Những “Bông hoa” trong lòng địch: Cho màu xanh quê hương

Cập nhật: 03-09-2014 | 09:30:59

Kỳ 10: Cho màu xanh quê hương

>> Xem kỳ trước

Lập nhiều chiến công vang dội, nhưng trong một lần đi công tác tại An Điền (Bến Cát), đồng chí Nguyễn Văn Ca (Sáu Tấn) không may lọt vào ổ phục kích của địch và đã anh dũng hy sinh. Sự hy sinh của những người như ông Sáu Tấn đã góp phần làm cho màu xanh của Bàu Bàng, Bến Cát… hôm nay như xanh hơn.

Anh Nguyễn Văn Thuận (phải), con trai ông Sáu Tấn kể về những chiến công oai hùng của cha mình. Ảnh: KHÁNH VINH

Một sáng mát trong…

Được sự hỗ trợ từ gia đình, đồng đội cũ của ông Sáu Tấn, chúng tôi vạch cỏ, tìm đường về đến khu vực Gò Mua, nơi cách đây 42 năm ghi dấu một trận đụng độ không cân sức giữa Trưởng ban an ninh huyện Bến Cát với một lực lượng hùng hậu của địch. Từ quán chùa Tư Be, ấp Kiến Điền, xã An Điền đi thêm một đoạn chừng vài trăm thước, ông Nguyễn Văn Mỏi (Tư Mỏi) bồi hồi: “Đây rồi! Chỗ này là nơi anh Sáu Tấn hy sinh. Năm đó, chúng tôi cố giải vây cho anh nhưng không kịp. Chỗ này, một mình anh bám trụ từ sáng đến trưa giữ chân địch trước khi anh dũng hy sinh…”.

Đó là một buổi sáng mát trong vào tháng 12-1972. Dọc theo những hàng cây xanh rì rào trong gió mát, trên đường từ An Điền về khu vực ngã tư Phú Thứ, hai cán bộ an ninh huyện Bến Cát cùng song hành băng qua sông đến điểm hẹn. Hôm đó, ông Sáu Tấn và ông Hai An, Bí thư xã Phú An, kiêm xã đội trưởng vừa được rút về Ban an ninh huyện, đi liên lạc cơ sở, hẹn gặp mặt bàn về công tác an ninh. Khi đến khu vực Gò Mua, cả hai giật mình phát hiện bị rơi vào ổ phục kích của giặc. Ra ám hiệu cho Hai An nhảy lùi về phía sau, nhanh như cắt, ông Sáu Tấn rút súng bắn về phía đám lính ngụy, hạ được 2 tên.

Trước sự chống trả quyết liệt của quân dân ta, Mỹ ngụy liên tục thất bại trên chiến trường Đông Nam bộ. Ảnh: T.L

Biết giáp mặt với tay súng đáng gờm, địch củng cố đội hình rồi vãi đạn như mưa về phía hai ông. Trong tình thế hiểm nguy, ông Sáu Tấn và ông Hai An vừa bắn địch vừa cố tìm đường thoát thân. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, lại bị bất ngờ, hai ông bị dồn ép về gần bờ sông Thị Tính. Trong tình thế hiểm nghèo, ông Sáu Tấn ra lệnh: “Hai An tìm cách trở về căn cứ của ta nhờ anh em yểm trợ, để tôi bắn yểm trợ mở đường máu cho!”.

Ông Hai An, trước sự yểm trợ của Sáu Tấn, đã bơi qua sông thành công, nhưng cũng bị dính nhiều vết thương hiểm nghèo. Riêng ông Sáu Tấn bị trúng đạn ở chân, địch kêu gọi ông ra hàng. Tuy nhiên, từ sáng đến trưa, ông Sáu Tấn kiên gan bám trụ ở vị trí chiến đấu, ngoan cường chống trả. Cuối cùng, ông đã anh dũng hy sinh dù được lực lượng ta yểm trợ từ bên kia sông.

