Ông Nguyễn Văn Tuấn ở phường An Thạnh, TX.Thuận An là một trong những nông dân cần mẫn. Ông đã có hướng đi đúng khi sử dụng hợp lý diện tích đất trồng vào quá trình phát triển kinh tế gia đình. Ông đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Tuấn chăm sóc vườn rau của gia đình Ảnh: Q.NHIÊN
Xuất thân từ gia đình thuần nông, ông Nguyễn Văn Tuấn đã trải qua rất nhiều nghề như nuôi heo, bò, trồng lúa, hoa màu… nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2000, nhận thấy chăn nuôi bò sữa có cơ hội phát triển, ông dùng số tiền dành dụm và vay mượn thêm mua 4 con bò sữa về nuôi. Lúc đó mỗi con bò có giá trị bằng cả chục cây vàng.
Bước đường ông Tuấn “kết duyên” với nghề bò sữa cũng không ít chông gai. Ông tâm sự: “Những năm đầu nuôi bò giá sữa rất rẻ, chỉ khoảng 2.700 đồng/lít, nên tôi bị lỗ nặng; tiền của bao nhiêu đổ vào mấy con bò sữa cũng hết. Thêm vào đó, vì chưa biết kỹ thuật chăn nuôi, chưa có kinh nghiệm nuôi bò sữa nên 1 con bị bệnh dịch chết. Khó khăn là thế, nhưng với sự ủng hộ của gia đình, đồng thời được Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh, Hội Nông dân phường hỗ trợ tôi vẫn quyết tâm theo nghề và luôn tin tưởng một ngày sẽ thành công”.
Nhận thấy vấn đề kỹ thuật chăn nuôi bò sữa là vô cùng quan trọng, ông Tuấn đã tham gia lớp học chăn nuôi bò sữa của Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Ông còn mua nhiều sách, báo về tham khảo, học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi bò sữa thành công.
Mới đầu ông mua 4 con, mỗi con trị giá 30 triệu đồng. Dần dần, mô hình chăn nuôi bò sữa của ông nhanh chóng phát triển. Đến nay gia đình ông đã có hơn 20 con bò sữa. Để có thức ăn cho bò sữa, gia đình ông Tuấn đã chủ động trồng cỏ voi trên diện tích gần 5.000m2 đất của gia đình. Giống cỏ này sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao nên bảo đảm thức ăn đầy đủ cho đàn bò.
Nói về hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi bò sữa, ông Tuấn phấn khởi cho biết, chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập cao. Hiện nay giá sữa tăng cao và ổn định, không còn bấp bênh như những năm trước. Với mức giá hiện tại đàn bò sữa mang lại thu nhập ổn định hơn so với các ngành chăn nuôi khác.
Để chăn nuôi bò sữa thành công, điều quan trọng là con giống tốt, chuồng trại phù hợp, nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng. Đó cũng chính là điều giúp ông Tuấn thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, bình quân mỗi ngày đàn bò của ông cho thu hơn 100kg sữa, giá sữa trung bình 12.800 đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm sữa bò của gia đình ông được Công ty Sữa Cô gái Hà Lan thu mua.
Không chỉ làm giàu từ bò sữa, ông Tuấn còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) rau an toàn phường An Thạnh. CLB gồm 15 thành viên, cùng kết hợp để phát triển mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap với những loại cây như dưa leo, khổ qua, đậu ve, đậu đũa, bầu, bí... Hướng đi này cũng nhằm giải quyết hạn chế trong sản xuất rau truyền thống, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đồng thời hướng tới một nền sản xuất an toàn, bền vững, lợi nhuận cao. Ông Tuấn cho biết thêm, hiện với diện tích 5,5 ha của 15 thành viên CLB tham gia sản xuất, bình quân mỗi năm thu hoạch được 4 vụ, sau khi trừ chi phí mỗi vụ có lãi từ 30 - 40 triệu đồng. Riêng gia đình ông Tuấn mỗi năm thu lãi từ chăn nuôi bò sữa và trồng rau màu gần 400 triệu đồng.
Nhờ mạnh dạn trong trồng trọt và chăn nuôi, gia đình ông Tuấn đã vươn lên khá giả. Ông Tuấn còn vinh dự được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Năm 2014, ông được Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương là “Cá nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo”.
QUỲNH NHIÊN