Bao la tình mẹ

Cập nhật: 25-09-2014 | 09:41:45

Trong cuộc đời mỗi người, thật diễm phúc biết bao khi ta có mẹ. Mẹ là người nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ ta nên người. Nhưng thực tế trong xã hội không phải ai cũng có được hạnh phúc ấy. Vì những nguyên nhân khác nhau, có những đứa trẻ bị bỏ rơi phải vào sinh sống ở các trung tâm bảo trợ xã hội. Ở nơi ấy, có những cô giáo, bảo mẫu, dù không sinh ra những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh ấy, nhưng bằng tình thương yêu bao la của người mẹ, họ đã chăm sóc, nuôi dưỡng, sưởi ấm tâm hồn trẻ, giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng.

Vất vả nghề bảo mẫu

Hàng cây trước Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (TT) vẫn xanh tươi. Cơn mưa nhẹ như làm mát thêm những chồi xanh vừa mới nhú. Chúng tôi vui lây khi nhìn thấy một số em đang vui đùa trước hiên. TT là một trong những địa chỉ mà trẻ mồ côi, khuyết tật gửi gắm cuộc đời khi bị người thân bỏ rơi. Những đứa trẻ ở đây mỗi em một hoàn cảnh, có em bị bỏ rơi khi đã lớn, nhưng cũng có bé vào đây khi chào đời chưa được bao lâu. Hiện nay TT có 68 trẻ, trong đó có 37 trẻ nằm tại chỗ, trong số này có 15 trẻ thường xuyên nhập viện vì bệnh tật triền miên. Vì thế, các cô giáo, bảo mẫu làm công việc chăm sóc trẻ ở TT càng vất vả.

Trẻ mồ côi, khuyết tật đang được chăm sóc tại Trung tâm Nhân đạo
Quê Hương. Ảnh: A.SÁNG

Các trẻ ở đây được chăm sóc 24/24 giờ, vì ngoài số trẻ sơ sinh cần được chăm sóc, theo dõi từng nhịp thở, thì trẻ khuyết tật, bị bại não cũng không thể lơ là. Chúng tôi đến phòng trẻ khuyết tật đúng vào giờ ăn của các cháu. Nhìn cô Đinh Thị Hường đang cho một trẻ bị não úng thủy ăn mới thấy công việc của các cô vất vả làm sao. Mặc cho cô dỗ dành, bé vừa ăn vừa khóc la, có lúc bé phun thức ăn vào mặt cô, vậy mà cô vẫn nhẫn nại cho bé ăn đến hết chén. Cô nói, tất cả trẻ ở đây đều phải đút ăn, cháu nào ăn nhanh thì mất 30 phút, nhưng cũng có trẻ mất 2 tiếng mới xong bữa ăn.

Phòng khuyết tật có 12 cháu, nhưng mỗi ca trực chỉ có 2 cô, nên công việc khá vất vả. Cho trẻ ăn xong, các cô quay sang làm vệ sinh, tắm rửa cho các cháu. Bé Kiều Oanh, Kim Ngân nặng khoảng 30kg, nhưng do không đi đứng được, các cô phải bế đi tắm rửa. Do thường xuyên ẵm bồng các cháu, lâu ngày các cô bị bệnh đau lưng, nhưng vì công việc, các cô vẫn cố chịu đựng.

Các bảo mẫu ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc trẻ bị bệnh bại não. 
Ảnh: A.SÁNG

Công việc của các cô ở phòng sơ sinh cũng vất vả không kém. Hiện tại phòng có 12 cháu, cao điểm có khi lên đến 25 cháu. Cho bé này bú chưa xong, thì những bé khác thi nhau ọc, ói, đi vệ sinh, khiến cho các cô quay như chong chóng. Cô Huỳnh Thị Ngọc Diệu, nói: “Cực nhất là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Công việc ở đây không tên, không giờ giấc, đến giờ nghỉ trưa nhưng cháu bị sốt phải lau rửa, cháu khóc phải dỗ dành…”.

 Trung tâm Nhân đạo Quê Hương hiện nổi tiếng cả nước là một địa chỉ nhân đạo, nơi nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, bất hạnh. Đúng với tên gọi “nhân đạo”, nơi đây hiện đang nuôi dưỡng trên 300 cháu, trong đó có trên 100 trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật. Trẻ mồ côi thiếu hẳn tình thương yêu của người thân, thì chính các cô giáo, bảo mẫu đã lấy tình thương của người mẹ chăm lo cho các cháu. Chúng tôi ghé qua phòng bệnh, phòng hiện có trên 20 cháu. Công việc của các cô ở phòng này vất vả không kém phòng sơ sinh. Trẻ bị bệnh, các cô vừa theo dõi tình trạng sức khỏe, vừa lo cho các cháu ăn uống, tắm rửa, giặt giũ. Nếu chăm sóc kỹ thì các cháu sẽ mau chóng bình phục. Trẻ bị bệnh thường rất lười ăn, các cô phải dỗ dành, vừa cho cháu ăn, vừa hát, vừa kể chuyện, thậm chí làm trò để cháu thấy vui. Xong giờ ăn của cháu, 2 cô Vũ Thị Hoàng Yến và Nguyễn Thị Liên như vừa xong buổi cày. Chưa kịp nghỉ ngơi, các cô đã vội quay sang tắm rửa cho số bé còn lại, rồi dỗ những bé khác ngủ. Khi các cháu đã ngon giấc thì bảo mẫu cũng đuối, không thiết gì ăn uống. Công việc cứ như thế tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác. Trong vòng tay yêu thương của các cô, các cháu lớn dần theo năm tháng. Cô Nguyễn Thị Liên, tâm sự: “Thời gian đầu làm việc thấy áp lực lắm, nhưng lâu dần quen. Chăm sóc lâu ngày cũng mến tay mến chân, khi các cháu bi bô tập nói gọi mình bằng mẹ, nghe thật ấm áp biết bao”.

