Người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam

Cập nhật: 06-04-2010 | 00:00:00

Không có sự lựa chọn nào khác, Đại sứ Graham Martin cuốn cờ bước lên trực thăng. Theo chân ông là Polgar, LaGueux và Jacobson. Máy bay đưa ông đại sứ ra chiến hạm USS Blue Ridge. Hòa bình đã thực sự đến với đất nước Việt Nam…

Cuộc di tản bí mật của Nguyễn Văn Thiệu

Ngày 25-4-1975, Polgar lái xe lên Tân Sơn Nhất gặp đại tá Võ Đông Giang, người đại diện của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) trong Ủy ban quân sự 4 bên. Giang xác nhận một giải pháp chính trị có thể hình thành và Hà Nội sẵn sàng chấp nhận Minh là đối tác và lần đầu tiên nói chính phủ CHMNVN không phản đối sự hiện diện của Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn.

Giang nói mình đang chờ đợi việc Minh thay Hương và yêu cầu Polgar thông báo nếu có diễn tiến mới. Cũng trong ngày 25-4, đại tá Toth gặp Polgar cho biết, Hà Nội muốn biết có những ai trong danh sách nội các khi Minh thay Hương và hạm đội Mỹ túc trực ngoài hải phận quốc tế của Việt Nam để làm gì? Polgar nói, hạm đội chờ làm công tác di tản và cứu trợ. Polgar yêu cầu Toth cho Hà Nội biết Mỹ không muốn thấy các cuộc không kích vào Sài Gòn như đã xảy ra trước đây. Những cuộc ném bom như vậy có thể làm cho các thành phần quân nhân cực hữu tại Sài Gòn bạo động và sẽ không thể sắp xếp được một giải pháp êm thấm. Polgar nhấn mạnh việc Hương trao quyền cho Minh sẽ diễn ra nhanh chóng.

Thất bại của người Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Để chuẩn bị việc chuyển giao quyền lực, ngày 24-4, Martin yêu cầu Polgar sắp xếp để Thiệu rời khỏi Việt Nam. Sự ra đi của Thiệu và Khiêm được Polgar sắp xếp một cách tối mật. Không một người Việt Nam nào biết (ngoài những người cùng đi với Thiệu và Khiêm) và chỉ những người Mỹ liên hệ sắp xếp kế hoạch ra đi mới được biết. Thận trọng đến nỗi Polgar phải nhờ Frank Snepp, chuyên viên phân tích cao cấp của Tòa Đại sứ Mỹ làm tài xế cho Thiệu và Khiêm.

Cuộc di tản được tổ chức vào đêm 25-4 và CIA dùng một máy bay trước nay không dùng tới. Chiếc máy bay C-118 tầm xa do Tổng thống Johnson dành riêng cho Đại sứ Bunker dùng để thỉnh thoảng đi thăm vợ là bà Carol Bunker tại Cátmanđu, Nepal. Sau khi ông Bunker hết làm đại sứ tại Việt Nam, chiếc máy bay C-118 vẫn nằm trong kho tại sân bay Tân Sơn Nhất, không ai dùng tới kể cả Đại sứ Martin. Polgar hỏi và được biết chỉ cần vài giờ bảo trì và chuẩn bị là máy bay có thể sử dụng được.

Thiệu giao cho Khiêm liên hệ với Polgar sắp xếp nhân sự và hành trình. Đoàn người kể cả Thiệu và Khiêm được lên danh sách gồm 14 người. Mỗi người được mang một túi hành lý và tối 25-4 tập trung tại nhà của Khiêm trong Bộ Tổng tham mưu gần sân bay Tân Sơn Nhất. Từ nhà mình, cũng ở trong Bộ Tổng tham mưu, Thiệu chờ trời thật tối mới bước sang nhà Khiêm.

Polgar sau khi đến sân bay Tân Sơn Nhất gặp Giang đã ghé qua nhà Khiêm gặp tướng Timmes. Timmes và Polgar dùng chiếc đàn dương cầm ở nhà Khiêm làm bàn viết để điền giấy tờ tị nạn (parolee) cho đoàn người. Tổng cộng 12 người. Có hai người bỏ cuộc.

Vào sân bay, xe phải đi qua hai trạm mà Polgar cho là nguy hiểm: Cổng ra Bộ Tổng tham mưu và nhất là cổng vào sân bay nên Polgar thận trọng dùng xe của Đại sứ Martin với biển số và cờ ngoại giao đoàn để chở Thiệu và Khiêm, giả như một đoàn xe đưa đón một phái đoàn ngoại giao cao cấp. Qua cổng sân bay, Polgar yêu cầu Thiệu cúi thấp người và Thiệu làm theo.

