Hòa bình cho nhân dân Việt Nam đã đến

Cập nhật: 14-04-2010 | 00:00:00

Ngay từ cuối thập niên 1960, đầu thập kỷ 1970, bắt đầu là các nước Bắc Âu, rồi các nước Tây Âu lần lượt thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Thụy Điển là nước tư bản đầu tiên thiết lập quan hệ với Việt Nam vào năm 1969 dưới thời Thủ tướng Olof Palme. Tiếp đến là các nước Na Uy, Đan Mạch, rồi Thụy Sĩ, Áo, Phần Lan, Hà Lan… Nhưng không phải đợi đến khi thiết lập quan hệ ngoại giao, mà ngay từ những năm 1960, nhân dân các nước này đã rầm rộ xuống đường yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, gửi hàng hóa viện trợ cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

 

Biểu tình phản chiến của người London

 

Trong hồi ức về những ngày tham gia phong trào phản chiến, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt, Len Aldis, người luôn ủng hộ Việt Nam hết mình trong cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, đã chia sẻ rằng ông đã từng khóc khi đứng trước những ngôi mộ của các chiến sĩ đã ngã xuống vì hòa bình độc lập cho dân tộc Việt Nam.

 

Sinh viên và giới trí thức Đức biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam nhân Hội nghị quốc tế về Việt Nam vào tháng 2-1968 tại Tây Berlin (ảnh do nhà báo Friderich Zimmermann cung cấp)

Ông viết: “Hồi đó, chúng tôi thường xuyên tập trung tại Hyde Park và Quảng trường Trafalgar rồi cùng kéo về Tòa nhà quốc hội. Tòa đại sứ Mỹ chỉ nằm cách Hyde Park vài con phố và lộ trình tuần hành của chúng tôi không thể thiếu vắng địa điểm này. Đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp tham gia biểu tình, trong đó rất nhiều các ông bố, bà mẹ dẫn con đi biểu tình. Không chỉ riêng ở Anh, ở rất nhiều quốc gia khác, người dân cũng tập hợp thành những đám đông, tuần hành ủng hộ Việt Nam. Số lượng người phản đối Mỹ ngày một tăng tại nhiều nước và nó đã thể hiện rõ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam”.

 

Khi còn là một chàng trai 24 tuổi, tôi đã được biết đến một chiến công thần thánh khác của dân tộc Việt Nam với việc đánh bại đội quân của thực dân Pháp, đó là chiến thắng Điện Biên Phủ (1954). Những cái tên như Bác Hồ và Tướng Giáp đã trở thành một phần của lịch sử hào hùng Việt Nam, lẫy lừng thế giới. Không lâu sau chiến thắng vang dội đó, Anh đã kêu gọi quân đội và cố vấn Mỹ rời khỏi Việt Nam. Lời kêu gọi đã có tác dụng khi Anh và Liên Xô lúc bấy giờ đã đồng chủ trì Hội nghị ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. Nhưng xót xa thay, sau đó chính Anh lại phá bỏ hiệp định này, hậu thuẫn cho chính quyền miền Nam Việt Nam để rồi sau đó Mỹ nhảy vào Việt Nam, gây ra biết bao đau khổ cho người dân ở quốc gia Đông Nam Á này.

 

Có thể nói, biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành một hoạt động thường nhật trong cuộc sống người dân ở London. Những cuộc tuần hành lớn của người dân London bắt đầu từ Quảng trường Trafalgar và Hyde Park và thường kết thúc với việc tập hợp trước Đại sứ quán Mỹ ở Quảng trường Grosvenor. Các cuộc biểu tình cứ thế lặp đi lặp lại tại nhiều trị trấn, thành phố trên khắp nước Anh.

 

Trong bối cảnh Mỹ đe dọa ném bom cảng Hải Phòng, hòng triệt phá đường tiếp viện trên biển của Liên Xô dành cho Việt Nam, tôi đã dẫn đầu một nhóm 20 người đến gặp một nghị sĩ địa phương để trình bày với ông về những hậu quả ghê gớm của bom đạn và yêu cầu ông đề nghị với Hạ viện và Thủ tướng tác động đến chính phủ Mỹ không tiến hành các vụ ném bom. Bởi nơi tôi ở đã từng phải hứng chịu những tàn phá kinh hoàng từ những trận bom, vì vậy chúng tôi hiểu cái gì đang chờ đợi người dân Việt Nam từ những máy bay ném bom của Mỹ.

 

Vài tuần sau, tôi viết một lá thư cho một nghị sĩ khác, đề nghị gặp ông này để tranh luận về vai trò của quốc hội, chính phủ Anh trong cuộc chiến ở Việt Nam. Ông nghị sĩ đã chấp nhận lời đề nghị của tôi. Ngày ông nghị sĩ tiếp tôi có hàng ngàn người dân ở London cùng xếp hàng bên ngoài tòa nhà quốc hội để lắng nghe quan điểm của các chính khách. Lần đó, tôi và khoảng 10 người nữa được đưa vào phòng họp để gặp gỡ các nghị sĩ. Bầu không khí trong phòng họp “nóng” lên khi chúng tôi bày tỏ sự bất bình trước những tuyên bố ủng hộ cuộc tấn công của Mỹ. Không kìm được sự phẫn nộ, một số người trong chúng tôi đã đứng bật dậy, gần như hét vào mặt các nghị sĩ rằng Anh là một trong những đồng chủ tịch của Hội nghị ký kết Hiệp ước Geneva và vì vậy Anh phải lên tiếng để chấm dứt việc làm bạo ngược của Mỹ tại Việt Nam… Sự tức giận đã vượt ra khỏi ranh giới phòng họp. Hàng ngàn người tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội đã hô vang những khẩu hiệu phản đối quan điểm của các nghị sĩ. Và cuối cùng, chẳng có lý lẽ nào để biện minh cho luận điệu sai trái của mình, các nghị sĩ đã bỏ đi với lý do chúng tôi “có cách ứng xử không đúng mực với nghị sĩ”.

 

Sự phẫn nộ của chúng tôi ngày một tăng khi những thông tin về các vụ ném bom Việt Nam bằng máy bay B52 xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những bức hình cho thấy mức độ tàn phá khủng khiếp của bom napalm, bom chùm và đặc biệt là thứ hóa chất giết người chất độc da cam do quân đội Mỹ thực hiện trên đất nước VN. Liệu ai có thể quên hình ảnh đau xót: một cô bé tên Kim với da thịt bị đốt cháy khi quân đội Mỹ thả bom Napalm xuống ngôi làng cô bé sinh sống?

 

Quá xót xa trước cảnh tang thương tại Việt Nam, nhiều lãnh đạo nghiệp đoàn đã sang Việt Nam để chứng kiện tận mắt tội ác của đế quốc Mỹ đã gây ra cho người Việt Nam, khi quay lại Anh họ đã tổ chức nhiều hội nghị tố cáo việc làm sai trái của đế quốc Mỹ và đã phát động các chiến dịch gây quỹ mua tặng VN nhiều trang thiết bị y tế. Chính từ những hội nghị này mà nhiều người dân Anh đã biết đến và ủng hộ Việt Nam.

 

Giới nghệ sĩ của Anh trong thời gian bom lửa dày xéo Việt Nam cũng đóng vai trò đáng kể trong việc ủng hộ Việt Nam. Một lượng tiền lớn thu được từ các buổi biểu diễn của các ca sĩ nổi tiếng đã được dùng để mua thuốc men cho người dân Việt Nam. Medical & Scientific Aid for Vietnam, Laos and Cambodia (Hỗ trợ y tế và khoa học cho Việt Nam, Lào và Campuchia), một tổ chức được thành lập trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam và đến nay vẫn còn hoạt động, có rất nhiều việc làm thể hiện sự đồng tình với Việt Nam. Một trong những việc làm đầy nhân văn của hội đó là huy động hàng trăm người hiến máu, giúp bộ đội, dân thường bị thương do các vụ tấn công của Mỹ.

