5 năm qua, hàng Việt Nam chất lượng cao đã khẳng định ưu thế tại thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã quan tâm đến việc xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn, nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành... để thâm nhập thị trường, tạo được sự chú ý và khuyến khích khách hàng sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Người tiêu dùng mua hàng Việt Nam tại Siêu thị Vinatex Mỹ Phước Ảnh: H.VĂN
Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, người dân trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thông qua cuộc vận động này, người dân từ thành thị đến các vùng nông thôn đã dùng hàng Việt nhiều hơn, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Quế Nhi, người dân khu phố 8, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một cho biết, thông qua các kênh thông tin đại chúng, hiện nay gia đình bà toàn sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao. Đơn cử trong dịp Tết Trung thu 2014, gia đình bà đã chọn mua 6 lồng đèn Việt Nam có biểu tượng tàu cảnh sát biển Việt Nam cho con, cháu. Ngay cả đứa con gái 6 tuổi trong gia đình bà cũng thích đèn trung thu của Việt Nam, một quyết định thay đổi hoàn toàn từ ý thức của cháu so với cách đây 2 năm.
Trong 5 năm qua, Sở Công thương đã kết hợp với Tỉnh đoàn, UBND các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức 55 phiên chợ vui phục vụ thanh niên công nhân ở một số khu, cụm công nghiệp. Doanh thu bán hàng đạt gần 40 tỷ đồng. Bình quân mỗi phiên chợ có 30 doanh nghiệp tham gia và trên 10.000 lượt người đến mua sắm. Các thương hiệu mạnh đã đem đến nhiều mặt hàng tiêu dùng có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người dân. Ở các phiên chợ này, người dân không chỉ đến mua hàng hóa và tìm hiểu các thương hiệu chất lượng của Việt Nam mà còn có dịp thưởng thức các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian và nhiều chường trình tặng quà cho hộ nghèo, công nhân lao động.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Thông tin kinh tế Sở Công thương Bình Dương cho biết, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn được xem là bước đột phá trong chương trình tổng thể về kích cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu dân cư, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Chương trình không chỉ giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm chất lượng cao ngay tại sân nhà, mà thông qua đó tạo sự tương tác giúp người dân thỏa thích mua sắm hàng Việt Nam chất lượng cao, giá khuyến mãi. Các chương trình này đã góp phần cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Khẳng định giá trị hàng Việt
Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương cho biết, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo chuyển biến về nhận thức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, các tầng lớp nhân dân ý thức về sự quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất đã quan tâm hơn đến việc xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành để thâm nhập thị trường, nhất là thị trường nông thôn; tạo được sự chú ý và tác động đến xu hướng sử dụng hàng Việt của người dân ngày càng nhiều hơn.
Trong thời gian tới, để cuộc vận động này tiếp tục đi vào chiều sâu, khẳng định giá trị thương hiệu Việt ngay tại sân nhà, Sở Công thương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát; chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tổ chức tốt hệ thống phân phối, chương trình đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.
HỒ VĂN