Đại sứ Martin đứng đợi tiễn Thiệu tại chân cầu thang máy bay trong bóng tối mờ nhạt. Polgar lên máy bay cho cơ trưởng biết mục đích của công tác và ông ta cần làm những thủ tục gì khi máy bay đến Đài Bắc. Khi chiếc C-118 khuất dạng trong bóng đêm, Polgar điện cho cơ sở CIA ở Đài Bắc biết giờ phỏng định máy bay tới, sau đó gửi điện văn báo cáo với Langley: “Thông báo quý cấp, thi hành lệnh trên, CIA Sài Gòn đã di tản thành công cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm và đoàn tùy tùng 10 người khác. Máy bay cất cánh lúc 21 giờ 20 phút ngày 25 tháng 4, giờ địa phương”.

Những thủ tục cuối cùng

Ngày 26-4, sau khi Thiệu đi, Hà Nội tăng áp lực quân sự quanh Sài Gòn buộc sân bay Biên Hòa đóng cửa. Trong khi đó, Thái Lan vẫn chưa quyết định có cho Mỹ di tản người Việt qua Thái Lan không. Và Philippines cho biết không nhận người Việt làm việc với CIA.

Polgar cho rằng Hà Nội hành động vì sự chậm trễ của Hương. Trong khi đó, đại tá Toth cho Polgar biết Hà Nội muốn biết có những ai trong danh sách nội các của Minh. Minh đồng ý có bà Ngô Bá Thành nhưng nhất định không chịu cho linh mục Chân Tín tham gia nội các.

Trong thời gian Polgar thảo luận với Minh nên giữ và từ chối ai trong danh sách Hà Nội đề nghị thì tờ New York Times tiết lộ một báo cáo của Polgar gửi cho Kissinger về công tác này và trả lời của Kissinger rằng ông không tin tưởng một giải pháp chính trị do Toth làm trung gian có thể thành công. Polgar nghi ngờ chính Kissinger tiết lộ tin này vì Kissinger không muốn thấy nỗ lực của Chính phủ Hungary ảnh hưởng đến cuộc vận động của ông với Liên Xô.

Cho đến ngày 26-4, Cẩn theo khuyến cáo của CIA vẫn còn giữ ghế Thủ tướng nhưng bắt đầu sốt ruột. Cẩn yêu cầu Đại sứ Martin cho ông phương tiện rời Việt Nam. Ngày 27-4, Martin thấy không ai cần Cẩn nữa nên yêu cầu CIA sắp xếp cho Cẩn ra đi. Cẩn rời Sài Gòn ngày 28-4 cùng gia đình tướng Nguyễn Khắc Bình và vợ con của tướng Đặng Văn Quang trên một chiếc máy bay C-130. Quang nói ông không thể rời nước khi đang còn chức vụ. Sau khi Thiệu từ chức, Quang đã xin Tổng thống Hương miễn nhiệm nhưng không ai xét đơn của ông.

Trong ngày 27-4, với sự đồng ý của Đại sứ Martin, hai viện Quốc hội Việt Nam Cộng hòa họp thông qua quyết định giao trọn quyền cho tướng Minh. Minh tuyên thệ nhậm chức tổng thống lúc 5 giờ chiều ngày 28-4 trong một bầu không khí ảm đạm. Minh ngỏ ý với Hà Nội muốn thương thuyết theo tinh thần của Hiệp định Paris. Các cuộc tiếp xúc có thể diễn ra tại Paris trước khi hai bên đồng ý một địa điểm thích hợp tại Việt Nam…

Tại Washington, Shackley được Polgar báo cáo Minh đã nhậm chức nhưng Shackley không quan tâm lắm và chỉ lo việc di tản. Shackley biết Hà Nội có khả năng pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất bất cứ lúc nào và đã chuyển lệnh của Washington cho tướng Homer Smith, Trưởng phòng Tùy viên quốc phòng Mỹ rằng nếu sân bay bị pháo kích, ông ta có quyền lấy quyết định khi nào thì ngừng các chuyến bay di tản bằng C-130.

Đại sứ Martin đang bị bệnh sưng phổi không nói được nhưng cũng đến Tòa đại sứ lúc 6 giờ sáng cho yên lòng nhân viên và mọi việc liên lạc với tướng Smith ở sân bay Tân Sơn Nhất, với Đô đốc Noel Gayler, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương ở Honolulu, và với Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ở Washington, đều do Polgar đảm trách.

8 giờ sáng, Tòa đại sứ nhận được thông báo của Minh yêu cầu tất cả nhân viên thuộc Phòng Tùy viên quốc phòng Mỹ phải rời Sài Gòn trong vòng 24 giờ. Đại sứ Martin hứa thi hành và lệnh di tản toàn diện bắt đầu.

Tướng Smith báo cáo cho Đại sứ Martin biết sân bay không thể sử dụng được nữa và đề nghị Martin chuyển qua chương trình di tản bằng trực thăng. Không tin, Đại sứ Martin đích thân lên sân bay Tân Sơn Nhất để quan sát bất chấp sự ngăn cản của các phụ tá. Trở về Tòa đại sứ, 10 giờ 30 sáng, Martin ra lệnh chuẩn bị di tản bằng trực thăng.