Thương trẻ như con

Bà Phạm Thị Yến, Giám đốc TT nhận xét, công việc của các cô ở trung tâm khá vất vả, chế độ làm việc là 12 tiếng mỗi ngày. Mọi người oằn mình vì mấy đứa trẻ, vì công việc. Dù cực nhọc nhưng nhiều cô gắn bó với trung tâm khá lâu. Dù không sinh ra các cháu, nhưng do chăm sóc lâu ngày nên nảy sinh tình cảm như mẫu tử, các cô không muốn từ bỏ công việc.

Tìm hiểu hoàn cảnh các cô mới hay, các cô đến với những trung tâm bảo trợ xã hội như một cơ duyên. Trước đây, cô Đinh Thị Hường làm công nhân. Trong một lần vào thăm người thân đang làm ở TT, nghe nói trung tâm đang thiếu bảo mẫu, vậy là cô chuyển sang đây làm và gắn bó được 8 năm nay. Cô kể, lần đầu vào làm thấy trẻ bị bệnh não úng thủy, đầu to, cô sợ lắm. Vậy mà chăm sóc ngày này qua ngày nọ, giờ đây cô thương bé này nhất.

Các cô giáo, bảo mẫu ở đây phải có tình thương yêu trẻ như những đứa con ruột thịt mới có thể trụ được với nghề, bởi chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ khuyết tật rất cực nhọc. Cô Huỳnh Thị Ngọc Diệu, cũng có thâm niên công tác tại phòng sơ sinh đã 4 năm. Cô chia sẻ: “Tôi đã làm mẹ nên rất thấu hiểu tình cảm của người mẹ đối với trẻ. Và tôi đã lấy tình mẫu tử ra chăm sóc các cháu. Nhiều hôm con ở nhà nóng sốt, các cháu ở đây cũng bệnh, tôi phải đem con gửi bà ngoại trông dùm, vào đây chăm sóc các cháu. Dù sao mình vẫn còn người thân, còn các cháu ở đây không cha mẹ nên không thể bỏ được. Nếu không thương trẻ như con thì không thể gắn bó lâu dài được, bởi trẻ sơ sinh ban đêm phải cho bú 4 - 5 lần, trẻ động kinh thì rên rỉ suốt đêm”.

Tốt nghiệp Sư phạm mầm non, đang dạy trong một trường công lập, vậy mà nghe nói ở trung tâm có trẻ lứa tuổi mẫu giáo, cô Nguyễn Ngọc Hoàng Oanh đã chuyển sang trung tâm làm việc, dù biết rằng áp lực công việc ở đây không nhẹ. Phòng cũng có 13 cháu, trong đó có 5 cháu bị khuyết tật, bệnh down, bại não… Cô tâm sự, hàng ngày nhìn các cháu quấn quýt bên cô, rồi những đứa trẻ khuyết tật gọi bằng mẹ, cô rất cảm động. Vì vậy, dù công việc có cực nhọc mấy cô cũng không thể bỏ các cháu mà ra đi.

Các bảo mẫu Vũ Thị Hoàng Yến, Nguyễn Thị Liên cũng có thâm niên làm việc ở Trung tâm Nhân đạo Quê Hương đã được 8 - 10 năm. Số lượng trẻ đông, các cô làm việc như con thoi. Những lúc trẻ bệnh, bảo mẫu phải thức trắng đêm, nhưng vì tình thương, các cô không nỡ bỏ những đứa trẻ mồ côi bất hạnh, như cha mẹ các em đã đối xử với chúng.

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”, câu nói này càng ý nghĩa hơn khi những người mẹ ấy không sinh ra các em. Bằng tình thương của người mẹ, các cô giáo, bảo mẫu ở các trung tâm bảo trợ xã hội đã chăm sóc các em đến lớn khôn, hòa nhập vào cộng đồng. Công việc của các cô âm thầm, lặng lẽ, nhưng rất có ích cho đời. Nếu so sánh công việc của các cô so với giáo viên ở các trường nuôi dạy trẻ bình thường thì cực gấp trăm lần. Các cô rất cần được tôn vinh, xã hội cần ghi nhận những tấm lòng bao la, rộng mở ấy.

A.SÁNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1040
Quay lên trên