Hành trình tìm về ký ức: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Cập nhật: 25-07-2014 | 00:00:00

>>> Kỳ 1: Địa ngục trần gian trong lòng đảo vắng

Kỳ 2: Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn đó những nỗi đau chia ly và khốc liệt. Khi cầm súng chiến đấu, các chiến sĩ cách mạng đã mưu trí dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, lập được nhiều chiến công hiển hách. Lúc bị địch bắt, dù bị tra tấn dã man, các cán bộ, chiến sĩ của chúng ta vẫn một dạ kiên trung, bất khuất giữ vững khí tiết cách mạng. Các anh đã dùng máu của mình để nhuộm thắm màu cờ của Tổ quốc.

Chốn lao tù vẫn chống xâm lăng

Kết thúc chiến tranh, 40.000 cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị giam tại nhà tù Phú Quốc đã trở về, tiếp tục sống, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước. Những vết thương trên thịt da đã lành. Những nỗi đau tinh thần cũng dần nguôi ngoai. Nhưng trong số 40.000 tù nhân ở địa ngục trần gian này, có tổng cộng hơn 4.000 người đã bị sát hại theo cách man rợ nhất mà loài người biết đến.  

Lễ an táng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Phú Quốc (Ảnh tư liệu tại Nhà tù Phú Quốc)

Trong lịch sử tồn tại suốt chục năm đen tối của nhà tù Phú Quốc, có quá nhiều vụ thảm sát tàn khốc xảy ra, cướp đi sinh mạng của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nơi đây. Sau mỗi cuộc tàn sát tù binh, chúng khiêng xác tù binh chất lên máy bay rồi ném ra biển cho cá mập ăn. Bọn cai ngục Phú Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tàn sát tập thể, giết hại hàng trăm tù binh. Chúng đào sẵn những hố sâu cả chục mét, rộng cả trăm mét vuông trong rừng để chôn các chiến sĩ cách mạng. Cứ sau mỗi cuộc tàn sát, chúng ném xác tù binh xuống, rải hóa chất cho nhanh phân hủy, rồi lấp một lớp đất. Và cứ có cuộc tàn sát mới, chúng lại ném xác tù binh xuống ngay những hố cũ. Vì thế mà sau này, trong các cuộc khai quật mộ liệt sĩ tại đây còn tìm thấy được hố chôn tập thể với hơn 500 hài cốt các tù binh Phú Quốc.

Trong ký ức các tù binh Phú Quốc, thì cuộc tàn sát khủng khiếp nhất của bọn cai ngục diễn ra vào sáng 6-5- 1972. Hôm đó, bọn giám thị và quân cảnh kéo vào trong trại đánh đập tù nhân. Uất ức quá, anh em vùng lên đánh lại. Bọn chúng sợ hãi bỏ chạy. Những tên bên ngoài nổ súng yểm trợ, chúng điên cuồng xả súng bắn vào hàng trăm tù nhân. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn, 248 tù binh bị trúng đạn, người chết, người bị thương. Đây là cuộc tàn sát lớn nhất trong lịch sử nhà tù Phú Quốc.

Trả lại tên cho anh

Trong số những hình ảnh và hiện vật trưng bày tại nhà tù Phú Quốc có một bức ảnh chụp hai chiến sĩ bị địch bắn chết tại nhà lao. Phía dưới bức ảnh có chú thích “Đồng chí Lê Văn Đường và Lê Văn Kia bị bắn chết trong vụ đàn áp tại phân khu B2 ngày 2-8-1971” tại nhà lao Phú Quốc. Hai anh nằm đấy nhưng suốt 43 năm qua người nhà vẫn đau đáu đi tìm. Mãi cho đến đầu tháng 3-2014, bà Lê Thị Mười, em gái liệt sĩ Lê Văn Kia, ngụ tại xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tình cờ trong chuyến đi du lịch ra đảo Phú Quốc và nhận ra hình ảnh của anh trai mình được trưng bày tại di tích “Nhà lao Cây Dừa”, qua đó bà biết được liệt sĩ Lê Văn Kia đã hy sinh trong thời gian bị tù đày tại đây. Mộ liệt sĩ Lê Văn Kia đã được quy tập vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phú Quốc, tuy có sai lệch thông tin.  Sau hơn 40 năm, từ bức ảnh này gia đình bà Lê Thị Mười ngụ tại Chánh Phú Hòa, Bến Cát đã tìm được mộ của anh trai mình là liệt sĩ Lê Văn Kia

