Hiểu để chia sẻ, cảm thông...

Cập nhật: 08-02-2021 | 22:10:01

Công tác hòa giải cơ sở tưởng dễ nhưng không hề đơn giản chút nào. Để những “chuyện bé không xé ra to”, không có khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, rất cần có sự cảm thông, chia sẻ thật chân tình từ cán bộ hòa giải ở cơ sở. Bởi họ là người gần dân, sát dân hơn hết nên họ biết cách nói chuyện để đôi bên cùng có lợi.

 Phòng Tư pháp huyện Bắc Tân Uyên thường xuyên tổ chức các hoạt động để nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Ảnh: H.PHƯƠNG

Cán bộ hòa giải trước hết phải hiểu luật và “ăn nói có duyên”. Chúng tôi tin điều này khi tham dự buổi hòa giải của các hòa giải viên uy tín, mẫu mực. Có những trường hợp căng thẳng đến mức đưa nhau đi khiếu kiện nhưng sau khi nghe cán bộ hòa giải nói chuyện thấu tình đạt lý, không những không kiện cáo gì mà “đương sự” còn hiến đất làm đường đi chung, sẵn sàng chia sẻ quyền lợi của bản thân cho người thân, xóm giềng.

Kinh nghiệm hòa giải thành theo bà Cao Thị Hoàng Yến, cán bộ Hội Nông dân, thành viên tổ hòa giải khu phố An Lợi, phường Hòa Lợi, TX.Bến Cát là phải luôn đề cao trách nhiệm cộng đồng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Sau khi nhận được phản ánh, các thành viên tổ hòa giải sẽ tích cực vận động, giải thích cho người dân nắm rõ các quy định của pháp luật đối với vấn đề luật pháp đã quy định, sau đó nói về tình làng nghĩa xóm. Sự kiên trì nhẫn nại, cố gắng và việc tham khảo văn bản pháp luật, khéo léo sử dụng trong quá trình hòa giải đã giúp có những kết quả tốt nhất. Các thành viên trong tổ hòa giải cũng góp phần không nhỏ trong việc vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư ngày càng tốt đẹp hơn.

Còn với bà Nguyễn Thị Muôn, tổ trưởng tổ hòa giải ấp Tân Hòa, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng thì “phải luôn đồng cảm và chia sẻ với người đang có… sự cố ngoài ý muốn”. Theo bà Muôn, không ai muốn có tranh chấp hay khó khăn gì trong công việc, trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, muốn nói gì phải thông cảm với họ. Bà Muôn cho biết trong năm qua, bà góp phần hòa giải thành 3 vụ, trong đó có 1 vụ về ô nhiễm môi trường. Tại xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng có 3 hầm đất đang khai thác. Quá trình khai thác, vận chuyển đất làm rơi vãi trên đường, gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh. Người dân địa phương phản ánh rất nhiều lần vẫn không thay đổi được cách làm của chủ các hầm đất. Với vai trò trưởng ban hòa giải cơ sở, bà Muôn đã gặp gỡ người chủ hầm đất nói chuyện phải trái. Khi người trong cuộc biết nhận ra cái sai của mình, cùng chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật thì mọi việc cũng êm xuôi, không gây mất đoàn kết ở thôn xóm…

Có nhiều năm tham gia tổ hòa giải cơ sở, bà Lê Thị Diệu, Tổ phó Tổ hòa giải khu phố 1, thị trấn Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Làm công tác hòa giải cơ sở có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều niềm vui. Hòa giải không chỉ để giải quyết mâu thuẫn nhất thời mà còn giúp hàn gắn tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình. Làm việc này phải từ cái tâm, trách nhiệm thì mới bền lâu được”.

Cuộc sống có nhiều lý do dẫn đến hiểu nhầm, mỗi lần nhận được đơn, thư của mọi người là bà Diệu cùng các thành viên trong tổ dành thời gian xác minh, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có cách phân xử hợp lý. Vừa làm công tác hòa giải, vừa là nơi để mọi người trút bầu tâm sự để thông qua đó cán bộ hòa giải mới nắm được vấn đề mấu chốt để tìm cách tháo gỡ.

Cũng có hơn 8 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực hòa giải nhiều năm, bà Lê Thị Làn, Tổ trưởng Tổ hòa giải ấp 2, xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, tâm sự: “Bà con hàng xóm với nhau nhiều khi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt nhưng không biết phân định đúng sai nên dẫn đến cãi vã rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng nghĩa xóm. Một phần do sự hiểu biết của họ còn hạn chế, một phần do bản tính nóng nảy của mỗi con người nên đẩy mọi chuyện đi xa hơn. Lúc này vai trò của những hòa giải viên cơ sở như chúng tôi mới thực sự phát huy hiệu quả”.

Những người làm công tác hòa giải như bà Diệu, bà Làn thừa nhận làm công tác hòa giải là giống người trọng tài đứng giữa phân xử. Việc phân xử đụng chạm đến quyền lợi các bên là điều không tránh khỏi, vì vậy không ít lần họ bị trách oan, thậm chí bị nói nặng lời. Nhưng rồi những vụ việc được giải quyết thành công, mọi người hòa thuận, đoàn kết, những cái bắt tay nhau vui vẻ đã khiến họ quên đi vất vả để tiếp tục đồng hành với công việc với mong muốn xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

QUỲNH NHƯ - HỒNG PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=407
Quay lên trên