Bà Merle Ratner
Bà Merle Ratner đã kể lại những ngày xuống đường tranh đấu ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ngay trên quê hương mình.
Xuống đường vì Việt Nam
Khi đó tôi mới 13 tuổi nhưng đã tham gia hoạt động chính trị. Nhiều người khác cũng bắt đầu hoạt động rất sớm từ những ngày tham gia phong trào phản chiến và đã chứng tỏ là những người hoạt động xuất sắc. Một số người đã hy sinh cuộc đời của mình để phản đối chiến tranh. Ở tuổi của tôi thời bấy giờ, đặc biệt khi còn sống chung với cha mẹ, có rất nhiều điều chúng tôi không được phép làm. Nhưng tôi nhận thấy rằng mình phải có trách nhiệm hành động để chấm dứt cuộc chiến tranh này và nỗ lực trở thành những người tích cực nhất.
Tôi tham gia vào phong trào phản chiến từ hơn 40 năm trước, khi 13 tuổi và là học sinh trường Trung học 127 ở New York.
Năm 1969 là đỉnh cao của phong trào phản chiến. Thời điểm đó, các trường đại học và trung học sôi sục khi tổ chức các cuộc hội thảo về cuộc chiến tranh Việt Nam vì các cuộc biểu tình và bất tuân dân sự (phạm luật để phản chiến).
Tôi đã tham gia rất nhiều cuộc biểu tình. Chẳng bao lâu sau khi tôi lần đầu tiên thuyết phục cha mình tham gia vào một cuộc biểu tình, tôi bắt đầu đứng vào những hàng rào người tại Trung tâm tuyển quân ở Quảng trường Thời đại, New York. Chúng tôi giương cao khẩu hiệu yêu cầu “Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam” hoặc “Chấm dứt chiến tranh ngay bây giờ” và quay thành vòng tròn.
Người dân New York đến trò chuyện với chúng tôi và chúng tôi giải thích cho họ vì sao cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là sai lầm và tại sao nhân dân Việt Nam có quyền được độc lập dân tộc.
Lần đầu tiên tôi đến thủ đô Washington cùng với cha tôi, một nha sĩ. Chúng tôi đi trên chiếc xe buýt có dòng chữ “Những nha sĩ vì hòa bình”. Đó là một trong những nhóm phản chiến tập hợp mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, có rất ít nha sĩ trên đó mà phần lớn là các nhà tâm lý học. Cuộc biểu tình mà chúng tôi tham gia có đến một triệu người. Chúng tôi tập hợp trước tòa nhà Quốc hội Mỹ và nghe các diễn giả chống chiến tranh phát biểu. Tôi không nhớ rõ ai đã phát biểu và họ đã nói gì nữa nhưng tôi nhớ rất rõ sức mạnh của một triệu người cùng đồng ca vì tình đoàn kết và sự hợp tác.
Khi tôi học cách đi xe điện ngầm và có thể đi từ nhà ở Bronx (phía Bắc New York) đến Manhattan, tôi bắt đầu tham gia biểu tình thường xuyên hơn. Biểu tình phản đối chưa đủ, tôi tham gia các nỗ lực nhằm tuyên truyền cho mọi người trong khu Bronx về cuộc chiến tranh phi nghĩa bằng cách đi đến từng nhà và gõ cửa.
Chúng tôi cố gắng trò chuyện với cư dân và kêu gọi họ ký vào bản thỉnh cầu chống chiến tranh. Làm điều đó là một truyền thống tự hào ở Mỹ nhưng làm điều đó ngay tại Bronx giữa lúc chiến tranh đang nổ ra là một thách thức lớn hơn những gì tôi tưởng tượng. Vài người rất lịch sự và mong muốn được trò chuyện, một số khác tỏ ra giận dữ và đóng sập cửa trước mặt chúng tôi. Một số ít bày tỏ thái độ thù địch và xua chó đuổi chúng tôi. Nhưng nhờ những phản ứng như thế mà chúng tôi biết được mọi người nghĩ gì và tìm được cách để thuyết phục họ chống chiến tranh.
Tôi đã bị bắt vì tham gia phản đối tội ác diệt chủng của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam ngay trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, cùng với nhiều người Mỹ gốc Phi. Họ là những người đã liên hệ hành động tội ác của Chính phủ Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử mà người da đen đang phải chịu đựng ở Mỹ.
Khi cảnh sát đưa chúng tôi về đồn, tôi từ chối nói tuổi thật của mình chỉ vì không muốn được trả tự do trước những người khác. Khi tất cả được thả, trời đã rất tối. Khi tôi về đến nhà, ba mẹ tôi rất giận về chuyện tôi đã bị bắt dù ông bà rất đồng tình với quan điểm chống chiến tranh của tôi.
Khi vào trường Trung học Âm nhạc và Nghệ thuật, tôi được tự do hơn để đi khắp nơi cùng các nhà hoạt động khác. Tôi hoạt động cùng các tổ chức quốc gia và địa phương chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ và đi qua nhiều thành phố để tham gia biểu tình. Tôi đã bị bắt nhiều lần, kể cả hai lần biểu tình ngồi ngay trong Nhà Trắng và phát biểu kêu gọi chống chiến tranh.
Ở New York, chúng tôi đến tượng Nữ thần tự do cùng với một số linh mục, các bà xơ và căng một băng rôn chống chiến tranh ngay bên ngoài cửa sổ. Khi Mỹ chiếm đóng Campuchia, chúng tôi một lần nữa nhận thấy rằng cần tăng cường hơn nữa các hoạt động phản chiến.