Ông Trần Trung Trực, cựu tù binh Phú Quốc từ năm 1968- 1973, nguyên là du kích Bến Cát, là bạn thân của liệt sĩ Lê Văn Kia, cho biết: “Anh Lê Văn Kia tên ở nhà là Lê Văn Mai, đi cách mạng lại có tên là Lê Văn Kia. Nhà tôi cách nhà anh Kia chỉ 150m. Chúng tôi cùng lớn lên và cùng chiến đấu với nhau. Khi bị đưa ra nhà tù Phú Quốc, tôi ở khu A2-A3 còn anh Kia ở khu B2. Ở trong tù, chúng tôi đều biết đồng hương mình có những ai. Trong một cuộc tàn sát của địch, chúng bắn súng liên tiếp vào các tù binh và dùng lựu đạn cay ném vào. Khi chúng dùng lựu đạn ném vào các tù binh thì anh Kia đã nhặt lựu đạn ném ra ngoài hàng rào kẽm gai. Bọn địch đã dùng súng bắn thẳng vào anh khiến anh bị thương nặng. Sau đó, chúng bắt anh đi và tra khảo cho đến chết”.

Lời chứng của ông Nguyễn Trung Trực đã giúp cho gia đình bà Lê Thị Mười tìm được anh trai của mình, đồng thời giúp làm lại hồ sơ để cấp danh hiệu liệt sĩ cho liệt sĩ Lê Văn Kia.

Gia đình liệt sĩ Lê Văn Kia đã tìm được mộ của anh, nhưng hàng ngàn liệt sĩ khác vẫn còn đang nằm trong lòng đất hoang lạnh, hoặc mãi mãi dưới biển sâu mà không bao giờ có thể đưa các anh trở về với gia đình được. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của các anh, những người con của dân tộc. Những người đã hy sinh đời mình cho độc lập tự do và sự bình yên cho Tổ quốc. Sau hơn 40 năm các anh nằm xuống, chúng tôi càng thấu hiểu nỗi đau của Tổ quốc bị kẻ thù chà đạp thô bạo, nỗi đau của những người mẹ, người cha đã mất con vì nền độc lập của nước nhà. Các anh đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên mảnh đất mẹ yêu thương suốt chiều dài lịch sử. Hôm nay đây, cả nước đang nhớ về các anh. Chúng tôi xin thắp một nén hương lòng cắm lên những nấm mộ đã yên nghỉ của các anh, những người chiến sĩ cách mạng kiên trung đã gửi trọn tuổi thanh xuân của đời mình trong lòng đất nước đúng như lời một bài thơ: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên thành linh khí Quốc gia”.

Sau chiến tranh, Đảng và Nhà nước rất quan tâm tới công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã hy sinh tại nhà tù Phú Quốc, tính đến tháng 8-2008, qua 5 đợt tổ chức tìm kiếm, có 905 liệt sĩ được tìm thấy hài cốt. Đến thời điểm này, người ta tiếp tục tìm được tổng cộng hơn 1.300 gói hài cốt nhưng không xác định tại nhà lao Cây Dừa. Trong số đó, chỉ có 130 hài cốt có tên tuổi, còn lại hầu hết đều là vô danh, không rõ họ tên, tuổi, quê quán, không rõ ngày hy sinh… do quá trình bị địch bắt giam, tù đày tra tấn đến chết ở đâu thì vùi xác tại đó. Theo một số tư liệu lịch sử, hiện nay dưới lòng đất vùng nhà lao Cây Dừa vẫn còn gần 3.000 bộ hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=809
Quay lên trên