Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp sau khi mất việc vì COVID-19. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN)
Khi nền kinh tế được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới, một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam là duy trì giải quyết việc làm cho những người đã bị mất việc, đảm bảo nguồn cung ứng cho thị trường lao động. Để thực hiện được mục tiêu này sẽ đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp cùng tham gia vào việc đào tạo lại cho người lao động.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Kinh nghiệm quốc tế về tạo việc làm và kinh doanh bền vững trong trạng thái bình thường mới” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với ManpowerGroup Việt Nam tổ chức ngày 3/6.
Ba kịch bản cho thị trường lao động quý 3
COVID-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có đối với thị trường lao động. Chỉ trong năm tháng đầu năm 2020 đã có trên 430.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2019). Riêng tháng 5/2020 đã có gần 160.000 người nộp hồ sơ hưởng bảo hiêm thất nghiệp, tăng 55% tháng so với tháng 4/2020 và tăng 45% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, tình hình lao động ngừng việc đang có xu hướng giảm do doanh nghiệp bắt đầu cho lao động trở lại làm việc. Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, từ tháng Năm đến nay, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000-80.000 người lao động bị mất việc quay trở lại làm việc. Mặc dù tỷ lệ lao động mất việc đã giảm, nhưng việc làm của nhiều người lao động và hoạt động của nhiều doanh nghiệp cũng vẫn đang gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu còn đình trệ, thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi…
Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Cục Việc làm đã đưa ra 3 kịch bản dự báo thị trường lao động trong quý 3. Theo kịch bản tốt, nếu tình hình dịch tễ thế giới diễn biến tích cực, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ khoảng 70-75%, số người ngườiviệc làm hằng tháng sẽ khoảng 70.000-80.000 người và 3-3,5 triệu lao động phải ngừng việc.
Nếu tình hình dịch tễ thế giới chỉ đi ngang (không xấu, không tốt) thì mỗi tháng vẫn sẽ có 80.000-90.000 lao động mất việc, khoảng 80% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và sẽ có 5-5,6 triệu lao động bị ngừng việc.
Còn nếu tình hình dịch tễ thế giới xấu, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số mất việc hằng tháng khoảng 90.000-100.000 người, 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng và số lao động bị ngừng việc lên tới 6-7,2 triệu người.
Đánh giá về thị trường lao động trong thời gian này, ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Thái Lan, Việt Nam và Trung Đông cho hay theo thống kê từ các sàn giao dịch việc làm điện tử, các ngành nghề đang khởi sắc trong quý 2 gồm: Điện, điện tử; thực phẩm và nước uống; vận tải; thương mại điện tử; hậu cần; hàng tiêu dùng nhanh; chuỗi cung ứng.
Đào tạo lại lao động cho thị trường mới
Chia sẻ kinh nghiệp ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 tại Singapore, Malaysia, Thái Lan… ông Sam Haggag, Tổng Giám đốc ManpowerGroup Malaysia kiêm Giám đốc Dịch vụ Cung ứng lao động tạm thời khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho hay: “Một loạt các ngành công nghiệp như hàng không, dịch vụ mặt đất, dịch vụ xe công nghệ… đã dành những nỗ lực to lớn để phân bổ lại lực lượng lao động phù hợp. Trong trạng thái mới, sự trở lại với thế giới việc làm một cách có kỷ luật là chìa khoá then chốt giúp phục hồi nền kinh tế.”
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo trực tuyến “Kinh nghiệm quốc tế và tạo việc làm và kinh doanh bền vững trong trạng thái bình thường mới”. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Tại Malaysia, trong các ngành ứng dụng đặt xe công nghệ, hậu cần, sản xuất đồ dùng nhanh (FMCG), nhân viên được luân chuyển thường xuyên đến các đơn vị phòng ban khác đang hoạt động trong công ty. Việc tái phân bổ nguồn lao động trong công ty, đào tạo lại nhân viên nội bộ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí tuyển dụng ứng viên mới,” ông Sam Haggag nói.
Đánh giá về sự thay đổi của thị trường lao động, ông Simon Matthews cho rằng gần một nửa các vị trí trong ngành sản xuất sẽ phải thay đổi trong vòng 3-5 năm tới dưới sự ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi số. Số hóa ngành sản xuất đang tạo ra nhu cầu kỹ năng cao hơn. Đặc biệt, những vị trí đòi hỏi kỹ năng số như tự động hóa, chế tạo dụng cụ, robotics sẽ gia tăng trong 3 năm tới do ảnh hưởng của công nghệ.
Ông Simon Matthews nhận định: “Dự báo trong năm 2020, 84% các tổ chức sẽ nâng cao kỹ năng cho người lao động. Trước thực tế đó, các công ty cần những cách tiếp cận mới mẻ hơn trong đào tạo và phát triển tài năng cho tổ chức để phát huy tính cạnh tranh trên thị trường. Các nhà tuyển dụng cũng sẽ cần các chiến lược tuyển dụng và cách tiếp cận sáng tạo hơn với người lao động.”
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Nhu cầu lao động có thể tăng nhưng không phải là cơ hội cho tất cả mọi người nếu mỗi người lao động không nỗ lực cao. Và, dù là lao động cũ nhưng phải đáp ứng được yêu cầu mới.”
Ông Thanh cho biết thêm Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ cho phép sử dụng 3.000-5.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm. Đây là một trong những giải pháp giúp người lao động thích ứng được với những thay đổi của thị trường lao động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19./.
Theo TTXVN