Một chủ doanh nghiệp sản xuất giày da ở TX.Dĩ An cho biết hễ vào dịp tết là doanh nghiệp của ông rất lo lắng, bởi ý thức của công nhân còn kém, ăn tết dây dưa chưa chịu vào công ty làm việc. Doanh nghiệp của ông bắt đầu làm việc ngày mùng 8 tháng giêng (15-2) nhưng quân số chỉ có hơn 60% làm cho ông rất sốt ruột, bởi đơn hàng giao cho đối tác nước ngoài phải giao gấp ngay đầu quý I-2016. Hiện ông đã phải tăng cường thuê nhân công thời vụ để bảo đảm lực lượng sản xuất cung ứng đủ đơn hàng cho đối tác.
Thói quen “tháng giêng là tháng ăn chơi” vẫn còn tồn tại khá nhiều ở nhiều người lao động. Thói quen này chỉ phù hợp với nếp sống nông thôn, nông nghiệp - khi vào vụ mùa gieo cấy thường gối đầu sang tháng 2 âm lịch. Thời đại công nghiệp, ăn tết đơn giản, tiết kiệm thời gian lẫn tiền bạc và hơn hết là bảo đảm lịch sản xuất cho doanh nghiệp là việc hết sức cần thiết.
Ở các nước công nghiệp phát triển, người lao động nghỉ tết chỉ trong vài ngày, sau đó họ trở lại công xưởng, nơi làm việc để bắt đầu cho năm mới bằng niềm vui có việc làm và được làm việc. Nếu theo dõi giải bóng đá Ngoại hạng Anh, chúng ta cũng sẽ phát hiện ra rằng các cầu thủ chuyên nghiệp hầu như không có khái niệm tết, thậm chí họ còn xỏ giày ra sân ngay trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Thái độ chuyên nghiệp và tâm huyết với nghề nghiệp ở các quốc gia phát triển rất đáng được người lao động Việt Nam học tập.
Đối với người lao động, chơi tết càng dài không những gây thiệt hại cho cơ quan, doanh nghiệp mà chính bản thân họ cũng bị ảnh hưởng không ít. Chơi tết càng dài càng tốn kém tiền bạc, thời gian lẫn sức khỏe cho chính bản thân người lao động. Và hơn hết nguy cơ mất việc làm sau tết cũng rất cao, khi chính các doanh nghiệp cũng rất khó chấp nhận người lao động của mình ăn tết quá dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến guồng máy hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.
HOÀNG PHONG