Cựu Thống đốc bang Alaska và đồng thời là cựu ứng viên phó tổng thống, bà Sarah Palin, đang nổi lên như một thế lực chính trị trong đảng Cộng hòa và trong số các nhà hoạt động bảo thủ ở địa phương tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ. Gần đây Palin nói rằng bà sẽ cân nhắc khả năng tranh cử tổng thống vào năm 2012.
Từ một người ít tiếng tăm, vào năm 2008, bà Sarah Palin đã nổi lên để trở thành ứng viên phó tổng thống của phe Cộng hòa cùng liên danh tranh cử với ông John McCain. Bà Palin, 45 tuổi, là "thần tượng" của rất nhiều người theo trường phái bảo thủ và khoảng 1,1 triệu người trên Facebook. Bà từ chức Thống đốc bang Alaska vào tháng 7-2009, 17 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Vụ từ chức "bom tấn" đã khiến cả người ủng hộ sững sờ, làm nảy sinh những lời đồn đoán về bước tiếp theo trong sự nghiệp của bà, như bà sẽ chạy đua vào chiếc ghế tổng thống vào năm 2012, sẽ dẫn một chương trình "talk show" theo trường phái bảo thủ.
Kể từ khi từ chức, bà Palin đã gặt hái được thành công vang dội với cuốn hồi ký "Going Rouge", được phát hành 4 tháng sau khi bà từ chức. Cuốn hồi ký đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, qua mặt cả cuốn hồi ký của Tổng thống Obama hay Ngoại trưởng Hillary Clinton. Bà cũng đã hoàn thành chuyến đi tour khắp đất Mỹ hồi tháng 12-2009, sau khi "đánh phá" được nhiều bang "chiến trường" trong cuộc bầu cử năm 2008 và thu hút được hàng nghìn người ủng hộ.
Mặc dù bà Palin đã có những lời nói hớ hênh trong chiến dịch tranh cử và những sai lầm đó đã trở thành đề tài cho các diễn viên hài trong chương trình truyền hình lúc nửa đêm tại Mỹ, nhưng bà cũng đã khiến các nhà hoạt động xã hội theo chủ trương bảo thủ mến mộ và nhiều người trong số họ muốn bà chạy đua vào chiếc ghế tổng thống vào năm 2012.
Gần đây bà Palin đã trở thành tâm điểm chú ý khi bà diễn thuyết tại một đại hội ở Nashville, bang Tennessee, có tên là Đại hội Tea Party - một phong trào liên minh của các nhà hoạt động tự do, bảo thủ và phản đối việc tăng thuế. "Phong trào này là về người dân. Ai có thể phản đối một phong trào về người dân và vì người dân. Hãy nhớ rằng tất cả quyền lực chính trị vốn ở trong dân và chính phủ có nhiệm vụ phải hành động vì người dân. Đó chính là ý nghĩa của phong trào này"- bà Palin phát biểu.
Phong trào Tea Party, được lấy tên từ một sự kiện quan trọng của cuộc cách mạng Mỹ nổi tiếng, đã đóng vai trò đáng kể trong việc kêu gọi sự phản đối ở cấp địa phương đối với kế hoạch cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Barack Obama và việc bày tỏ quan ngại về khoản thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của nước Mỹ.
Bà Palin đã bắt tay thực hiện một kế hoạch quyết liệt để vận động cho các ứng viên đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 11 tới. Gần đây bà đã đi vận động ở bang Texas, nơi Thống đốc Cộng hòa Rick Perry đang phải đối mặt với đối thủ chính là Thượng nghị sĩ Kay Bailey Hutchison.
Tháng 4 tới, vị cựu Thống đốc bang Alaska sẽ tới bang Arizona để vận động cho Thượng nghị sĩ John McCain, cựu ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, người sẽ phải chạy đua với J.D. Hayworth trong cuộc bầu chọn ứng viên của đảng Cộng hòa.
