Hệ thống ngân hàng: Cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi để hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật: 30-03-2020 | 09:00:03

 Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt và hoạt động kinh doanh, nhiều ngân hàng thương mại đã triển khai đồng loạt các chương trình, chính sách hỗ trợ khách hàng nhằm cùng nhau vượt qua khó khăn.

 Các DN Việt Nam đều đang gặp khó khăn khiến khả năng tiếp cận vốn vay bị hạn chế. Trong ảnh: Tư vấn khách hàng vay vốn tại HDbank - Chi nhánh Bình Dương

 Chung tay gỡ khó

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh Covid-19, nhiều ngân hàng thương mại triển khai đồng loạt các chương trình và chính sách hỗ trợ khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng. Theo đó, trong giai đoạn này, ngân hàng đặc biệt chú trọng vấn đề cơ cấu lại nợ vì những tác động trước mắt của dịch bệnh khiến doanh thu, thu nhập và dòng tiền ngắn hạn của khách hàng bị ảnh hưởng.

Cụ thể, Ngân hàng Bản Việt có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, chậm trả, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị tác động bởi dịch bệnh. Đại diện ngân hàng này cho biết, đối với khách hàng DN đang vay vốn có hoạt động kinh doanh trong các ngành bị ảnh hưởng và có doanh thu chính từ hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước sẽ được hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 0,5%/ năm và 1%/năm tương ứng với các khoản vay ngắn hạn, trung, dài hạn. Gói vay hỗ trợ này lên đến 1.000 tỷ đồng. Đối với khách hàng cá nhân cũng có những chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, với khách hàng mới cũng có chính sách xem xét cụ thể đối với các DN, cá nhân có khả năng duy trì hoạt động tốt với lãi suất ưu đãi để giảm bớt chi phí tài chính. Cụ thể, khách hàng cá nhân vay xây dựng, sửa chữa nhà, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sẽ được áp dụng mức lãi suất chỉ từ 8,38%/năm, khách hàng vay tín chấp được áp dụng mức lãi vay chỉ từ 14,59%/năm... Ngân hàng HDbank cũng vừa tung gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6,5%/năm với các gói vay ngắn hạn, hỗ trợ DN bình ổn thị trường nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Theo đại diện ngân hàng này, đối tượng của nhóm khách hàng này là các DN cung cấp hàng hóa. Đặc biệt, tỷ lệ cho vay trên tài sản bảo đảm lên đến 90%, hạn mức mở rộng tín dụng theo hợp đồng cung ứng lên đến 70%.

Không chỉ 2 ngân hàng nêu mà nhiều ngân hàng khác như BIDV, Vietcombank, SHB… cũng đang triển khai chương trình ưu đãi mạnh. Trong đó, Vietinbank tiếp tục gia tăng quy mô ưu đãi lãi suất lên gần 30.000 tỷ đồng với lãi suất giảm mạnh nhất từ trước tới nay là 1,5%/năm VND và 0,5 - 0,7%/ năm USD để hỗ trợ DN. Có thể nói, việc triển khai hàng loạt các chương trình, chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên diện rộng lần này cho thấy sự hưởng ứng tích cực từ phía các ngân hàng trong công tác chung tay “gỡ khó” cho khách hàng.

Năng lực là yếu tố quyết định

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành tài chính, từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó kiểm soát, sự vào cuộc của ngành ngân hàng là rất kịp thời thời thông qua các giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ DN có thể vượt qua “bão” Covid-19. Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, để tiếp cận được nguồn hỗ trợ, năng lực DN vẫn là yếu tố quyết định, bởi ngoài việc chứng minh thiệt hại do Covid-19, DN còn phải chứng minh có dòng tiền tốt thì mới có cơ hội thụ hưởng các gói hỗ trợ. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác nữa như thủ tục thẩm định, quy trình thẩm định cho vay và quan trọng nhất vẫn là khả năng hấp thụ vốn của DN...

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương, trong 3 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng tại Bình Dương ước đạt 203.106 tỷ đồng, tháng 3 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,78% so với đầu năm. Ở chiều ngược lại tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ toàn địa bàn đang có diễn biến giảm mạnh do nhu cầu vay của DN sụt giảm. Tỷ lệ nợ xấu ước tính đến tháng 3 là 1.072 tỷ đồng, giảm 2,89% so với tháng 2 và giảm 17,79% so với năm 2019. Điều này cho thấy nhu cầu vay vốn của DN hiện tại khá thấp. “Trong trường hợp nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sẽ có nhiều DN thua lỗ và các DN khác cũng sẽ khó khăn về dòng tiền, sẽ có rất ít DN có nhu cầu vay vốn để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh khi kinh tế thế giới nói chung rơi vào trạng thái suy giảm...”, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương phân tích.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương cho rằng, để hấp thu tốt vốn vay DN cần thay đổi toàn diện bởi tình hình hiện nay tất cả DN, ngành nghề đều gặp khó. “Tuy vậy, DN không thể đổ lỗi cho thị trường mà cần tự tái cấu trúc lại hệ thống kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường tìm kiếm thị trường mới, lưu ý vấn đề tiếp thị, truyền thông, xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó DN cần triển khai hệ thống hậu mãi, chăm sóc khách hàng tốt hơn trong thời gian tới. Có như vậy, DN sẽ tiếp tục có cơ hội phát triển trong thời gian tiếp theo”, ông Trần Ngọc Linh nói.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=677
Quay lên trên