Hàng tết chuẩn bị vào mùa cao điểm

Cập nhật: 13-01-2022 | 08:31:10

 Bên cạnh hệ thống cung ứng hàng hóa thông qua chuỗi bán lẻ hiện đại, tại các chợ truyền thống, điểm bán lẻ, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán 2022 bắt đầu nhộn nhịp. Đến thời điểm này, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm rất phong phú, giá cả ổn định.

 Tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp tết

 Hàng hóa phong phú

Thời điểm này, tuy hãy còn rất sớm để mua sắm hàng hóa cho ngày tết, song dạo quanh một vòng các chợ ở TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát… không khí chuẩn bị phục vụ khách hàng mua sắm tết bắt đầu nhộn nhịp. Các mặt hàng mứt, bánh kẹo, áo quần, giày dép, đồ nội thất... được tung ra thị trường với số lượng tăng, mẫu mã phong phú, đa dạng hơn.

Chị Nguyễn Thị Thúy, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ An Tây (TX.Bến Cát), cho biết ngoài lượng hàng và nhóm hàng kinh doanh thường ngày, cửa hàng chị hiện đã nhập thêm những mặt hàng khác như các loại hạt, mứt, bánh, bia rượu, nước giải khát phục vụ nhu cầu mua sắm tết của bà con địa phương.

Chủ một đại lý tạp hóa trên đường Lý Thường Kiệt, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, cho biết dù dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tình hình buôn bán nhưng đại lý đã chủ động đặt hàng tại các công ty để phục vụ nhu cầu dịp tết sắp đến. Năm nay, các mặt hàng như thức uống, đồ khô, mứt được các công ty chăm chút chất lượng, mẫu mã khá tốt, giá cũng có nhiều mức khác nhau nên nhìn chung người tiêu dùng có thể thoải mái lựa chọn mà không băn khoăn nhiều về giá.

Tuy lượng khách đến chợ chưa nhiều, nhưng thời điểm này giá cả nhiều mặt hàng vẫn có phần tăng nhẹ. Hiện tại, giá các loại hạt dao động từ 180.000- 400.000 đồng/kg. Đơn cử, hạt dưa 180.000 đồng/kg, hạt sen sấy khô 280.000 đồng/ kg, hạt điều tỏi 200.000 đồng/ kg, hạt dẻ cười 400.000 đồng/ kg… Đối với mặt hàng mứt trái cây đều có mức giá dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg.

Kỳ vọng sức mua sẽ tăng

Thời gian gần đây, trên các địa bàn của tỉnh xuất hiện thêm nhiều cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ, đại lý tạp hóa lớn nên tình trạng “chia khách” ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động mua bán ở các chợ truyền thống. Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu dùng hàng ngày càng tăng, các hộ kinh doanh tại các chợ lớn, nhỏ trên địa bàn đều chủ động dự trữ và đưa ra mức giá rất cạnh tranh, bên cạnh đó thực hiện bán giá đúng niêm yết, tránh tình trạng ùn ứ, đội giá. Mặc dù vậy, sức mua tại các chợ vẫn chưa cao.

“Sở Công thương đã yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố có kế hoạch triển khai sắp xếp trật tự kinh doanh cho các hộ cố định trong chợ, bố trí sắp xếp thêm các điểm kinh doanh bên ngoài để bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau tết, nhất là trong những ngày cận tết. Sở Công thương sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, an toàn thực phẩm tại các chợ, trong đó kiểm tra việc đo lường hàng hóa, công bố chất lượng để phát hiện các thủ đoạn gian lận gia tăng trong những ngày cuối năm âm lịch”. 
(Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương) 

Chủ cửa hàng bánh kẹo Nga trên đường Đoàn Trần Nghiệp, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một khẳng định, giá bánh kẹo, mứt tết năm nay tăng khoảng 10 - 15%. Nhiều mặt hàng giá tăng khá cao và nguồn hàng về không nhiều, trong khi các cơ sở sản xuất cũng rất dè chừng sức tiêu thụ nên giá một số loại mứt có đầu vào cao hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với năm trước, nhưng tiểu thương vẫn bán giá cũ để bảo đảm tiêu thụ hết hàng đã nhập về và kích thích sức mua.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức mua thấp. Thứ nhất, chợ truyền thống phải cạnh tranh với nhiều kênh bán lẻ khác. Thứ hai, thời điểm này chưa phải nở rộ của thị trường hàng hóa tết, thường thì từ ngày 15 đến 28, 29-12 âm lịch sức mua sẽ tăng mạnh. Nguyên nhân quan trọng hơn cả là các nhà sản xuất đã thận trọng hơn trong kế hoạch cung ứng hàng hóa ra thị trường, trong khi tiểu thương lo ngại sức mua yếu nên giá hàng hóa tết tại chợ khá ổn định. “Từ nay đến Tết Nguyên đán, phường sẽ phối hợp với ngành y tế, quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả tại các chợ, điểm bán trên địa bàn nhằm ổn định nguồn hàng, giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ người tiêu dùng”, bà Mai cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết căn cứ theo kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và ứng phó với dịch bệnh trong giai đoạn “bình thường mới”, hiện Sở Công thương đang thực hiện các bước kiểm tra, kiểm soát đối với công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Theo đó, dự kiến 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh sẽ dự trữ khoảng 1.133 tấn lương thực, 2.799 tấn thực phẩm chế biến, 745 tấn thực phẩm tươi sống với tổng giá trị 211,2 tỷ đồng.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên