Hàng năm, chính quyền TP.Dĩ An luôn tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, giảm học phí cho con em nghèo, phí điện nước sinh hoạt, thăm và tặng quà ngày tết, xây nhà đại đoàn kết... Việc hỗ trợ từ nhiều nguồn đã giúp nhiều hộ nghèo địa phương nhanh chóng thoát nghèo.
Ông Bùi Thanh Nhân, Bí thư Thành ủy Dĩ An trao quà cho người nghèo trên địa bàn thành phố
Phát huy lợi thế tại địa phương
Đến cuối năm 2020, TP.Dĩ An có 261 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,69%. Chỉ cách đây 2 năm, con số này là 400 hộ. “Thực hiện việc giảm nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, đó là nâng cao mức sống hộ nghèo Bình Dương cao gấp nhiều lần so với mức bình quân hộ nghèo cả nước, nên hàng năm, TP.Dĩ An đã chăm lo cho hộ nghèo bằng nhiều nguồn lực. Bên cạnh việc rà soát, tìm hiểu hoàn cảnh từng gia đình, công tác đào tạo nghề để tạo việc làm, tạo điều kiện vay vốn sản xuất luôn được địa phương quan tâm”, ông Trần Văn Hợp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Dĩ An chia sẻ.
Là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp nên chính quyền TP.Dĩ An đã phát huy tối đa lợi thế tại địa phương để giúp các hộ nghèo thoát nghèo, đó là quan tâm nắm bắt tình hình nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề. Từ đó, hàng năm, địa phương này triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng dẫn các phường tổ chức tuyên truyền, tư vấn thường xuyên cho lao động nông thôn trên địa bàn đến đăng ký học nghề tại trường Trung cấp Nghề Dĩ An. UBND các phường đều đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “Đề án 1956” về đào tạo nghề. Hàng quý, Ban chỉ đạo các phường đều có báo cáo tình hình lao động nông thôn đi học nghề theo quy định, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo. Qua đó, các ngành nghề đào tạo dễ kiếm được việc làm, có thu nhập ổn định như lái xe nâng, điện công nghiệp, cơ khí, xây dựng, cắt uốn tóc, nấu ăn đãi tiệc, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh được tổ chức đào tạo chuyên sâu. Trong giai đoạn 2016-2020, địa phương đã mở 39 lớp ghép đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo cho trên 600 học viên.
Hàng năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch điều tra cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu thị trường lao động (cung, cầu lao động); phối hợp cùng Phòng Việc làm - Lao động tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức lớp tập huấn cho giám sát viên và điều tra viên cơ sở để làm căn cứ tiến hành điều tra cung cầu lao động nhằm cung cấp và dự báo tình hình lao động trên địa bàn TP.Dĩ An trong những năm tiếp theo; giới thiệu trên 15.000 lao động chưa có việc làm vào làm tại các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn thành phố.
Chăm lo mọi mặt
Để hộ nghèo sớm ổn định, an cư lạc nghiệp, công tác xây dựng nhà cho hộ nghèo được thành phố quan tâm. Từ năm 2016 đến tháng 3-2020, địa phương đã xây 29 căn và sửa chữa 16 căn nhà với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn từ Quỹ vì người nghèo thành phố. Bên cạnh đó, các phường còn vận động đơn vị hảo tâm tài trợ kinh phí, vật dụng nội thất cho các hộ gia đình được xây nhà. Công tác chăm lo tết cho hộ nghèo cũng được địa phương thực hiện kịp thời. Theo quy định, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ 1.500.000 đồng/hộ/năm. Tổng kinh phí cấp phát của thành phố cho các hộ nghèo vào dịp tết của TP.Dĩ An trong giai đoạn 2016-2020 là trên 1,8 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Đồng thời, địa phương cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ mỗi hộ nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo và hộ khó khăn bình quân 3 phần quà/hộ.
Hiện nay, tại TP.Dĩ An, 100% người nghèo, cận nghèo và nghèo bảo lưu theo quy định đã được tạo điều kiện về chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh, thuốc men trong việc điều trị bệnh. Trong giai đoạn 2016- 2020, thành phố cấp 3.734 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và 2.790 thẻ cho người cận nghèo, với tổng kinh phí trên 4,2 tỷ đồng từ ngân sách; chi hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo theo quy định 50.000 đồng/hộ/ tháng với tổng số tiền hỗ trợ từ 2016-2020 là gần 900 triệu đồng từ ngân sách địa phương; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 1.144 lượt trường hợp con em học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định với tổng số tiền gần 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố hàng năm đã phối hợp trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học, xét hỗ trợ cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc trẻ khuyết tật khó khăn về kinh tế, trẻ em thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh mỗi em 120.000 đồng/tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường.
Ông Trần Văn Hợp cho rằng công tác triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo được thành phố thực hiện đồng bộ từ thành phố đến cơ sở. Việc cung cấp tín dụng ưu đãi kịp thời cho tất cả các hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp, không phải thế chấp để phát triển sản xuất, cải thiện đời sống được thực hiện tốt. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã hội, các tổ tương trợ vay vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn kịp thời. Công tác giới thiệu việc làm cho người lao động nghèo trên địa bàn trong thời gian qua đã tạo hiệu quả thiết thực cho công tác giảm nghèo của địa phương...
QUANG TÁM