Đến xã Tân Mỹ, Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên) hôm nay, mọi người nhận thấy có sự đổi thay rõ rệt. Những con đường trải nhựa nối dài, những vườn cây trĩu quả ven dòng Đồng Nai màu mỡ phù sa đang là thế mạnh cho mô hình kinh tế nông nghiệp nơi đây. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa nhưng với nhân dân ở đây vẫn không thể nào quên những ký ức về một thời chiến tranh oanh liệt…
Kỳ 14: Đất anh hùng
Ông Tư Duyên kể chuyện đánh giặc với phóng viên Báo Bình Dương…
“Vùng trắng”
Cũng như Bình Mỹ, vùng đất Tân Mỹ, Đất Cuốc năm xưa là nơi địch tự do oanh tạc. Đã có hàng vạn tấn bom dội xuống mảnh đất nhỏ bé này. Bom nổ khiến cây rừng tan nát, cỏ cũng không mọc nổi nên gọi là “vùng trắng”. Thế nhưng, mặc cho mưa bom bão đạn của quân thù, phía dưới lòng đất “vùng trắng” này, các cơ quan chỉ huy của cách mạng vẫn hiên ngang tồn tại. Đây chính là điều nhức nhối và khó hiểu đối với người Mỹ. Chúng càng quyết tâm tiêu diệt căn cứ cách mạng ở xã Tân Mỹ.
Đầu tháng 7-1965, Sư đoàn “Anh cả đỏ” bất ngờ đổ quân xuống cánh đồng Giáp Lạc và chia làm 3 hướng tràn vào khu căn cứ của ta đang đóng tại xã Mỹ Lộc (tức Tân Mỹ ngày nay). Cánh quân thứ nhất chúng càn vào cơ quan Tỉnh ủy, cánh thứ 2 đánh vào cơ quan Mặt trận tuyên huấn, cánh còn lại bao vây vòng ngoài hòng tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ta. Phát hiện địch đổ quân, Ban an ninh Tân Uyên phối hợp với lực lượng bảo vệ Tỉnh ủy tổ chức đánh trả địch. Chỉ bằng súng trường và mìn tự tạo, đội an ninh vũ trang đã anh dũng chiến đấu, bẻ gãy các đợt tấn công của địch. Bị thiệt hại nặng, lính Mỹ buộc phải rút lui. Sau trận càn, Ban an ninh huyện Tân Uyên phát hiện hướng địch tiến quân có ám hiệu, liền điều tra, xác minh và phát hiện một tên chỉ điểm. Đó là tên Năm Tức, thuộc tiểu khu Biên Hòa ngụy nên ta phải tiêu diệt y để bảo vệ an toàn căn cứ.
…và vui vẻ với cuộc sống điền viên
Lâu nay người Việt Nam mỗi khi nhắc đến cụm từ “đất thép” là nghĩ ngay đến Củ Chi. Đúng vậy. Đây là mảnh đất thành đồng. Tuy nhiên, nếu kể thêm nữa, phải nói đến vùng đất Tân Mỹ. Nơi đây cũng không khác gì Củ Chi, trên mỗi tấc đất đều có vô vàn mảnh bom đạn quân thù. Biết bao đồng bào, chiến sĩ của ta đã đổ máu trên mảnh đất anh hùng này. Muốn tiến vào chiến khu Đ phải qua Tân Mỹ, do đó địch liên tục đánh phá mảnh đất này. Tháng 4-1968, chúng mở trận càn lớn vào căn cứ Bến Trám, do tên Ba Sinh, nguyên tham mưu trưởng phân khu V của ta đầu hàng địch dẫn đường. Song, cũng như các trận đánh trước, vào đến Tân Mỹ, quân địch phải đối mặt ác liệt với lực lượng an ninh Tân Uyên. Suốt 2 ngày chiến đấu anh dũng, quân ta dù lực lượng mỏng hơn vẫn giữ vững trận địa, đẩy lùi đến đợt tấn công cuối cùng của địch. Trận này, ta diệt tại chỗ 25 tên Mỹ, ngụy và bắn cháy 4 xe tăng, bảo vệ cấp ủy an toàn. Suốt những năm chống Mỹ, Tân Mỹ giữa lòng chiến khu Đ, bao phen giặc đến điên cuồng đánh phá, vẫn kiên cường đứng vững.
