Hiến pháp sửa đổi thể hiện ý Đảng, lòng dân

Cập nhật: 30-11-2013 | 00:00:00

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa chính thức thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu thời điểm trọng đại trong lịch sử lập hiến nước ta. Hiến pháp sửa đổi vừa được thông qua chứa đựng nhiều điểm mới trên tất cả các chương; làm rõ bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng tiên phong; thể hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân và bổ sung nhiều nội dung liên quan vấn đề đất đai; nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN; Chính quyền địa phương… Dưới đây là một số ý kiến của cử tri Bình Dương xoay quanh những vấn đề trên.

* Cử tri PHẠM THỊ LÝ, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đảng Sông Bé: “Khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội”

Tôi cho rằng, Hiến pháp sửa đổi vừa thông qua thể hiện ý chí nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với những vấn đề quan trọng phù hợp với xu thế hiện nay, phù hợp với ý Đảng, lòng dân. Với sự đồng thuận cao trong Quốc hội, những người đại diện cho cử tri đã biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước và cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, sẽ giúp đất nước phát triển nhanh, mạnh hơn cả hiện tại và tương lai.

 Điều mà tôi tâm đắc nhất là tại điều 4 của Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình… Tôi cho rằng, đây là điểm mới tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

* Cử tri PHAN THÀNH SƠN, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bình Dương: “Tán thành việc phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc”

Hội Cựu chiến binh tỉnh hoàn toàn tán thành khi Hiến pháp sửa đổi tiếp tục khẳng định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Trong đó, Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Các lực lượng vũ trang tiếp tục là lực lượng nòng cốt đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời là Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Theo tôi, Hiến pháp sửa đổi có sự quan tâm nhiều đến công tác quốc phòng, nhất là tập trung xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh; thực hiện chính sách hậu phương quân đội; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức phù hợp với tính chất hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc.

* Cử tri NGUYỄN HẬU TÀI, cán bộ lão thành cách mạng phường Phú Cường, TP.TDM: “Hiến pháp sửa đổi với nhiều điểm mới, phù hợp với quá trình phát triển”

Là một cử tri tỉnh Bình Dương, tôi rất vui mừng, phấn khởi khi xem thông tin Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi. Đối với một đất nước, Hiến pháp là cơ chế bao trùm tất cả để cho mọi người hướng vào đó thi hành cho đúng. Nếu như Hiến pháp lần đầu tiên năm 1946, Quốc hội ta đã thông qua một bản Hiến pháp sơ khai thì dần dần, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp ngày càng hoàn chỉnh hơn và tiến bộ hơn.

Tôi cho rằng, Hiến pháp sửa đổi lần này đã được đại diện nhân dân biểu quyết, tán thành tuyệt đối. Hơn nữa, sự chuẩn bị công phu, sự làm việc nghiêm túc của Quốc hội kỳ này đã cho thấy rõ trách nhiệm cao của Quốc hội để có Hiến pháp sửa đổi với nhiều điểm mới, phù hợp với quá trình phát triển, đổi mới của đất nước hiện tại và tương lai. Hiến pháp sửa đổi quy định rõ hơn các vấn đề, nhất là đề cao quyền con người, quyền công dân, đây là quyền cơ bản, nâng cao giá trị Hiến pháp sửa đổi, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

* Cử tri HUỲNH BÌNH MINH, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí tỉnh Bình Dương: “100% cán bộ hưu trí hài lòng với những nội dung được bổ sung, sửa đổi”

 Qua theo dõi những nội dung mà Hiến pháp sửa đổi đã được Quốc hội thông qua với số phiếu cao, cán bộ hưu trí (CBHT) chúng tôi đã tổ chức thảo luận và 100% CBHT hài lòng với những nội dung được bổ sung, sửa đổi. Theo chúng tôi, Hiến pháp sửa đổi là phù hợp với thời đại ngày nay, phù hợp với nguyện vọng và mong ước của toàn thể nhân dân ta. Trong đó, chúng tôi tâm đắc nhất là vấn đề đất đai, bởi Hiến pháp sửa đổi đã nêu rõ từng trường hợp phải thu hồi đất. Theo tôi, thời gian qua việc thu hồi đất đã có ít nhiều tác động gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Chuyện thu hồi đất có nơi làm đúng, nhưng cũng có nơi làm chưa đúng, thậm chí trái luật khiến cử tri bức xúc, gây ảnh hưởng đến đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Cùng với việc sửa đổi quy định thu hồi đất trong Hiến pháp, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Điều đó hoàn toàn phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Ngoài ra, CBHT chúng tôi còn vui mừng trước việc Hiến pháp tiếp tục xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong đó nêu rõ, Đảng sẽ tiếp tục cùng nhân dân lựa chọn con đường đi lên xã hội chủ nghĩa vì ấm no, hạnh phúc, công bằng và văn minh của nhân loại. Chúng tôi tin rằng việc xác lập này là phù hợp với ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân, phù hợp với con đường mà Bác và Đảng đã lựa chọn.

* Cử tri VŨ THỊ KIM VÂN, Thạc sĩ - Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật trường Chính trị tỉnh: “Khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân…”

Theo tôi, Hiến pháp sửa đổi bổ sung lần này tập trung vào khá nhiều nội dung, như: Khẳng định về đường lối phát triển đất nước, về bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân; khẳng định và bổ sung cho vị trí lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, xã hội và nhân dân; Hiến pháp sửa đổi, bổ sung về địa vị pháp lý của một số cơ quan trong bộ máy Nhà nước... Tuy nhiên, chúng tôi tâm đắc nhất về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) tại chương V có quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nhưng chưa đề cập tới quyền con người. Hiến pháp sửa đổi lần này đã quy định thêm về quyền con người, thêm vào đó quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định tại chương II (chứ không phải chương V như kỳ sửa đổi lần trước).

Chúng tôi cũng rất tâm đắc với các quy định được bổ sung tại điều 14, 19, 20, 21, 23 của Hiến pháp sửa đổi lần này. Điều này thể hiện Đảng và Nhà nước ta ngày càng quan tâm, chú trọng tới quyền con người, quyền công dân. Đây là nền tảng của dân chủ, là cơ sở để xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân... Vừa qua, Việt Nam được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền của Liên hiệp quốc, mở ra một trang mới về uy tín và trách nhiệm quốc tế của Việt Nam. Cùng với việc thông qua Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này với đầy đủ các nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, nước ta đã thể hiện sự quyết tâm với các vấn đề dân chủ, nhân quyền. Chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai không xa Việt Nam sẽ đạt được nhiều bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập, xây dựng và phát triển đất nước.

H.VĂN – M.DUY (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3600
Quay lên trên