Phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, truyền hình cho nhân dân, các doanh nghiệp (DN) viễn thông, truyền hình cáp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường kéo cáp trên những cột điện, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông… Trước thực trạng trên, Sở Thông tin -Truyền thông (TT-TT) đã tham mưu UBND tỉnh giải pháp bó cáp, kiểm tra và xử lý vi phạm của các DN viễn thông. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở TT-TT.
Nhiều tuyến cáp viễn thông vi phạm quy định mắc cáp viễn thông trên các tuyến đường của tỉnh. Ảnh: T.LÝ
- Thưa ông, cáp viễn thông là gì? Yêu cầu đối với tuyến cáp treo như thế nào?
- Cáp viễn thông là tên gọi chung chỉ cáp quang, cáp đồng, cáp đồng trục (cáp truyền hình) được dùng để thông tin trong mạng viễn thông thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ TT-TT. Đối với tuyến cáp treo phải thẳng (nếu điều kiện địa hình, không gian cho phép); tuyến cáp phải đi ngoài phạm vi giới hạn an toàn của các công trình khác như đường sắt, đường ô tô, đê điều, nhà máy, hầm mỏ, khu vực quân sự, sân bay (trừ trường hợp được quy định hoặc cho phép). Bên cạnh đó, tuyến cáp không được giao chéo qua đường sắt, đường ô tô, trường hợp bất khả kháng được giao chéo theo phương án thuận lợi nhất cho thi công và quản lý, bảo dưỡng. Tuyến cáp treo không được vượt trên đường dây điện cao thế mà phải đi xuống dưới; không được vượt đường cao tốc mà phải đi ngầm dưới đất.
- Trên thực tế, Bình Dương có nhiều tuyến cáp treo không đúng yêu cầu, vậy ngành TT-TT xử lý vấn đề trên như thế nào?
- Thực trạng cáp treo không đúng quy định, không riêng gì Bình Dương mà các tỉnh khác cũng đang vướng mắc. Về phía Sở TT-TT, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 16-10-2013 về việc ban hành Kế hoạch chỉnh trang, bó gọn các tuyến cáp viễn thông trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một giai đoạn 1 năm 2013; Quyết định số 1643/QĐ- UBND ngày 14-7-2014 ban hành Kế hoạch chỉnh trang, bó gọn hệ thống cáp viễn thông treo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016. Kết quả, mỗi năm bó được 50km tuyến cáp. Theo kế hoạch Chỉnh trang cáp viễn thông giai đoạn 2014-2016, UBND tỉnh giao cho Công ty Điện lực Bình Dương chủ trì lấy nguồn kinh phí từ việc cho các DN viễn thông thuê trụ điện mắc cáp làm kinh phí bó cáp. Năm 2015, Công ty Điện lực Bình Dương đang trong quá trình thực hiện kế hoạch bó gọn các tuyến cáp khoảng 53km tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TX.Thuận An. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch kiểm tra hạ tầng cáp viễn thông trên địa bàn tỉnh năm 2015-2016. Theo đó, sở thành lập đoàn kiểm tra và chia làm 4 đoàn. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 1-8 đến 30-9; đợt 2 từ ngày 1-12-2015 đến 30-1-2016; đợt 3 từ ngày 1-3- 2016 đến 30-4-2016; đợt 4 trong quý III năm 2016.
- Thưa ông, việc bó cáp, kiểm tra quá trình bó cáp có ý nghĩa như thế nào? Đối với các DN vi phạm sẽ bị xử lý ra sao?
- Việc kiểm tra bó cáp trên các tuyến đường nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, cũng như hạn chế tối đa các sự cố làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật trong truyền tải điện, thông tin liên lạc trên địa bàn tỉnh; bảo đảm an toàn thông tin và mỹ quan đô thị; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị được phép triển khai hạ tầng mạng viễn thông quản lý, vận hành khai thác mạng cáp treo, từng bước đầu tư xây dựng hệ thống ngầm dùng chung cáp thông tin liên lạc.
Qua kiểm tra sẽ xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân khi xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông, đặc biệt là mạng cáp viễn thông treo không thực hiện các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, gây mất an toàn và mỹ quan đô thị theo các quy định hiện hành. Trong quá trình kiểm tra, các DN viễn thông vi phạm sẽ bị xử phạt theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Chúng tôi hy vọng, với những nỗ lực của ngành, hệ thống tuyến cáp treo trên địa bàn tỉnh sẽ theo khuôn mẫu, được bó lại gọn gàng để đem lại vẻ đẹp của một đô thị văn minh.
- Xin cảm ơn ông!
THIÊN LÝ (thực hiện)