Thực hiện các chỉ tiêu văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, huyện Phú Giáo đã tích cực xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cùng các danh hiệu gia đình văn hóa, xã văn hóa… Đây là cơ sở để UBND huyện Phú Giáo hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2019.
Nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú về văn hóa đã được huyện Phú Giáo triển khai hiệu quả
Hoàn thành các tiêu chí
Trong số 19 tiêu chí của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, các tiêu chí văn hóa được xem là khó thực hiện nhất. Khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Phú Giáo chỉ 3 xã có nhà văn hóa, sân bóng đá, bãi tập là An Bình, Tân Hiệp và Tân Long. Các xã còn lại chưa được đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao hoàn chỉnh. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện 10/10 xã đã thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng (VHTT-HTCĐ). Đặc biệt các Trung tâm VHTT-HTCĐ xã Phước Sang, Tân Long được huyện Phú Giáo đầu tư xây dựng đồng bộ gồm các hạng mục: Hội trường, nhà đa năng, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, khu vui chơi thiếu nhi, sân khấu ngoài trời.
Các xã còn lại tận dụng các hạng mục của UBND như: Hội truờng UBND xã với 150 chỗ ngồi trở lên được trang bị đầy đủ bàn, ghế, tủ loa, âm thanh, ánh sáng, khu thể thao diện tích trên trên 2.000m2 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể dục thể thao của người dân địa phương. Hiện nay, 61/61 ấp của huyện đã xây dựng văn phòng ấp khang trang, là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, tổ chức hội họp của cộng đồng dân cư. 10/10 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất về văn hóa theo quy định của tỉnh và của Trung ương.
Không chỉ ở cấp xã, việc xây dựng thiết chế văn hóa ở cấp huyện cũng được đầu tư, nâng cấp. Trên địa bàn huyện có 3 di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm: Di tích chùa Bửu Phước, di tích cầu Sông Bé và di tích Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành. Trong khi đó, Trung tâm Văn hóa, thể thao và Truyền thanh huyện được xây dựng hoàn chỉnh, đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thư viện huyện, sân vận động huyện được xây dựng đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao và văn hóa đọc của nhân dân.
Ông Phạm Văn Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Giáo, cho biết hàng năm, trung tâm đều xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tổ chức thành công các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng những ngày lễ lớn trong năm. “Đặc biệt huyện cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đạt chất lượng và tham dự hội diễn cấp tỉnh đạt nhiều thứ hạng. Theo đó, chất lượng hưởng thụ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người dân ngày càng được nâng cao”, ông Nghĩa nói.
“Xác định vai trò của văn hóa trong tiến trình xây dựng NTM, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Phú Giáo đã quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, khu, ấp văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Nhiều công trình văn hóa, thể dục, thể thao ra đời từ sự tự nguyện đóng góp của người dân, làm cho diện mạo NTM ngày càng đổi thay” (Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo). |
Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa
Thực tế những năm qua, các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở đã phát huy công năng và khẳng định hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Hiện nay, 26 câu lạc bộ văn nghệ, 42 câu lạc bộ thể dục thể thao trên địa bàn huyện luôn thu hút từ 100 - 200 lượt người đến sinh hoạt. Số lượng người dân đến tham gia luyện tập thể dục thể thao cũng tăng đều qua các năm, điển hình năm 2019 có trên 38.000 người. Trong khi đó, hàng năm, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện tổ chức từ 3 - 4 hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, trên 20 giải thi đấu thể dục thể thao. Trung tâm VHTT-HTCĐ cũng tổ chức từ 2 - 3 giải mỗi năm.
Thực hiện phương châm lấy văn hóa làm trọng tâm trong xây dựng NTM, năm 2019, toàn huyện Phú Giáo đã có 20.977 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 96,6%. Trong tổng số 61 khu ấp đăng ký danh hiệu khu ấp văn hóa, có 59 khu, ấp đạt danh hiệu văn hóa. Từ những phong trào thi đua, tình làng, nghĩa xóm được gắn chặt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện; hủ tục mê tín dị đoan được đẩy lùi; người dân tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, vấn đề bảo tồn loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử được huyện quan tâm với việc tổ chức hội thi đờn ca tài tử cải lương “Hương lúa vàng” trong nhiều năm. Hội thi tạo điều kiện cho người dân trong huyện có sân chơi giải trí lành mạnh.
Với những nỗ lực không ngừng của huyện, việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận của người dân trong viêc phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà.
KIM HÀ