“Dũng sĩ xe tăng”
Từ mảnh đất anh hùng đã sinh ra những người con kiên cường. Len qua những vườn cao su rợp bóng, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Văn Duyên (Tư Duyên), ở ấp 2, xã Tân Mỹ để nghe ông kể chuyện đánh giặc. Người chiến sĩ trinh sát an ninh năm xưa nay tuổi đã cao nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Về hưu mà không nghỉ ngơi, tiếp tục làm bí thư chi bộ ấp. Ở con người này, chất cách mạng vẫn luôn sục sôi. Ông bảo: “Mới được đi máy bay ra Hà Nội viếng Bác về. Cảm động lắm! Khi ngồi trên máy bay, tôi ví von về cuộc đời binh nghiệp: Ngày xưa thì độn thổ, ở trong hầm cả tháng không thấy mặt trời, giờ thì được thăng thiên (lên trời) nhờ máy bay”. Giọng ông cứ sang sảng, vô tư như hồi mới 16 tuổi đã xung phong “lên đàng”. Tôi hỏi, thời chiến tranh ác liệt, có khi nào ông chùn bước trước quân thù không? “Đời nào! Ba tôi hy sinh thời chống Pháp, anh tôi hy sinh thời chống Mỹ. Máu của cha anh đổ xuống trên mảnh đất này đã thôi thúc tôi đứng lên trả thù cho gia đình, cho quê hương. Mà ở cái vùng đất này, thanh niên ai mà không tham gia cách mạng. Giặc đến thì đánh, hết giặc lại về chứ đâu chỉ có riêng mình tôi…”, ông Tư Duyên nói quả quyết như vậy.
Ông kể tiếp cho chúng tôi nghe về câu chuyện đánh xe tăng Mỹ. Vẫn với chất giọng sang sảng, ông nói: “Mỹ nó thua ta ở 2 từ quy luật. Hành quân, tác chiến…, cái gì cũng quy luật. Bởi thế, ta lại nắm quy luật để đánh lại chúng”. Tháng 10- 1968, ông Tư Duyên qua nhiều lần theo dõi về đoàn xe tăng Mỹ hành quân đã hình dung một kế hoạch. Chiều hôm đó, đoàn xe tăng Mỹ hùng hổ bắt đầu tư dốc Bà Nghĩa (Uyên Hưng) tiến vào các xã Tân Ba, Thạnh Hội… càn quét như mọi lần. Đoàn xe đi ngang qua “căn cứ” của Tư Duyên ở trong bụi tre tại dốc chùa Bình Quá. Chiếc tăng M41 to đùng, hiện đại nhất dẫn đầu đang tiến vào trận địa phục kích của ông. Trong chớp mắt, một tiếng nổ vang trời giữa rừng chiến khu Đ khiến chiếc tăng đồ sộ bay lên cao rồi đổ sầm xuống mặt đất, khói đen mù mịt. Hơn 10 tên lính Mỹ trong xe đã thiệt mạng. Từ trên ngọn cây gần đó, Tư Duyên đang nhấp nhô quan sát và suýt chết vì “cục sắt” từ xích xe tăng bay vèo tới, chém ngang đọt cây trên đầu. Mấy ngày sau, Tư Duyên tiếp tục chỉ huy đội trinh sát vũ trang diệt tiếp 2 xe tăng Mỹ trong lúc chúng đang đánh vào xã Đất Cuốc. Các cựu chiến sĩ an ninh ở Tân Uyên kể lại: Tư Duyên đã gài mìn thì xe tăng Mỹ khó mà thoát. Ông rất mưu trí trong cách đánh địch, dự đoán được tình huống sẽ xảy ra nên địch đều sập bẫy, xe nổ tan xác.
Với những chiến công rất hiển hách, cuối năm 1968, Tư Duyên được tặng bằng khen Dũng sĩ diệt xe tăng cấp 1. Đó là một vinh dự lớn đối với ông trong những năm tháng chiến đấu ở Ban an ninh Tân Uyên.
Nhà ông Tư Duyên ở giữa cao su rợp bóng mát. Hết giặc lại về, giờ đây ông sống vui vẻ bên con cháu đã trưởng thành và làm bạn với những đàn chim hót líu lo. Đó cũng là cách sống mà chúng tôi thường gặp ở những người đã từng đi qua các cuộc chiến chinh khốc liệt trở về. Vui vẻ là thế, hào sảng, rất Nam bộ nhưng chúng tôi để ý trong ánh mắt của ông vẫn chất chứa một nỗi buồn thăm thẳm, nỗi nhớ thương khôn nguôi về những đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng này.
Kỳ 15: Người cuối cùng
K.GIANG - Đ.HẬU - K.VINH