Một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy bà Palin đang dẫn đầu danh sách những nhân vật có nhiều hy vọng sẽ trở thành ứng viên Tổng thống của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2012. Trong chương trình truyền hình "Fox News Sunday" của kênh Fox - bà đã được hỏi liệu bà có cân nhắc khả năng ra tranh cử tổng thống trong 2 năm nữa hay không, bà Palin trả lời: "Tôi sẽ cân nhắc nếu tôi tin đó là điều đúng đắn cho đất nước chúng ta và cho gia đình Palin. Chắc chắn là tôi sẽ làm như vậy".
Bà Palin cũng nổi tiếng trong giới các nhân vật bảo thủ ở cấp địa phương trên khắp cả nước, đặc biệt là những người có quan điểm bảo thủ về các vấn đề xã hội như phá thai. Tuy nhiên, nhiều cử tri vẫn tiếp tục hoài nghi về sự thông minh sắc sảo của bà Palin và kiến thức của bà trong nhiều vấn đề, những mối lo ngại này lần đầu tiên xuất hiện sau một số lần bà trả lời ấp úng trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình trong thời gian tranh cử hồi năm 2008.
Bất chấp những nỗi hoài nghi đó, nhiều chiến lược gia của đảng Cộng hòa vẫn coi bà Palin là một thế lực chính trị đáng chú ý trong năm nay, và bà được các ứng viên đảng Cộng hòa trên khắp nước đề nghị làm người vận động tranh cử. Dưới đây là lời nhận định của ông Ed Gillespie, cựu Chủ tịch đảng Cộng hòa trong chương trình truyền hình "Gặp gỡ báo giới" của Đài Truyền hình NBC: "Bà ấy có một khả năng lạ lùng trong việc kết nối với mọi người và với các mối quan tâm của họ. Và bản thân tôi đôi khi cũng cảm thấy bối rối về một số điều kinh ngạc về Sarah Palin bởi tôi thấy bà ấy là một nhân vật khá lôi cuốn và một người hiển nhiên đã gây tiếng vang rất lớn tại Đại hội Tea Party ở Nashville".
Các cuộc thăm dò cho thấy các đảng viên Dân chủ và một số lớn các nhân vật độc lập nói chung có quan điểm tiêu cực về bà Palin. Những người chỉ trích bà cũng phát hiện ra rằng, bà đã viết ghi chú vào lòng bàn tay trước khi đọc bài diễn văn tại Đại hội Tea Party về những chủ đề lớn như giảm thuế và vấn đề năng lượng. Các máy quay phim cũng ghi lại hình ảnh bà nhìn xuống tay để đọc những lời ghi chú trong phần hỏi đáp.
Một số đảng viên Cộng hòa tỏ ra lưỡng lự về bà Palin và khả năng bà có thể tìm kiếm sự đề cử của đảng Cộng hòa cho vị trí ứng viên tổng thống vào năm 2012. Ông David Frum, một nhà bình luận chính trị bảo thủ, người đã viết các bài diễn văn cho cựu Tổng thống George W. Bush, nói rằng cuốn hồi ký bán chạy nhất của bà Palin có tựa là "Going Rouge" đã không gây được mấy ấn tượng đối với ông.
"Khi mà quý vị đọc một cuốn sách, quý vị kết nối trực tiếp với một con người khác mà không bị sao lãng bởi sự hiện diện của người đó, của hình ảnh người đó và những đặc điểm cá nhân của họ. Đó là sự giao tiếp giữa hai tâm trí. Nhưng đối với bà Sarah Palin thì sự giao tiếp bằng tâm trí đó không thú vị cho lắm. Không có nhiều điều đáng nói" - David Frum nhận xét.
Hiện tại bà Palin đang chia sẻ thời gian giữa việc làm một bình luận viên cho kênh tin tức Fox với việc làm người diễn thuyết cũng như người vận động tranh cử cho các ứng viên Cộng hòa
(THEO CAND)