Cuộc đời của ông Dương Văn Duyên (Tư Duyên) là một câu chuyện dài gắn liền với chiến công trận mạc, vào sinh ra tử. Không những giỏi tiêu diệt xe tăng Mỹ, ông còn bắn cháy cả máy bay, trừng trị nhiều tên ác ôn khét tiếng. Tên tuổi của ông Tư Duyên đã một thời vang tiếng ở Chiến khu Đ anh hùng…
Kỳ cuối: “Người cuối cùng”
Ông Tư Duyên đang kể về những năm tháng oanh liệt cùng đồng đội đánh giặc
Trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đất Tân Uyên đã sinh ra nhiều người con anh hùng, một lòng đi theo cách mạng. Trong quá trình thực hiện loạt bài này, được tiếp xúc với từng nhân vật cụ thể, chúng tôi càng cảm nhận rõ điều đó. Họ là những chiến sĩ can trường, sống chỉ biết chiến đấu và trong trường hợp lâm nguy, vẫn đánh địch đến hơi thở cuối cùng. Lịch sử Ban an ninh Tân Uyên đã tổng kết: Không có đồng chí nào bị địch bắt hoặc dao động trước sự cám dỗ của quân thù. Đó là minh chứng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Chiều muộn. Trong căn nhà bình dị giữa rừng cao su xã Tân Mỹ, ông Tư Duyên tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về sự kiên trung của người chiến sĩ an ninh thời chiến. Ông kể rằng: Thời đó, gan dạ và mưu lược nhất phải kể đến bà Hai Hường và ông Bảy Chí (2 nhân vật mà chúng tôi đã viết trong các bài trước). Ông Bảy Chí, người nhỏ con nhưng ở nơi nào ác liệt là ông nhảy vào. Nhờ sự quả cảm của ông nên cách mạng phát hiện được nhiều kẻ phản bội cực kỳ nguy hiểm. Đầu năm 1968, ở xã Thạnh Phước - vùng đất “ngày địch, đêm ta” xảy ra nhiều vụ hầm bí mật bị lộ, ta hy sinh khá nhiều. Tháng 3-1968, trong một buổi sáng bất ngờ địch đổ bộ 1 tiểu đoàn lính cùng 2 tàu chiến và xe tăng bao vây khu vực bờ sông Thạnh Phước. Tình huống thật nguy nan, vì cạnh bờ sông có một căn hầm bí mật gồm 7 đồng chí của ta đang trú ẩn trong đó. Sau khoảng 1 giờ đào tìm, cuối cùng địch phát hiện được miệng hầm, chúng liên tục kêu gọi đầu hàng. Nhưng không! Bỗng một tiếng nổ long trời lở đất từ dưới hầm vang lên khiến quân địch khiếp sợ. 7 đồng chí đã tự sát! Đây là một hành động lẫm liệt, quyết không chịu sa vào tay giặc của các chiến sĩ, đã gây xúc động lớn trong đồng bào. Sự hy sinh anh dũng của 7 đồng chí là một tổn thất rất lớn đối với phong trào cách mạng ở xã Thanh Hội. Vì 7 đồng chí hy sinh dưới hầm hầu hết là cán bộ chủ chốt của xã. Rõ ràng, đây là một tội ác do bọn chỉ điểm, phản bội gây nên. Cấp trên giao cho ông Bảy Chí về điều tra. Và chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã phát hiện ra chính tên Xanh, người địa phương là thủ phạm. Ông Tư Duyên nhớ lại: “Hôm đó, sau khi nhận tin từ ông Bảy Chí, tôi và 2 cán bộ nữa đã đột nhập vào Thạnh Phước, bắt sống tên Xanh, đưa vào chiến khu khai thác. Trước chứng cứ không thể chối cãi, tên Xanh đã nhận tội và bị xử lý…”.
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên Ảnh: Q.CHIẾN
Ngày nay, ông Bảy Chí, bà Hai Hường… tất cả đều còn sống và luôn là tấm gương cho các thế hệ trẻ Bình Dương noi theo. Ông Tư Duyên cũng vậy, trở về với những chiến công nhưng hiện tại đang sống một cuộc đời rất giản dị. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông chỉ dành ít thời gian kể vô tư về những thành tích của mình. Ông chủ yếu dành nhiều thời gian để nói về các đồng đội. “Tôi là người còn lại sau cùng trong đội trinh sát vũ trang Ban an ninh Tân Uyên”, ánh mắt ông chợt hiện lên một vẻ thoáng buồn khi nói như thế.
