Những ngày cuối năm về với huyện Phú Giáo, chúng tôi tìm đến xã An Bình, địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất của huyện với khoảng hơn 200 ha. Thời điểm này, một số hộ đang bắt đầu thu hoạch những cây tiêu chín sớm còn đa phần đang tập trung chăm sóc vườn chờ đến mùa thu hoạch rơi vào tháng 2, tháng 3 sau tết.
Áp dụng KHKT vào trồng trọt giúp giảm thiểu rủi ro mất mùa do dịch bệnh. Trong ảnh: Nông dân Phú Giáo chăm sóc vườn tiêu, chuẩn bị mùa thu hoạch vào tháng 2, tháng 3 sau Tết Nguyên đán
Khai thác lợi thế
Được thiên nhiên ưu đãi cũng như với chính sách phát triển phù hợp của địa phương, xã An Bình hiện nay có nhiều loại cây trồng như dưa lưới, sầu riêng, trong đó không thể không kể đến danh tiếng của những vườn tiêu. Trong khi diện tích tiêu trên địa bàn huyện ngày càng thu hẹp lại, các vườn tiêu ở An Bình chính là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Người nông dân nơi đây vẫn đang giữ gìn, trung thành giữ lại vườn cây truyền thống.
Được coi là vựa tiêu lớn nhất huyện, trong đó phải kể đến Chi hội Nghề nghiệp trồng tiêu xã An Bình, với 18 thành viên, mỗi một mùa vụ cho sản lượng trung bình từ 12-13 tấn tiêu. Bước chân vào vườn tiêu 5.000m2 của hộ ông Doãn Xuân Dưỡng, chúng tôi ấn tượng bởi những hàng tiêu xanh ngát, các nọc tiêu theo hàng đều tăm tắp, vươn cao.
Tay nâng niu những chùm tiêu xanh bóng bẩy với hạt tiêu chi chít khắp các nhánh, ông Dưỡng chia sẻ: “Có được vườn tiêu khỏe mạnh, năng suất cao như thế này là nhờ ứng dụng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất. Trồng tiêu muốn đạt hiệu quả, ngoài khâu chọn giống tốt, ươm giống mạnh khỏe còn phải biết làm đất, thoát nước... Cây tiêu rất khó tính, “nắng quá không ưa, mưa không thích” nên đất trồng không được quá thấp cũng không được quá cao. Mật độ trồng phù hợp thì tiêu sẽ phát triển tốt”.
Nói về lợi ích của việc áp dụng KHKT vào trồng tiêu, ông Dưỡng cho biết, ông đã gắn bó với nghề trồng tiêu mấy chục năm. Thời gian đầu khi chưa có kinh nghiệm, chưa biết áp dụng KHKT vào trồng và chăm sóc tiêu cây chết rất nhiều. Sau này, nhờ học hỏi, được tập huấn về kỹ thuật, tiêu ít bệnh hơn và sản lượng tốt hơn.
Cũng theo ông Dưỡng, tiêu có một ưu điểm đó là chiếm diện tích đất ít nhưng thu hoạch rất cao. Một sào tiêu trồng được tới 240 nọc tiêu, chăm sóc tốt 1 ha thu được cả tấn tiêu. Ưu điểm vượt trội là vậy nên trồng tiêu rất phù hợp với nông dân ít đất, nếu nhiều đất thì sản lượng thu về vô cùng lớn. “Thời điểm tiêu đang ở đỉnh cao, giá cả vượt trội nhiều nông dân thu về vài tỷ đồng/năm. Giờ đây, giá tiêu không còn được như trước nữa nhưng người dân đã gắn bó với nghề trồng tiêu từ rất lâu, đã sống nhờ cây tiêu nên vẫn duy trì và phát triển. Hơn nữa, nhờ ứng dụng KHKT nên năng suất tiêu ngày càng cao, bảo quản được lâu hơn, vẫn mang lại hiệu quả cho người trồng”, ông Dưỡng tâm sự.
Là nông dân luôn tâm huyết với nghề trồng tiêu, ông Dưỡng hiện là Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp trồng tiêu xã An Bình. Theo ông Dưỡng, hiện cả chi hội canh tác 9 ha, tiêu thụ tiêu chủ yếu là qua kênh thương lái. Tham gia vào chi hội, nông dân tự học hỏi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm. Mặt khác, được tham dự các lớp tập huấn đào tạo về kỹ thuật trồng tiêu. Việc áp dụng KHKT vào sản xuất tiêu giúp người nông dân thêm an tâm, bớt lo lắng mất mùa. Trước những thăng trầm trong nghề trồng tiêu, giá cả tiêu không còn được như những năm về trước nhưng vẫn mang lại cho nông dân trồng tiêu nguồn thu ổn định, bảo đảm cuộc sống.
Hỗ trợ nông dân
Ông Trần Văn Chỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết: “Tổ hợp tác Trồng tiêu xã An Bình được thành lập từ năm 2018 (nay là Chi hội Nghề nghiệp). Tổ hợp tác ra đời đúng thời điểm giá tiêu bị khủng hoảng khiến nhiều người bỏ bê chăm sóc vườn cây, nguồn thu nhập từ cây tiêu suy giảm theo. Việc thành lập tổ hợp tác để hỗ trợ bà con nông dân vượt qua thời điểm khó khăn bằng cách triển khai đề tài khoa học, hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật để nâng cao giá trị, sản lượng cây tiêu hơn so với canh tác truyền thống. Hiện nay, các thành viên trồng tiêu đều sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới tự động để chăm sóc vườn, trong đó có 3 hộ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt phun sương bằng điều khiển từ xa”.
Ông Chỉnh cũng cho biết thêm, năm nay giá cả tiêu đã nhích dần hơn so với năm ngoái là tín hiệu vui cho người nông dân. Để tiếp tục hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân xã tiếp tục phối hợp chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con. Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kết nối với các đơn vị thu mua tiêu giúp bà con có đầu ra ổn định.
TIẾN HẠNH