Ông Sáu Lý, nay ở khu phố 1, phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát chính là người chữa trị vết thương cho ông Hai An, thuật lại: “Đến chiều tối, đồng chí Hai An được mang đến cho tôi chữa trị ở căn cứ Long Nguyên. Tôi mổ lấy đạn khỏi vết thương Hai An rồi băng bó, chăm sóc cẩn thận nhưng 18 ngày sau, Hai An cũng không qua khỏi. Điều Hai An trăn trở những ngày hấp hối chính là việc không được sát cánh cùng đồng chí Sáu Tấn đến hơi thở cuối cùng…”.

Ngời sáng gương người anh hùng

Chúng tôi đến Công an TX.Bến Cát tìm gặp anh Nguyễn Văn Hòa, là con trai ông Sáu Tấn, nay đã nối tiếp truyền thống anh hùng của cha. Năm 1981, anh tham gia lực lượng công an, lập nhiều chiến công. Đến nay, sau 23 năm phục vụ trong lực lượng, anh đã mang quân hàm thượng tá, là Phó Trưởng Công an TX.Bến Cát. Mắt anh Hòa đỏ hoe khi nghe chúng tôi hỏi về người cha anh dũng của mình. Anh bảo: “Năm đó tôi mới 12 tuổi, giặc kéo xác cha về đến ngã tư An Điền trên đường đất đỏ, lưng của cha không còn da thịt, máu tưới ướt cả đường đi…”. Cũng ngay trong ngày hôm đó, lính Chi khu quận Bến Cát đến nhà bắt bà Nguyễn Thị Hai - vợ ông Sáu Tấn cùng các con lên xe Jeep đến xã An Điền nhận xác chồng.

Cảm thông trước hoàn cảnh của gia đình bà Hai và kính phục người anh cả an ninh huyện, nhân dân xã An Điền đóng góp một bộ ván, đóng lại thành quan tài để chôn ông Sáu Tấn. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, Huyện ủy Bến Cát chỉ đạo Công an huyện di dời hai cốt đồng chí Sáu Tấn đem về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Bến Cát. Anh Nguyễn Văn Thuận, em trai anh Hòa nhớ lại: “Ngày đó tôi được 6 tuổi, ấn tượng về cha chỉ vỏn vẹn một lần được mẹ dắt vào rừng chơi trong đơn vị cha. Ngày cha mất, nhân dân Bến Cát xót thương nhưng không ai dám đến nhà. Liên tục trong mấy tháng liền, địch gài mìn, mật phục quanh nhà, đến nỗi lá rơi trong vườn nhà cũng không dám quét…”. Nói xong, anh Thuận đưa chúng tôi đến bàn thờ ông Sáu Tấn. Tôi xin phép gia đình thắp hương tưởng nhớ đến một trong những tấm gương ngời sáng của lực lượng an ninh Bến Cát nói riêng và Bình Dương nói chung.

Vậy là đã 42 năm kể từ ngày ông Sáu Tấn ra đi, nhưng tấm gương chiến đấu anh dũng của ông luôn mãi khắc ghi trong lòng đồng chí, đồng đội và nhân dân địa phương. Gan dạ, dũng cảm, phân biệt rõ địch ta, đánh địch với quyết tâm cao và tận tụy với công việc, hết lòng vì đồng chí đồng đội là những nhận xét chung nhất mà những nhân chứng sống như đồng chí Huỳnh Văn Thu (Bảy Thu), Nguyễn Văn Tàng (Tám Tàng), Nguyễn Hữu Ý (Út Ý)… nói về ông Sáu Tấn. Những chiến công của ông Sáu Tấn chính là biểu hiện một cách rõ nét nhất tấm gương kiên trung của người cán bộ công an trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, luôn giữ vững phẩm chất, khí tiết và trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, sẵn sàng hy sinh quên mình vì đồng đội.

Năm 1995, Ban an ninh huyện Bến Cát được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng ba. Năm 1998, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho cán bộ, chiến sĩ Ban an ninh huyện Bến Cát do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có công lao đóng góp to lớn của ông Sáu Tấn.

Kỳ 11: Chuyện ở ven rừng

 KHÁNH VINH - KIẾN GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1155
Quay lên trên