Đội trinh sát vũ trang của ông được thành lập năm 1966 gồm 12 người, chiến đấu đến năm 1970 thì hy sinh 11 đồng chí, riêng ông đã nhiều lần bị thương nhưng may mắn còn sống. Lần bị thương nặng nhất là vào năm 1974, khi ông đang cùng với bộ đội đánh vào vùng ven Sài Gòn. Đạn pháo quân thù đã làm dập nát một cánh tay và đôi chân của ông. Đơn vị tưởng ông đã hy sinh, nhưng không ngờ sức sống trong ông vẫn mãnh liệt.
Như chợt nhớ ra điều gì, ông đứng dậy vào nhà lấy ra cho chúng tôi xem một tấm bằng được ông giữ cẩn thận. Thì ra đó là bằng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng mà má ông, bà Huỳnh Thị Mạnh vừa mới được Nhà nước truy tặng. Ông nói trong cảm động: “Ba tôi hy sinh khi má tôi còn rất trẻ. Mấy má con tự đùm bọc nuôi nhau. Rồi lớn lên, anh tôi và tôi đều đi theo cách mạng. Anh tôi hy sinh khi tôi 15 tuổi. Hòa bình lập lại, tôi may mắn trở về, mấy năm sau thì má mất. Nếu bây giờ mà bà còn sống, chắc chắn sẽ tự hào lắm!”.
Người thương binh ngồi lặng lẽ, đôi mắt suy tư ngắm nhìn tấm bằng danh hiệu của má vừa được truy tặng. Mặc dù gia đình ông có nhiều cống hiến cho cách mạng, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, ông Tư Duyên luôn coi mình là người may mắn và đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Đối với ông, sự hy sinh của những đồng đội luôn là ký ức oanh liệt sống mãi trong tâm hồn ông. Những kỷ niệm một thời cùng đồng đội đánh xe tăng, bắn may bay Mỹ đến bây giờ vẫn như những thước phim quay chậm trong dòng hồi tưởng của người cựu chiến binh này. Ông bảo, một hôm đầu tháng 2-1970, ông cùng 2 đồng đội trên đường đi mua lương thực, bỗng gặp một máy bay địch đang quần thảo trên ngọn cây ở rừng xã Đất Cuốc. Theo kinh nghiệm, ông nhận định, loại máy bay này bay đến đâu là có pháo binh và xe tăng đi theo. Một đồng chí trong tổ nói với ông: “Ta tìm chỗ núp thôi”. Tư Duyên trả lời: “Núp ở đâu? Chạy loạng quạng, địch ngồi trên máy bay bắn chết giờ…”. Nói đoạn, Tư Duyên triển khai ngay kế hoạch bắn máy bay. Chờ cho máy bay lọt vào tầm ngắm, ông hô to: Bắn! Lập tức 3 khẩu súng chĩa lên trời, ngắm thẳng máy bay nhả đạn. Chiếc máy bay cồng kềnh trúng đạn, rơi sầm xuống đất, nổ tan tành cùng với 3 tên lính Mỹ thiệt mạng. Thế rồi, cuối năm 1970, 2 đồng chí tham gia đánh máy bay với ông cũng lần lượt hy sinh anh dũng giữa rừng Chiến khu Đ. Đó là những hồi ức cho đến tận bây giờ, ông không thể nào quên. Trở về sau chiến tranh, người thương binh Tư Duyên tiếp tục tham gia đảm đương nhiệm vụ an ninh tại Công an huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên). Có giai đoạn ông là quyền Trưởng Công an huyện và đảm nhận nhiều chức vụ khác cho đến ngày về hưu.
Trong suốt 21 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng an ninh Tân Uyên đã trải qua biết bao thăng trầm. Từ khi thành lập (1961) với không quá 10 đồng chí, đến năm 1967, lực lượng đã phát triển đến hơn 50 đồng chí. Vậy nhưng, đến năm 1975, chỉ còn lại không quá 15 đồng chí. Chiến tranh đã cướp đi của quê hương Tân Uyên biết bao người con kiên trung. Rừng Chiến khu Đ một thời thấm đẫm máu xương của các anh, các chị. Nói như lời ông Bảy Chí, ở dưới khu rừng cách mạng này, còn có hàng vạn tấm gương anh dũng chưa được nhắc tới. Vậy nên, khi kết thúc loạt ký sự, chúng tôi đã hứa với ông Bảy Chí sẽ trở lại với mảnh đất đã đi vào huyền thoại này. Tạm biệt các chiến sĩ an ninh trung dũng kiên cường - những người con anh hùng trên vùng đất Chiến khu Đ anh hùng…
K.GIANG - Đ.HẬU - K.VINH