Hệ thống ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số

Cập nhật: 19-08-2022 | 08:45:50

Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày đến người dân, doanh nghiệp (DN) cần ưu tiên chuyển đổi số (CĐS) trước tiên là ngành tài chính - ngân hàng. Cùng với toàn ngành, hệ thống ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh cũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong CĐS hướng tới phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn.

 

Các NH gia tăng đầu tư công nghệ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn. Trong ảnh: Dịch vụ NH số đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của NamAbank Chi nhánh Bình Dương

 “Chạy đua” với công nghệ

Hiểu được tầm quan trọng của CĐS trong phát triển NH, đặc biệt là mảng bán lẻ, nhằm tăng tiện ích đa dạng cho khách hàng, thời gian gần đây, nhiều NH đặc biệt chú trọng đến việc đa dạng hóa hệ sinh thái số bằng việc hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán điện, nước, thuế, bảo hiểm… của khách hàng từ thành thị đến nông thôn.

Dù còn khá mới mẻ, song dịch vụ giao dịch qua căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại Ngân hàng BIDV đang được thị trường chú ý. Với dịch vụ này, khách hàng có thể dùng CCCD gắn chip để nộp tiền, rút tiền và chuyển khoản cùng nhiều giao dịch số hóa khác tại một số ATM đa năng (CRM), quầy tự phục vụ Ezone của BIDV. BIDV là ngân hàng đầu tiên nghiên cứu và ứng dụng thành công CCCD gắn chip trong giao dịch ngân hàng trên cơ sở triển khai giải pháp xác thực sinh trắc học được tích hợp trong CCCD gắn chip.

Phó Tổng Giám đốc BIDV Nguyễn Thị Quỳnh Giao, cho biết CĐS không còn là sự lựa chọn mà buộc phải chọn để định hình tương lai phát triển của NH. Hành trình CĐS của ngành NH không đơn giản mà ở một quy mô rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân. BIDV cam kết luôn giữ vai trò tiên phong trong đổi mới và thực thi các chính sách của Chính phủ.

Gần đây, giải pháp định danh điện tử (eKYC) được xem như bước ngoặt lớn trong quá trình số hóa hoạt động NH, tạo điều kiện cho NH cung cấp các dịch vụ số tới khách hàng. Ngân hàng Vietinbank đã đưa giải pháp này vào ứng dụng VietinBank iPay Mobile. Khi sử dụng ứng dụng này, khách hàng chỉ cần chụp ảnh giấy tờ tùy thân, chụp ảnh khuôn mặt, hệ thống sẽ kiểm tra các thông tin hợp lệ và tiến hành mở tài khoản cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Ông Võ Văn Bửu, Giám đốc Vietinbank Chi nhánh KCN Bình Dương, cho biết: “Khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi, kể cả ngày nghỉ, đêm muộn vẫn có thể giao dịch trên hệ thống này. Thứ hai là có thể giúp cho khách hàng bảo mật thông tin cá nhân cao hơn”.

Không chỉ Vietinbank, nhiều NH khác cũng chạy đua nâng cấp ứng dụng. Ngân hàng Techcombank từ 2016-2020 đã đầu tư lên tới 300 triệu đô la Mỹ cho hệ thống công nghệ thông tin. Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2021-2025), ngân hàng này sẽ tiếp tục dành 500 triệu đô la Mỹ để triển khai mạnh mẽ với các trụ cột “số hóa - dữ liệu - nhân tài”. Ở thời điểm hiện tại, 15% nguồn nhân lực của NH đang phụ trách các công việc liên quan đến công nghệ và dữ liệu và cần tăng tỷ lệ này lên 20-25% để hiện thực hóa các mục tiêu trong tương lai.

Đại diện Nam A bank cũng cho hay, trong năm 2022 sẽ tiếp tục chú trọng gia tăng đầu tư và áp dụng công nghệ, tạo những bước tiến mới trong CĐS. Cụ thể Nam A bank sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái NH số Robot OPBA, Open banking và ONEBANK, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi. Còn HDbank cho biết tiếp tục tinh thần “Thay đổi là sống còn, số hóa là bắt buộc” nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thích ứng với xu thế của thế giới.

Hiệu quả thấy rõ

Tại sự kiện “CĐS ngành NH” vừa được NHNN Việt Nam tổ chức mới đây, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết khi cả xã hội đang hướng đến 4.0 thì NH là đơn vị cung cấp dịch vụ cũng không thể nằm ngoài xu hướng này. Mặt khác, việc số hóa mang lại rất nhiều lợi ích không chỉ cho NH mà cả khách hàng, nhất là tiết kiệm chi phí, bao gồm cả thời gian và tiền bạc. Một lý do quan trọng khác là hiện nay, CĐS đã trở thành xu thế tất yếu, nằm trong ưu tiên phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tại Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tài chính - ngân hàng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên do có thể thay đổi nhận thức nhanh nhất, giúp tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả xã hội cao.

Thực tế cho thấy, bước đầu triển khai CĐS hiệu quả vận hành của hệ thống NH đều đạt cao. Báo cáo tại sự kiện “CĐS ngành NH” vừa được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết để triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ, ngành NH đã đặt ra các mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025 như: 50% các nghiệp vụ được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động... “Đến nay, nhiều NH Việt Nam CĐS ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra năm 2025, 100% các nghiệp vụ thanh toán cơ bản đều được số hóa hoàn toàn. Đặc biệt, nhiều NH có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực CĐS, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều NH khu vực, quốc tế đang CĐS nỗ lực hướng tới”, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

 THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=382
Quay lên trên