Hệ thống GIS - góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 

Cập nhật: 01-07-2015 | 08:31:55

 

Với chức năng thu thập, cập nhật, lưu trữ, phân tích, hiển thị mọi dạng thông tin... thì hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - GIS) đã trở thành nền tảng công nghệ đặc biệt hữu dụng trong quản lý và xử lý tích hợp thông tin đa ngành, hỗ trợ việc ra quyết định chính xác và kịp thời. Tại Bình Dương, GIS đã được đưa vào ứng dụng khá sớm, bắt đầu từ việc thành lập các bản đồ chuyên đề số phục vụ cho công tác quản lý đất đai, sau đó được mở rộng cho các lĩnh vực khác như quản lý doanh nghiệp, tài nguyên - môi trường, trật tự an toàn xã hội, khí hậu, hạ tầng viễn thông...

 

 Giao diện Atlas Bình Dương - một trong những ứng dụng GIS cung cấp thông tin về điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế, xã hội... giúp cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư trong và ngoài nước, người dân tham khảo Ảnh: H.P

 

Công cụ hữu ích

Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho biết, với cách thức quản lý tích hợp dữ liệu không gian (lớp bản đồ), đồng thời với các thuộc tính đi kèm (dữ liệu phi không gian), GIS cho phép phân tích, đánh giá hiện trạng, dự báo tương lai, đề xuất các định hướng phát triển và kết hợp hiệu quả các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và vấn đề môi trường trong quy hoạch phát triển bền vững. Do đó, GIS được coi là công cụ trợ giúp cho việc ra quyết định trong nhiều hoạt động kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của các quốc gia trên thế giới.

Với mục tiêu đưa công nghệ thông tin (CNTT) trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh và triển khai chính quyền điện tử, cung cấp nhiều dịch vụ công trên môi trường mạng, từ năm 2000 đến nay đã có nhiều đề tài, dự án GIS được tỉnh thực hiện và phát huy hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. Riêng trong ứng dụng GIS phục vụ quản lý kinh tế - xã hội, Bình Dương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu nền tỷ lệ 1/50.000 cho toàn tỉnh với các lớp bản đồ về hành chính các cấp, hiện trạng sử dụng đất, thổ nhưỡng, các mỏ khoáng sản, hệ thống điện; một chương trình quản lý doanh nghiệp về thiết bị - công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, tình hình ô nhiễm và xử lý môi trường... Qua đó, phục vụ hữu ích cho công tác quản lý nhà nước của tỉnh.

Đẩy mạnh ứng dụng GIS

Mặc dù ứng dụng GIS tại Bình Dương đã được quan tâm triển khai phục vụ quản lý kinh tế - xã hội nhưng mức độ ứng dụng hầu hết mới dừng lại ở quy mô nhỏ, đơn lẻ theo từng đề tài, dự án và chỉ tập trung ở một số ngành như tài nguyên - môi trường, KHCN, thông tin - truyền thông, nông nghiệp - phát triển nông thôn…; chưa thật sự phát huy vai trò trên diện rộng trong công tác quản lý, điều hành tác nghiệp, phối hợp chia sẻ thông tin. Ông Thượng Văn Hiếu, Giám đốc Sở KHCN cho biết, mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng hiện tại dữ liệu GIS còn phân tán, cát cứ ở nhiều sở, ban, ngành nên rất khó chia sẻ dữ liệu để phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành chung. Ngoài ra, một số dữ liệu còn chưa cập nhật thường xuyên nên một số ứng dụng không thể sử dụng được, nhất là các ứng dụng cần có độ chi tiết, chính xác cao.

Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh ứng dụng GIS trước hết cần xác định định hướng tổng thể ứng dụng GIS của tỉnh. Đối với từng dự án, nhiệm vụ GIS cần tiến hành nghiên cứu chi tiết, trong đó đặc biệt lưu ý đến tổ chức quản lý hệ thống, cơ sở dữ liệu dùng chung, đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời quy trình cập nhật, khai thác dữ liệu phải gắn với quy trình nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị.

Tại buổi làm việc về tình hình thực hiện ứng dụng KHCN từ năm 2012-2014 của đoàn giám sát HĐND tỉnh vừa qua, ông Huỳnh Thành Long, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, cần phải nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân. Vì đây là nhiệm vụ lâu dài và thường xuyên nên đòi hỏi có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cùng với đó là nỗ lực của từng đơn vị, cá nhân tham gia xây dựng, vận hành và khai thác hệ thống ứng dụng GIS phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành hành chính nhà nước.

 

 HOÀNG PHẠM

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1180
Quay lên trên