11 giờ sáng, lệnh di tản bằng trực thăng của lực lượng Thái Bình Dương được ban hành. Ngoài vòng thành Tòa đại sứ, nhiều người Việt bắt đầu tụ tập xin đi. Vào khoảng 3 giờ chiều, cuộc di tản bằng trực thăng do hạm đội 7 điều động bắt đầu. Trực thăng lớn C-53 di tản nhân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất, ưu tiên cho nhân viên thuộc Phòng Tùy viên quốc phòng. Trực thăng C-47 nhỏ hơn di tản nhân sự tại Tòa đại sứ. Mọi người phải ra đi ngoại trừ 200 nhân viên tối cần thiết, trong đó có 50 nhân viên CIA ở lại cho đến các chuyến bay cuối cùng để thanh lý mọi việc…

Đại sứ Martin cuốn cờ bước lên trực thăng

Trên nguyên tắc, Đại sứ Martin đã hết nhiệm vụ nên ông có thể rời Tòa đại sứ bay ra hạm đội. Nhưng ông Đại sứ đặc biệt xin phép Tổng thống Ford để ông và vài phụ tá ở lại. Ông hy vọng - qua cuộc vận động của Kissinger với Mátxcơva - phút chót Hà Nội chấp nhận Tòa Đại sứ Mỹ có thể ở lại và tránh được cái nhục cho Mỹ cuốn cờ bỏ chạy.

Ngoài một số lý do như quản lý kém, quân đội Việt Nam Cộng hòa tan rã quá nhanh, lệnh di tản bằng trực thăng ban hành quá trễ là trở ngại lớn nhất làm cho Mỹ không thể thực hiện một cuộc di tản trong trật tự. Nhiều nhân viên người Việt và người nước ngoài làm việc cho Mỹ bị bỏ lại…

Trong lúc bối rối, Polgar đã quên chỉ thị cho các cơ sở của mình tại các vùng chiến thuật khi nào thì cần di tản và di tản bằng cách nào. Sau này, ông nói ông tin tưởng các nhân viên đầy kinh nghiệm tình báo của mình thế nào cũng tìm đường xoay xở an toàn!

Xế chiều 28-4, các đơn vị Cộng sản bố trí ở phía Đông Sài Gòn bắt đầu pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất. Hạm đội 7 cho biết có thể ngừng di tản bất cứ lúc nào. Đại sứ Martin dù còn yếu vẫn lên máy kêu gọi Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương và Nhà Trắng duy trì các chuyến bay di tản tại Tòa đại sứ. Ông không ước lượng giờ có thể chấm dứt vì số người lọt vào Tòa đại sứ càng lúc càng đông.

8 giờ tối 28-4, Washington cho lệnh cuộc di tản phải chấm dứt vào lúc 3 giờ 45 sáng ngày 30-4. Được lệnh, Polgar báo cáo cần 20 phút để phá máy truyền tin đặc biệt và 3 giờ 20 sẽ là hạn chót chấm dứt mọi liên lạc với Washington.

9 giờ tối 28-4, Polgar báo cáo còn 8 nhân viên CIA ở lại, trong đó có ông, và CINCPAC yêu cầu Martin phải ra đi trước 11 giờ đêm để bảo đảm an toàn.

11 giờ khuya 28-4, Langley thúc Polgar cho mọi người ra đi và cho biết chỉ còn 35 chuyến trực thăng nữa. Polgar cho biết Đại sứ Martin quyết định sẽ ra đi trong chuyến máy bay cuối cùng.

Do có lệnh từ Hà Nội, các đơn vị Cộng sản án binh bất động để cho Mỹ di tản nhưng Polgar biết họ có thể pháo kích vào thành phố bất cứ lúc nào.

Colby, Giám đốc CIA gửi điện văn cuối cùng khen ngợi Polgar. Trả lời, Polgar nói: “Mọi việc không kết thúc như ý muốn nhưng tận trong thâm tâm tôi biết chúng ta đã nỗ lực tối đa”.

Vào lúc 4 giờ sáng ngày 30-4-1975, một viên thiếu tá Thủy quân Lục chiến bước đến gần Đại sứ Martin và nói với ông rằng: “Nếu ông không bước lên chiếc trực thăng đang chờ sẵn thì tôi thừa lệnh đặc biệt của tổng thống sẽ phải khiêng ông đi”.

Không có sự lựa chọn nào khác, Đại sứ Graham Martin cuốn cờ bước lên trực thăng. Theo chân ông là Polgar, LaGueux và Jacobson. Máy bay đưa ông đại sứ ra chiến hạm USS Blue Ridge.

(THEO SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=392
Quay lên trên