỏ với kinh phí hơn 8 tỷ đồng.
Chợ nông thôn phát huy hiệu quả
Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, cũng là điều kiện để xây dựng xã đạt chuẩn NTM, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành các CNT đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân địa phương và các vùng phụ cận. Hiện tại 7 xã, thị trấn trong huyện đều có chợ, riêng thị trấn Lai Uyên có 2 chợ, gồm 1 chợ có từ trước đến nay (CNT) và 1 chợ loại II do Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác nhằm phục vụ công nhân lao động tại Khu công nghiệp Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, xã Lai Hưng.
Ông Lê Khắc Tri, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết hiện nay mạng lưới chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối hàng hóa chủ yếu của người sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn. Nhằm tạo điều kiện cho người dân giao thương, buôn bán, huyện đã thực hiện xã hội hóa xây dựng các chợ với vốn đầu tư hơn 48 tỷ đồng, điển hình như các chợ Long Nguyên (vốn đầu tư 12 tỷ đồng), Hưng Hòa (vốn đầu tư 13,5 tỷ đồng), Tân Hưng (vốn đầu tư 7 tỷ đồng), Trừ Văn Thố (vốn đầu tư 3 tỷ đồng)… Các chợ được xây dựng khang trang và đã đi vào hoạt động ổn định.
Theo lãnh đạo xã Lai Hưng, thực hiện chủ trương xã hội hóa của huyện trong phát triển đa dạng hóa các loại hình thương mại - dịch vụ, chợ Lai Khê được Doanh nghiệp tư nhân Thương mại dịch vụ Trung Kiên đầu tư với diện tích hơn 3.000m2, kinh phí xây dựng 6,5 tỷ đồng và đi vào hoạt động chính thức đầu năm 2017. Hiện Ban quản lý chợ đã bố trí cho 40 tiểu thương buôn bán với đa dạng các mặt hàng. Việc chợ đi vào hoạt động đã giải quyết tốt nhu cầu buôn bán, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn.
Ghi nhận tại các chợ trên địa bàn huyện Bàu Bàng cho thấy, các mặt hàng buôn bán ở đây đa dạng, phong phú, tỷ lệ hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm hơn 60%. Anh Hướng, tiểu thương tại chợ Lai Uyên, cho hay các mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân trên địa bàn tại chợ đều có đủ, không như trước đây người dân phải đi xa mới mua được. Tại chợ hiện nhiều sản phẩm có thương hiệu, mẫu mã đẹp để người dân chọn mua. Gần đây, hàng Việt được người dân trên địa bàn chọn mua nhiều hơn do sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, giá cả lại phù hợp.
Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng, cho biết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, ngoài việc chú trọng đầu tư, chỉnh trang các chợ truyền thống ở nông thôn, từng bước hình thành các chợ, siêu thị ở các khu dân cư tập trung, huyện đã và đang khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý phân phối hàng hóa, hệ thống bán lẻ trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương phối hợp với Becamex IDC xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại, trước hết để đáp ứng cho các nhà đầu tư tại Khu công nghiệp Bàu Bàng và từng bước chuyển đổi một số CNT tại các khu vực trung tâm theo hướng hiện đại để gia tăng sức mua cũng như giao thương với các vùng lân cận. |
HOÀNG PHẠM