 

Chúng tôi đã hô vang: Hồ Chí Minh

 

Khi Báo SGGP thành lập trang tin điện tử tiếng Anh, một chuyên gia của Đức, nhà báo Frederich Zimmermann thông qua tổ chức SES (chuyên gia đặc biệt) đã tình nguyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho báo. Chúng tôi gọi ông bằng tên thân mật là Fred. Chúng tôi càng quý Fred khi ông kể rằng đã từng xuống đường tham gia đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Khi chuẩn bị tư liệu cho loạt bài này chúng tôi đã liên lạc với Fred và ông nhận lời ngay và kể lại ký ức một thời sinh viên sôi nổi ấy.

 

Trong bức thư gửi cho chúng tôi, nhà báo Fred đã viết: “Cuối những năm 1960 những sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường như chúng tôi được giáo dục rằng phải học và suy nghĩ một cách độc lập. Chắc chắn rằng nhiều người trong chúng tôi đã bị lôi cuốn bởi khái niệm giải phóng các dân tộc khỏi tình trạng thuộc địa, áp bức và bất công. Trong không khí đấu tranh của những người trí thức, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do đã đồng nghĩa với lý tưởng chính trị của chúng tôi.

 

Chúng tôi biết rất rõ rằng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh vì nhân dân bị áp bức chống lại các thế lực của chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Hội nghị Việt Nam Quốc tế tổ chức tại Tây Berlin vào tháng 2-1968 đã thể hiện trực tiếp vai trò chính trị quan trọng của cuộc chiến tranh Việt Nam.

 

Những ngày diễn ra hội nghị, chúng tôi đã tập hợp nhau lại để thể hiện tình đoàn kết với sinh viên và trí thức Việt Nam. Chúng tôi hô vang: “Ho, Ho, Ho Chi Minh”. Những âm thanh vang dội đi trong không gian và đọng lại sâu thẳm trong suy nghĩ của chúng tôi. Suốt những năm 1970, cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã trở thành câu chuyện thường ngày trên TV và trên các tờ báo ở đất nước chúng tôi. Và năm 1975 tất cả chúng tôi ở Đức đều biết rằng Mỹ không còn cơ hội nào để thắng ở Việt Nam.

 

Chúng tôi sống ở Tây Đức, chính phủ không có lý do gì để ăn mừng. Tôi đọc trên báo thấy tường thuật: “30-4-1975-Người Mỹ rút chạy khỏi Sài Gòn. Sau khi chính quyền miền Nam Việt Nam tuyên bố đầu hàng, tất cả cầu hàng không đã ngưng hoạt động. 1-5-1975- Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện. Việt Cộng đã chiếm toàn bộ miền Nam”. Còn phóng viên thường trú tại Đông Đức tường thuật: Ngày 1-5-1975, Chính phủ CHDC Đức đã tổ chức mít tinh trọng thể để chúc mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Chính phủ cũng gửi điện chúc mừng nhân dân Việt Nam trong ngày chiến thắng lịch sử này.

 

Fred đã kết thúc bức thư: “Đó là một tuần bình thường bắt đầu bằng ngày nghỉ lễ: ngày Một tháng Năm, ngày Quốc tế lao động. Nhưng dường như người dân ở hai phía của bức tường Berlin, Đông và Tây, đều có một cảm giác thấy lòng nhẹ nhõm vì cuộc chiến tranh, giết chóc và sự tàn bạo cuối cùng đã kết thúc. Hòa bình cho nhân dân Việt Nam đã đến”.

 

NHÓM PV QUỐC TẾ

(THEO SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=328
Quay lên trên