Hành trình truy tìm “lò” sản xuất mỹ phẩm giả (Kỳ 1)

Cập nhật: 03-10-2014 | 15:44:02

Kỳ 1: Theo dấu mạng “chân rết” cung cấp hàng giả

LTS: Trong các số báo ngày 22-9 và 1-10 vừa qua, báo Bình Dương đã có bài phản ánh về hiện tượng mỹ phẩm giả bán tràn lan trên thị trường Bình Dương và người tiêu dùng mua nhầm mỹ phẩm giả sử dụng phải nhập viện điều trị. Từ hiện tượng bất thường này, phóng viên Báo Bình Dương cùng một số nhân viên Công ty TNHH MTV mỹ phẩm Vĩnh Tân (Công ty Vĩnh Tân), sản phẩm của công ty bị làm giả vừa được phát hiện và xử lý mới đây, đã xâm nhập thực tế truy tìm và tiếp cận “lò” mỹ phẩm giả.

Trong đêm mưa tầm tả, chúng tôi đã lần theo đường dây cung cấp hàng để điều tra truy tìm nơi sản xuất mỹ phẩm giả. Nhiều người cho rằng tìm được “lò” này rất khó bởi phải qua nhiều trung gian, hàng giả mới đến điểm kinh doanh nhỏ lẻ và người tiêu dùng. Nhưng khi nghĩ tới quyền lợi, sức khỏe của hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam, chúng tôi đã nỗ lực làm sáng tỏ vấn đề.

Lần tìm dấu vết

Cầm trên tay vỏ hộp mỹ phẩm giả giống hệt 100% mỹ phẩm cùng loại của Công ty Vĩnh Tân, chúng tôi đến một số cửa hàng kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm ở TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một thì được nhân viên ở đây cho biết có bán loại này. Nhưng khi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thì họ không biết, họ chỉ lấy hàng thông qua điện thoại từ người bỏ hàng dạo.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi đã nắm được nhiều số điện thoại của mạng “chân rết” cung cấp hàng, sau đó phân loại từng số điện thoại để liên hệ đặt mua hàng. Khi chúng tôi đặt mua hàng và yêu cầu giao hàng tại Bình Dương, một người bỏ hàng tên Tâm, số điện thoại 016922345…, nói: “Alô, anh ơi giao hàng tại TP.HCM thì bọn em giao, chứ ở Bình Dương trong những ngày qua động quá, tụi em lo lắm”. Hỏi thêm chúng tôi được biết Tâm “lo” bị phát hiện nếu giao hàng ở Bình Dương, vì vừa rồi cơ quan chức năng đã tịch thu số hàng mỹ phẩm giả gây bệnh cho người sử dụng và đang vào cuộc điều tra, làm rõ. Thông tin này báo chí cũng đã có tin, bài phản ánh nhằm cảnh báo người tiêu dùng. Thông qua lời nói dè chừng của Tâm chúng tôi nhận định, đối tượng cũng muốn bỏ hàng kiếm thêm tiền, nhưng cũng vừa lo bị cơ quan chức năng bắt nên từ chối giao hàng ở Bình Dương. Xâm nhập thực tế sự việc mới thấy các đối tượng bỏ hàng giả rất khôn ngoan và tinh vi, chỉ cần sơ suất một chút là đối tượng nghi ngờ, sợ bị gài và từ chối thẳng thừng.

Đối tượng Đen cùng tang vật tại cơ quan công an  Ảnh: H.VĂN

Bám sát đối tượng

Từ những cuộc điện thoại chúng tôi đã khoanh vùng được nơi buôn bán và sản xuất mỹ phẩm giả quy mô lớn nằm trên địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM. Theo dõi trong những đêm mưa tầm tả chúng tôi vẫn nghe tiếng cọc cạch, tiếng máy khoan, máy dập hòa lẫn tiếng mưa rơi tí tách. Các nhân viên mỹ phẩm cùng phóng viên Báo Bình Dương đã giả dạng nhiều hạng người để tiếp cận cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả. Một người trong nhóm chúng tôi đã điện thoại với đối tượng tên Đen để trao đổi đặt hàng. Lần thứ nhất, chúng tôi lấy được số hàng nhỏ; lần thứ hai tiếp tục đặt số hàng kha khá; rồi lần thứ ba, thứ tư… Cứ thế, chúng tôi lấy được nhiều hàng mà không bị đối tượng nghi ngờ. Một thành viên đi trong nhóm chúng tôi cho biết đối tượng tên Đen khôn ngoan và rất tinh. Đối tượng này nói là lấy hàng từ chỗ khác bỏ lại cho mình; sau khi bỏ xong số hàng giả lấy tiền rồi chạy mất hút bằng xe máy honda đời mới.


Một thành viên trong nhóm chúng tôi đóng vai người mua hàng trao đổi với
đối tượng Đen(bên phải). Ảnh: H.VĂN

Bắt gọn đối tượng cùng tang vật

Từ thông tin cấp báo cho cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, ngày 30-9, qua sự hướng dẫn của các trinh sát điều tra kinh tế và lực lượng quản lý thị trường Bình Dương, một người trong nhóm chúng tôi đã đặt mua 350 hộp mỹ phẩm giả và yêu cầu đối tượng Đen giao hàng tại Bình Dương. Tuy nhiên, đối tượng không chịu, đòi giao hàng tại TP.HCM. Để “thuyết phục” Đen, chị H., nhân viên Công ty Vĩnh Tân, đề nghị: “Em à, chị đưa hàng này về miền Trung nên em có thể giao cho chị ở bến xe Lam Hồng nhé”. Qua trao đổi, đối tượng Đen đồng ý giao 350 hộp hàng giả với giá 80.000 đồng/hộp (giá trên vỏ hộp là 220.000 đồng/hộp) và hẹn sáng 1-10 giao hàng. Để bảo đảm an toàn, các trinh sát kinh tế đã hướng dẫn, lên kế hoạch và tiếp cận chị H. 24/24 giờ trong suốt quá trình trao đổi điện thoại với tên Đen. Trong quá trình này, lực lượng cảnh sát kinh tế Bình Dương, quản lý thị trường tỉnh đã đưa ra nhiều phương án bắt quả tang đối tượng giao hàng giả.

Khoảng 9 giờ ngày 1-10, trong khi đang giao lô hàng giả 350 hộp tại một quán cà phê “cóc” cạnh bến xe Lam Hồng ở phường An Bình, TX.Dĩ An, lực lượng chức năng đã tóm gọn tên Đen về hành vi buôn bán hàng giả.

Trong quá trình bắt quả tang, cơ quan công an đã tạm giữ đối tượng Đen cùng 350 hộp mỹ phẩm giả giống 100% sản phẩm cùng loại của Công ty Vĩnh Tân; đồng thời thu giữ nhiều mẫu mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trong cốp xe của đối tượng, toàn bộ số tiền bán mỹ phẩm giả thu về bất chính và nhiều tang vật khác.

Tại cơ quan công an, đối tượng Đen khai nơi ở và làm việc tại địa chỉ 53 đường 26-3, khu phố 19, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM.

Kỳ 2: Bắt “lò” sản xuất mỹ phẩm giả bên bờ kênh hôi

 

 

Luật sư  BÙI DUY KHÁNH, Đoàn Luật sư TP.HCM: Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng giả như sau: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 150 triệu đồng, hoặc dưới 30 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại điều này, hoặc tại một trong các Điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của bộ luật này, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính lớn; gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

HỒ VĂN (ghi)

HỒ VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2284
Quay lên trên