Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất thông minh

Cập nhật: 18-10-2024 | 09:13:17

Với sự hỗ trợ của tỉnh Bình Dương và Tổng Công ty Becamex IDC, Tập đoàn Orion (Hàn Quốc) đã tin tưởng lựa chọn nền tảng số do doanh nghiệp Việt Nam phát triển (Công ty Cổ phần Công nghệ & Truyền thông Việt Nam - VNTT) để áp dụng vào quy trình sản xuất tại Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước II) theo hướng chuyển đổi số gắn với sản xuất xanh, sản xuất thông minh…

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina

 Bắt nhịp chuyển đổi

Ông Park Ye Seol, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, cho biết Orion đến với thị trường Việt Nam từ năm 1995, mở nhà máy tại Bến Cát, Bình Dương vào năm 2006. Sau gần 30 năm đầu tư tại Việt Nam, ban lãnh đạo công ty đã được chứng kiến quá trình phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của Việt Nam. Một trong những lợi thế của Việt Nam những năm trước đây là có nhân công giá rẻ, chi phí sinh hoạt thấp. Tuy vậy, hiện nay lợi thế này không còn được duy trì, nên đã và đang tạo áp lực lớn cho các nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, công ty phải có hướng đi cho phù hợp, bảo đảm tăng trưởng ổn định. Điều đáng mừng là Bình Dương có sự chuyển đổi mạnh mẽ về công nghiệp, theo hướng chú trọng vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thông minh. Orion đã bắt nhịp chuyển đổi và bước đầu đem lại kết quả khả quan.

“Trong thời gian đầu triển khai chuyển đổi số, công ty chưa thật sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp (DN) công nghệ Việt Nam. Mọi thứ bắt đầu khi VNTT (thành viên của Tổng Công ty Becamex IDC và Tập đoàn VNPT) tiếp cận chúng tôi và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi phát triển công nghiệp bằng nền tảng Beca Smart Factory, Beca Smart City do Becamex và VNTT xây dựng và làm chủ. Qua nhiều lần thảo luận, đánh giá từ đội ngũ chuyên gia của chúng tôi tại Hàn Quốc, chúng tôi đánh giá rất cao giải pháp nhà máy thông minh do Becamex và VNTT phát triển, với kiến trúc hiện đại, chức năng đầy đủ và thông minh, hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe, không thua kém các giải pháp đến từ các quốc gia có nền công nghiệp phát triển, nhưng chi phí hợp lý”, ông Park Ye Seol chia sẻ.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina, việc nâng cấp một nhà máy đã hoạt động nhiều năm trở thành nhà máy thông minh, ứng dụng các công nghệ như IoT, AI, Big Data là một thách thức không nhỏ đối với công ty. Tuy nhiên, các kỹ sư người Việt tại Becamex và VNTT đã chứng minh sự tự tin, năng lực và khả năng triển khai tốt các ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đó là lý do trong tháng 5 vừa qua, tại sự kiện Meet Korea 2024, Orion đã ký hợp đồng với Becamex và VNTT để triển khai dự án nhà máy thông minh Orion Vina giai đoạn 1.

Lựa chọn công nghệ phù hợp

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, Tổng Giám đốc VNTT, cho biết hiện Bình Dương có hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh, cụ thể như Trung tâm Điều hành thông minh; các phòng Fablabs, Techlabs, trung tâm sản xuất tiên tiến… Tỉnh Bình Dương, Tổng Công ty Becamex IDC đã và đang thực hiện các chiến lược với mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất; phát triển công nghiệp 4.0; tạo môi trường sống xanh - sạch hơn…

Theo Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, có thể có nhiều cách để bắt đầu chuyển đổi số gắn với sản xuất xanh, nhưng với kinh nghiệm của Becamex IDC thì không bắt đầu bằng việc lựa chọn công nghệ nào, mà bắt đầu từ việc phân tích mô hình kinh doanh hiện hữu của chính DN mình, vì mỗi DN sẽ có mô hình kinh doanh khác nhau, phân khúc khách hàng và lịch sử phát triển, tiền đề cho việc hình thành văn hóa DN khác nhau. Từ mô hình kinh doanh sẽ phân tích những vấn đề của DN ở trên 3 khía cạnh: Tổ chức (bao gồm văn hóa, mô hình quản trị, nguồn nhân lực…); quy trình; hiện trạng và ứng dụng công nghệ.

“Nếu một DN sản xuất chỉ tập trung vào việc cố gắng ứng dụng những công nghệ thời thượng như IIoT, AI, Big Data, nhà máy thông minh… mà bỏ qua quá trình đánh giá về nguồn nhân lực số của mình, đánh giá và chuẩn hóa về quy trình, quy chuẩn của tổ chức của mình thì việc ứng dụng công nghệ một cách cưỡng ép đôi khi tạo ra tác dụng ngược. Vì thế, điều cần thiết là chọn một giải pháp đánh giá tổng thể với đối tác phù hợp để lựa chọn mô hình phát triển đúng với khả năng, tiềm lực và ngành nghề của DN mình”, Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.

Ông Park Ye Seol cho biết thêm trong giai đoạn tiếp theo, Orion Vina sẽ hướng tới hoàn thiện hệ thống tự động hóa toàn diện, điều hành và quản lý sản xuất thông qua các hệ thống MES, kết nối tới hệ thống ERP quản trị tổng thể. Mục tiêu cao nhất của công ty là sẽ xây dựng các dây chuyển sản xuất tự hành, nguồn nhân lực dư ra sẽ được đào tạo để giám sát vận hành các dây chuyền sản xuất thông minh.

 Ông Park Ye Seol, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina: Việt Nam cần xây dựng chính sách cụ thể ở quy mô quốc gia để hỗ trợ và thúc đẩy các DN sản xuất chuyển đổi sang công nghiệp thông minh, bao gồm cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ (SME) trong nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có nhiều nhà kiến tạo hạ tầng như Becamex IDC, chủ động kiến tạo hệ sinh thái cho các DN số và giải pháp số, gắn liền với các DN sản xuất công nghiệp…

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=48
Quay lên trên