Xác định mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) phát triển kinh tế - xã hội, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Bình Dương đã triển khai, mở rộng nhiều nội dung hỗ trợ DN một cách thiết thực và hiệu quả. Bên cạnh chương trình hỗ trợ DN chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, hội thảo, tư vấn trực tiếp nhằm nâng cao năng lực quản trị DN, năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế của DN.
Từ việc hỗ trợ vốn đầu tư, đổi mới công nghệ
Nhằm khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT), hợp tác xã đổi mới và hiện đại hóa phương thức sản xuất, 10 năm nay, TTKC&TVPTCN đã dành hàng tỷ đồng để xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho DN CNNT.
Đặc biệt năm 2016, ngoài các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, do khuyến công địa phương hỗ trợ, Bình Dương còn nhận được vốn khuyến công Trung ương thực hiện Đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất gạch không nung”, kinh phí hỗ trợ được phê duyệt là 350 triệu đồng, đang trong quá trình triển khai thực hiện. Dự kiến đưa vào tổ chức hội nghị trình diễn vào giữa năm 2017.
Các đề án này đã được trung tâm triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và giám sát theo dõi thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm mục tiêu đề ra. Có thể thấy chương trình đã thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của DN (gấp 7 lần vốn khuyến công), các cơ sở CNNT đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất ngày càng có chất lượng cao. Có thể nói, đồng vốn khuyến công đã tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư có hiệu quả vào sản xuất CNNT một cách bền vững, góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn.
Sau khi được trình diễn, những mô hình này đã giúp các DN, cơ sở sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và bước đầu được nhân rộng ra các địa bàn, góp phần thu hút lao động, giải quyết việc làm, giảm dần cách tổ chức sản xuất tự phát, manh mún nhỏ lẻ, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân cư.
Đến việc hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị DN
Bên cạnh việc đầu tư đổi mới thiết bị “máy móc” công nghệ, TTKC&TVPTCN còn thực hiện nhiều chương trình nâng cao năng lực quản trị DN của “con người” ngay tại DN và các huyện, thị, cơ sở. Trong năm 2016, chương trình nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công với số vốn 86,2 triệu đồng.
Trong năm 2016, TTKC& TVPTCN đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 480 người là cán bộ phụ trách công tác khuyến công tại các xã, phường, thị trấn và các cơ sở CNNT trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, TX.Tân Uyên, Thuận An. Trong đó kinh phí từ nguồn khuyến công tỉnh thực hiện 14,6 triệu đồng tại 2 huyện, thị (Dầu Tiếng, Tân Uyên), các huyện còn lại do ngân sách huyện cấp. Các lớp tập huấn đã đáp ứng nhu cầu thiết thực giúp các cơ sở CNNT đang hoạt động trên địa bàn nắm bắt những chính sách, văn bản về khuyến công, từ đó xác định nhu cầu hỗ trợ nhằm tận dụng nguồn kinh phí của Nhà nước phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, TTKC&TVPTCN còn phối hợp với các hiệp hội ngành nghề mở các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực quản trị, hội nhập quốc tế cho các DN. Như phối hợp với Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương tổ chức đào tạo 2 lớp nâng cao năng lực quản trị DN cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Kinh phí để nghị thực hiện 58,5 triệu đồng. Qua lớp học có 100 học viên tham gia khóa học đang làm việc tại các cơ sở CNNT được cấp giấy chứng nhận của trường Đại học Thủ Dầu Một. Ngoài ra, TTKC&TVPTCN còn phối hợp với Hiệp hội Chế biến gỗ tổ chức hội thảo “FLEGT và những ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh” cho gần 100 đại biểu đại diện cho 50 DN đang hoạt động trong ngành chế biến gỗ tỉnh Bình Dương. Hội thảo đã giúp các DN hiểu rõ hơn các yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp của gỗ, cũng như những yêu cầu về chất lượng gỗ; các sản phẩm được chế biến từ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam do hiện tại các sản phẩm chế biến gỗ sản xuất chủ yếu được xuất khẩu do đó phải bảo đảm nguồn hàng yêu cầu về chất lượng, xuất xứ rõ ràng, yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ, nhất là đối với thị trường EU. Kinh phí thực hiện lớp gần 13 triệu đồng.
Ngoài ra, TTKC&TVPTCN còn thực hiện chương trình tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT trong việc thuê tư vấn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực, thành lập DN, liên doanh, liên kết trong sản xuất, kinh doanh, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, ứng dụng công nghệ, thiết bị mới. Đặc biệt, trung tâm còn cung cấp thông tin về các công nghệ quảng bá, phát triển thương hiệu như xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh, xuất bản các bản tin, ấn phẩm, xây dựng dữ liệu, trang thông tin điện tử, tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác.
Cần lắm sự vào cuộc của hệ thống chính trị
Thời gian qua, TTKC& TVPTCN đã phối hợp khá tốt với Hội Nông dân thực hiện một số chương trình có lợi cho DN, cơ sở CNNT. Định hướng sắp tới, trung tâm đã đề ra giải pháp đưa hoạt động khuyến công đi vào chiều sâu, nâng tầm hoạt động khuyến công về cả chất và lượng, bằng việc thực hiện tốt chương trình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị: Hội Nông dân, Liên minh hợp tác xã, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công đạt kết quả tốt nhất.
Mắc xích tiên phong trong liên kết ấy chính là thông qua các đơn vị đầu mối quản lý DN như phòng kinh tế huyện, thị, nhất là những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, cũng như các hiệp hội ngành nghề, những tổ chức luôn sâu sát, nắm rõ và có uy tín với các DN trên từng địa bàn, trong từng ngành hàng, nhằm tiếp cận, nắm bắt nhu cầu, khó khăn của cơ sở, DN. Từ đó, tạo ra lực lượng tuyên truyền viên nhiệt huyết trực tiếp tại cơ sở. Đây cũng là cầu nối hai chiều, để có thông tin chính xác về DN, làm cơ sở để khuyến công xây dựng và thực hiện các chương trình đề án hỗ trợ mang tính thiết thực và khả thi, để chương trình phát huy hiệu quả và lan tỏa sâu rộng hơn.
Trong năm 2016, TTKC&TVPTDN đã thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, hỗ trợ cho 7 DN, cơ sở CNNT ở các địa phương phía bắc của tỉnh như Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng, TX.Tân Uyên. Kinh phí được cấp là 810 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của các cơ sở CNNT là 6.263 triệu đồng.
Tóm lại, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp nói chung vẫn còn một khoảng cách khá lớn về trình độ công nghệ, nhân lực và khả năng cạnh tranh giữa các DN, cơ sở CNNT. Để rút ngắn khoảng cách này, TTKC&TVPTCN đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ DN CNNT xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất cùng nhiều chương trình nâng cao năng lực quản trị DN ngay tại DN và các huyện, thị, cơ sở. Và để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trên, TTKC&TVPTCN đã và sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng nhằm huy động tổng lực của hệ thống chính trị cùng làm công tác khuyến công. Đây chính là giải pháp kéo gần khoảng cách giữa các DN, nhằm đưa hoạt động khuyến công tỉnh nhà đi vào chiều sâu, tích cực góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của khối DN CNNT tại Bình Dương.
BẢO ANH