Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa ký kết được đánh giá sẽ đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Đối với Bình Dương, hiệp định cũng là cơ hội góp phần để công nghiệp tăng trưởng nhanh và phát triển ngành nông nghiệp.
Tạo điều kiện cho công nghiệp tăng trưởng nhanh
Sau hơn 2 năm đàm phán với 8 vòng chính thức và 8 vòng cấp trưởng đoàn, đàm phán giữa kỳ, Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất toàn bộ nội dung VKFTA. Hiệp định này được đánh giá mang tính toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích.
Hiệp định gồm 17 chương, 208 điều, 15 phụ lục và 1 thỏa thuận thực thi quy định. Các nội dung chính của hiệp định gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ (bao gồm các phụ lục về dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, di chuyển thể nhân), đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa hải quan, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại điện tử, cạnh tranh, hợp tác kinh tế, thể chế và pháp lý.
VKFTA là cơ hội để thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong ảnh: Đóng gói sản phảm chuối già hương ở Khu nông nghiệp CNC An Thái
“Trong thời gian tới, khi Việt Nam và Hàn Quốc thực thi VKFTA, chắc chắn quy mô và chất lượng trong hợp tác đối với lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ có những bước tiến nhảy vọt. Chúng ta hoàn toàn có điều kiện để tin rằng, mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đạt 70 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020 là khả thi”. (Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương)
|
VKFTA là FTA đầu tiên trong số các FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015. Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ký kết VKFTA sẽ giúp hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
VKFTA được ký kết, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội xuất khẩu nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam; kèm theo đó là được tiếp cận với công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương cho biết, VKFTA là cơ hội để xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang Hàn Quốc, đặc biệt là hàng nông thủy sản, công nghiệp chế biến, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất các sản phẩm này tăng trưởng nhanh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, những mặt hàng mà Hàn Quốc có thế mạnh cũng sẽ gia tăng khối lượng xuất khẩu vào Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy công nghiệp chế biến, công nghiệp dệt may, da giày của Việt Nam phát triển.
Tại Bình Dương, theo báo cáo của Sở Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của tỉnh ước thực hiện 5 tỷ 580 triệu đô la Mỹ, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2014. Dệt may và giày dép là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương. Chỉ tính trong tháng 4-2015, KNXK của hàng dệt may ước đạt 149 triệu 400 ngàn đô la Mỹ, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm tỷ trọng 11,1% KNXK của tỉnh trong tháng 4. Đối với hàng giày dép, KNXK tháng 4-2015 ước đạt 116 triệu 700 ngàn đô la Mỹ, tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm tỷ trọng 8,6% KNXK của tỉnh trong tháng 4.
Bên cạnh đó, trong tháng 4- 2015, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh ước thực hiện trên 1 tỷ 213 triệu đô la Mỹ, tăng 5,4% so với tháng trước. Lũy kế 4 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh ước thực hiện 4 tỷ 882 triệu đô la Mỹ, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Thêm cơ hội cho ngành nông nghiệp
Ở Bình Dương, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao trong thời gian qua đã có những bước phát triển nhất định. Nhiều nông hộ, trang trại đã ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: Canh tác trong nhà lưới, trồng rau thủy canh, sử dụng hệ thống chuồng lạnh trong chăn nuôi... góp phần giảm chi phí công lao động; đáp ứng nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây trồng cho từng giai đoạn sinh trưởng.
Đặc biệt, cơ cấu giống cây trồng và trình độ sản xuất của nông dân trong tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất (công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới) đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đến nay, các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã được các địa phương và nông dân trong tỉnh áp dụng hầu hết trên cây trồng chính của tỉnh như cao su, bưởi, sầu riêng... Cùng với đó, nhờ thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp đã giúp năng suất và chất lượng giống gia súc, gia cầm nâng lên đáng kể.
Hiện nay, Bình Dương có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) gồm: Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) của Công ty Cổ phần nông nghiệp U&I (Unifarm) với quy mô 411,75 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng CNC Tiến Hùng (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) có diện tích 89,95 ha; Khu chăn nuôi ứng dụng CNC tại xã Tân Hiệp và xã Phước Sang, huyện Phú Giáo với quy mô 471,86 ha; trại gà CNC Ba Huân (xã Vĩnh Tân, TX.Tân Uyên). Trong đó, Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái đã triển khai khảo nghiệm nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao như trồng dưa lưới bên trong nhà kính - nhà lưới cho doanh thu 1 tỷ đồng/ ha/vụ, lãi 500 triệu đồng/vụ; trồng chuối cho doanh thu 600 triệu đồng/ha/năm, lãi 300 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu về doanh thu của dự án. Sản phẩm chuối của khu này đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia, sắp tới sẽ là Nhật Bản; đồng thời đang được nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đến tìm hiểu, đặt hàng.
Các dự án của Unifarm đang tạo được sự quan tâm và lan tỏa mạnh mẽ trong các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Hiện có nhiều trang trại và nông hộ trong và ngoài tỉnh xin được nhận chuyển giao công nghệ trồng trọt, đặc biệt là 2 dự án trồng dưa lưới và chuối của Unifarm. Hiện Unifarm đã chuyển giao công nghệ trồng chuối cho 2 trang trại ở Dầu Tiếng và TX.Bến Cát với diện tích khoảng 20 ha. Khu nông nghiệp ứng dụng CNC An Thái còn đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với ngành nông nghiệp của Bình Dương, VKFTA mở ra tín hiệu tốt về phát triển thị trường tiêu thụ khi tỉnh đã có quy hoạch phát triển vùng chuyên canh cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập. Bên cạnh đó, việc hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng CNC trong thời gian qua sẽ là điều kiện thuận lợi để sản phẩm nông nghiệp của Bình Dương phát triển tại thị trường Hàn Quốc.
Ông Bình cho biết thêm, bên cạnh chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, Bình Dương là một trong những tỉnh có diện tích trồng cây cao su lớn của cả nước, trong khi Hàn Quốc là một nước có công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo phát triển. Do đó, thông qua hiệp định này sẽ là cơ hội để thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Bình Dương đầu tư phát triển cơ sở sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế của cây cao su trong thời gian tới.
PHƯƠNG LÊ