Một nhóm phụ nữ đã chiếm các văn phòng của một thượng nghị sĩ Mỹ tại New York do ông này bỏ phiếu ủng hộ việc tăng cường viện trợ cho chế độ Lon Nol ở Campuchia. Dưới danh nghĩa tổ chức tour học ngoại khóa, chúng tôi tràn vào văn phòng và chiếm toàn bộ các dãy phòng trong tòa nhà. Nhóm tự xưng là Ủy ban Phụ nữ yêu cầu chấm dứt việc viện trợ cho Tổng thống Thiệu và Lon Nol. Khi đêm xuống, nhiều người dân ủng hộ đã mang thực phẩm và nhiều thứ khác cho những người biểu tình.
Trong suốt những năm tháng đó, chúng tôi đã đọc và nghiên cứu rất nhiều về cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam, tình hình thực tế của chủ nghĩa đế quốc Mỹ ở Việt Nam cũng như nhiều nơi khác trên thế giới.
Khi chúng tôi hiểu thấu đáo rằng chính phủ của chúng tôi có thể giết hàng triệu người Việt Nam, Campuchia, Lào chúng tôi muốn hiểu rõ tại sao điều này lại có mối quan hệ với tình trạng đói nghèo và phân biệt chủng tộc đang tồn tại trong nước Mỹ. Nhiều người trong chúng tôi bắt đầu đọc về chủ nghĩa Mác - Lênin bởi vì học thuyết này đã cung cấp cho chúng tôi một phương pháp biện chứng để phân tích thế giới xung quanh mình. Chúng tôi bị chủ nghĩa Mác lôi cuốn còn nhờ vào những gì chúng tôi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Cuba, đất nước ở ngay ngoài khơi của Mỹ.
Phản đối chiến tranh đồng nghĩa với hy sinh
Cường độ làm việc rất căng nên nhiều người trong số chúng tôi không có nhiều thời gian (và cả tiền bạc) để hẹn hò, chơi thể thao và tham dự các buổi hòa nhạc. Hoạt động xã hội cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp của tôi. Tôi dự định trở thành một ca sĩ và đã bắt đầu học luyện thanh. Khi giáo viên nói rằng tôi đang hủy hoại giọng hát của mình vì đã la hét trong những cuộc biểu tình và phải lựa chọn giữa sự nghiệp ca hát và hoạt động chính trị, tôi đã quyết định từ bỏ ước mơ trở thành ca sĩ và không học luyện thanh nữa và bước vào con đường đấu tranh chính trị.
Vào thời điểm đó, chính phủ liên bang cũng bắt đầu đàn áp các cuộc biểu tình. Phong trào của những người da đen bị đàn áp nặng nề nhất, họ bị kêu án tù nhiều năm và thậm chí bị cảnh sát giết hại. Tôi nhớ một nhà hoạt động người da đen trong nhóm các cựu binh Mỹ phản chiến (VVAW) - người đã tham gia vào cuộc biểu tình ngay trước nhà thờ Thánh Patrick ở trung tâm New York. Khi chúng tôi đang đứng phát các tờ rơi chống chiến tranh, một vài sĩ quan cảnh sát đi thẳng đến chúng tôi. Phần lớn chúng tôi không bị thương nhưng nhà lãnh đạo VVAW thì bị đánh đến bất tỉnh. Vết thương đó đã ảnh hưởng đến ông suốt đời.
Nhiều người trong chúng tôi bị theo dõi, ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại. Chúng tôi hiểu rằng những gì mà chúng tôi đang chịu đựng có thể không là gì so với những mất mát, hy sinh và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam và những chiến sĩ đang chiến đấu vì độc lập tự do.
Có một nét văn hóa tuyệt vời trong phong trào phản chiến, đó là chúng tôi đã có cảm giác tuyệt vời về tình bạn và lòng tốt, cũng như về sự đa dạng của âm nhạc và thơ ca. Tất cả những điều đó đã góp phần vào cuộc đấu tranh của Việt Nam. Tôi không bao giờ quên ký ức về những ngày đấu tranh sôi nổi. Những ngày đó còn là trường học cho tôi trong những cuộc đấu tranh sau này, vì công lý, công bằng xã hội và xây dựng một xã hội vì con người ngay trên quê hương tôi.
Đối với tôi, một nhà hoạt động trẻ, tôi may mắn gặp gỡ và học hỏi từ nhiều nhà hoạt động có kinh nghiệm. Sau chiến tranh, chúng tôi vẫn tiếp tục các hoạt động đoàn kết nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam, Campuchia, Lào và mạng lưới các nhà hoạt động Đông Dương. Chúng tôi đã đấu tranh chống lại sự cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam và đấu tranh để bình thường hóa quan hệ hai nước; tiếp tục đấu tranh để Mỹ tôn trọng Hiệp định Paris, hàn gắn vết thương chiến tranh cho Việt Nam, giành công lý và bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Chiến thắng của các bạn tiếp tục mang lại cho chúng tôi niềm tin rằng chúng tôi sẽ đánh bại sự bất công và bóc lột ngay trên đất nước của mình. Nếu nhân dân Việt Nam có thể đánh bại chủ nghĩa đế quốc Mỹ, chúng tôi cũng hy vọng có thể đi đến một xã hội vì con người ngay trên đất Mỹ
NHÓM PV QUỐC TẾ
(THEO SGGP)