Học cao đẳng nghề và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) đang là sự lựa chọn của nhiều học sinh (HS) THPT, đánh dấu chiến lược phân luồng HS đã có bước tiến đáng ghi nhận. Vài năm gần đây, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã tạo nhiều cơ hội hơn cho thí sinh có nguyện vọng được vào học TCCN. Tuy nhiên, sự gia tăng chỉ tiêu TCCN hàng năm vẫn còn hạn chế và bậc học này chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân lực ngày càng cao của xã hội.
Chất lượng đầu vào còn thấp và chưa đồng đều
Hiện nay, mạng lưới trường chuyên nghiệp tại Bình Dương đã phát triển gấp 3 lần so với 10 năm trước với 13 trường TCCN, 30 cơ sở đào tạo nghề. Ngoài ra, hệ TCCN trong các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) cũng thu hút rất nhiều HS đăng ký theo học hàng năm.
Đây là lực lượng lao động rất cần thiết cho sự phát triển của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, so với yêu cầu, lực lượng này vẫn chưa đáp ứng hết được...
Nhân lực trình độ TCCN ngày càng đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động
Hiện nay, chất lượng đầu vào các trường TCCN cũng còn nhiều vấn đề khi có khá nhiều trường chỉ xét tuyển với những điều kiện chung chung. Một số trường đã tuyển vượt nhiều so với chỉ tiêu đã được xác định, không tuyển đúng số lượng chỉ tiêu đã xác định cho các ngành đào tạo của trường, trong đó tập trung chủ yếu ở các trường có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, tài chính - kế toán, sư phạm và các trường thực hiện liên kết đào tạo. Một số trường TCCN khác mặc dù điều kiện hạ tầng có hạn nhưng vẫn tuyển sinh ồ ạt, vượt chỉ tiêu. Rồi những cách tiếp thị bằng tờ rơi, quảng cáo tràn lan của không ít trường đã khiến cho nhiều phụ huynh và HS e ngại khi quyết định theo học TCCN. Bên cạnh đó, tâm lý “sính bằng cấp”, “thầy hơn thợ” vẫn còn nặng trong xã hội nên GDCN chưa được nhìn nhận đúng vai trò. Nhiều phụ huynh và HS còn coi thường bậc học này, đa số muốn con em vào ĐH hơn, chính nhận thức này mà hầu hết chất lượng đầu vào của bậc TCCN hiện còn thấp và chưa đồng đều.
Chính sách phân luồng còn hạn chế
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng HS trúng tuyển TCCN nhưng không đến nhập học là do nhiều thí sinh đăng ký dự tuyển vào TCCN nhưng cũng đã dự thi CĐ, ĐH và khi trúng tuyển cả CĐ, ĐH và TCCN thì các em đã chọn vào học CĐ, ĐH mà không vào học TCCN, việc đăng ký dự tuyển vào TCCN chỉ là phương án dự phòng của họ. Chưa kể có những thí sinh mặc dù không trúng tuyển vào CĐ, ĐH nhưng vẫn quyết tâm ở lại ôn tập để thi lại CĐ, ĐH năm sau mà không vào học TCCN. Điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các trường trong công tác tuyển sinh TCCN và cho thấy chính sách phân luồng HS sau THCS và THPT để bảo đảm cân đối cơ cấu trình độ nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là do trong những năm vừa qua, chỉ tiêu tuyển sinh vào CĐ, ĐH tăng lên rất nhanh, trong khi số HS tốt nghiệp THPT hàng năm giữ ổn định và có xu hướng giảm. Tình trạng sau khi tốt nghiệp TCCN khó tìm được việc làm cũng hạn chế đáng kể số HS đăng ký nguyện vọng vào bậc học này. Thực tế là ngoài số lượng HS được đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, còn số lượng khá lớn HS sau khi tốt nghiệp TCCN khó tìm việc.
Ông Đặng Thành Sang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định: “Trong năm học vừa qua, công tác đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục chuyên nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định, nhân lực trình độ TCCN ngày càng đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động. Đây là hiệu quả của việc chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực và sự quản lý chặt chẽ của các trường. Nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo của các trường trong xu thế cạnh tranh hứa hẹn sẽ đào tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, đáp ứng yêu cầu xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thí sinh chỉ chọn trường TCCN như nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, sau khi không còn hy vọng vào được ĐH, CĐ nên công tác tuyển sinh TCCN còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường tuyển sinh nhiều đợt nhưng HS nhập học vẫn không đạt chỉ tiêu. Vì vậy, để tạo lực hút thật sự cho các trường TCCN cần có sự đầu tư tập trung, lâu dài để tạo nền tảng nâng cao chất lượng đào tạo”.
NGỌC THANH