Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật: 13-03-2015 | 08:48:43

Thời gian qua, việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cải thiện môi trường đầu tư luôn được Bình Dương chú trọng, giúp cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định.

 Đối thoại để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp luôn được các ngành tổ chức. Trong ảnh: Ngành thuế đối thoại với DN Hàn Quốc

Đồng hành cùng DN

Theo Sở Công thương, năm 2014, trên địa bàn tỉnh có 20/29 nhóm mặt hàng sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so với năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 30.000 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành hàng có chỉ số sản xuất tăng khá như sản xuất giày da và các sản phẩm có liên quan tăng 7,92%; dệt tăng 3,94%, sản phẩm điện tử, máy vi tính tăng 36,61%; thiết bị điện tử tăng xấp xỉ 6,1%... Như vậy, tuy trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được kết quả tích cực. Đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành cùng cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của các DN, thời gian qua tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho DN có môi trường thuận lợi để hoạt động. Sở Công thương đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn trong quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển cụm công nghiệp; quy hoạch phát triển thương mại; xúc tiến thương mại (XTTM) và thông tin kinh tế… Đại diện Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, thời gian qua, DN trong hiệp hội đã nhận được sự ủng hộ của UBND tỉnh, Sở Công thương rất nhiều về chính sách, cơ chế cũng như công tác XTTM, tham gia hội chợ trong và ngoài nước. Gần đây, khi nghe hiệp hội trình bày ý tưởng thành lập cụm công nghiệp ngành chế biến gỗ, lãnh đạo Sở Công thương đã tích cực đưa đại diện BIFA đến một số địa phương tìm vị trí phù hợp. Những hoạt động hỗ trợ này đã giúp ích rất nhiều cho hoạt động của BIFA, góp phần giúp DN ngành gỗ hài lòng, tin tưởng và tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều thành viên ngành gỗ tham gia hiệp hội.

Gỡ khó

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, một bộ phận DN trên địa bàn tỉnh đã chủ động tái cơ cấu DN để tìm hướng đi mới trong kinh doanh thông qua thay đổi vốn chủ sở hữu, lựa chọn địa điểm giao dịch thuận lợi và tìm kiếm cơ hội ở một số lĩnh vực dịch vụ, hỗ trợ sản xuất, giảm chi phí đầu vào. Nhiều DN mở rộng quy mô, thành lập thêm các đơn vị trực thuộc để tìm kiếm thị trường mới… Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN này tiếp tục duy trì, phát triển ổn định.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều. Bên cạnh những khó khăn nội tại từ yếu tố trong nước, tác động lớn đối với các DN Việt Nam trong xuất khẩu năm 2015 là việc cắt giảm thuế quan theo quy định của các hiệp định thương mại tự do, hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; theo đó 99% dòng thuế sẽ được cắt giảm xuống chỉ còn từ 0 - 5%. Trong đó, có nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như gạo, thủy sản, dệt may, cao su…

Lãnh đạo nhiều DN cho biết, những nỗ lực của DN chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ tích cực hơn từ phía Nhà nước. Theo kiến nghị của đại diện BIFA, hội chợ triển lãm là nơi lý tưởng để giới thiệu sản phẩm, kiểm nghiệm phản ứng của thị trường đối với sản phẩm và gặp gỡ đối tác, kể cả những đối tác chưa có quan hệ từ trước. Do vậy, DN rất cần cơ quan chức năng cung cấp các thông tin khảo sát thị trường trước khi tổ chức hội chợ. Thông qua việc nắm bắt thông tin, các DN có thể nắm bắt được “gu” của hội chợ, xu hướng phát triển của thị trường, đối thủ cạnh tranh của mình là ai và khả năng cạnh tranh của họ đến đâu để DN có chiến lược thâm nhập thị trường tốt nhất...

Bên cạnh đó, theo đại diện BIFA, về đầu ra cho sản phẩm, ngoài việc xuất khẩu, DN ngành gỗ mong muốn có đầu ra trong nước. Do vậy, Trung tâm XTTM là đấu mối thực hiện các hoạt động XTTM, hỗ trợ DN kết nối DN ngành với các trung tâm thương mại, siêu thị, DN hoặc các showroom, đầu mối xây dựng lớn, các công trình lớn để DN ngành gỗ có cơ hội tham gia giới thiệu sản phẩm và cung cấp sản phẩm cho thị trường đó. Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương thì cho rằng, việc áp dụng thuế suất đối với sản phẩm máy phát điện còn nhiều bất cập. Cụ thể, thuế nhập khẩu sản phẩm máy phát điện nguyên chiếc chịu thuế suất nhập khẩu 0% nhưng nếu DN sản xuất nhập linh kiện phục vụ sản xuất sản phẩm thì phải chịu thuế suất từ 5 - 15%. “DN mong Nhà nước sớm áp dụng thuế suất hợp lý, tạo sự công bằng, cạnh tranh sòng phẳng. Đó là cách hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng DN trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay”, ông Trọng nói.

 

 THANH HỒNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=512
Quay lên trên