Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, của Bác là công việc hàng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên

Cập nhật: 20-09-2011 | 00:00:00

Xoay quanh Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Giao cho biết:

Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị ban hành ngày 14-5-2011 hết sức quan trọng. Quan trọng ở chỗ là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 01 về triển khai quán triệt, nghị quyết của đại hội. Đến Chỉ thị 03 là “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Điều đó chứng tỏ tính chất quan trọng trong việc chỉ đạo và thực hiện. Nội dung chính của chỉ thị là tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trong đó, mục đích đầu tiên là làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Mục đích thứ hai là tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực. Mục đích thứ ba là góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

 UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Minh Giao trả lời phỏng vấn Báo Bình Dương về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”    Ảnh: QUỐC CHIẾN

Về yêu cầu, thứ nhất là qua việc tổ chức triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đây là công việc thường xuyên hàng ngày, là trách nhiệm cụ thể thiết thân của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ hai là triển khai tổ chức học tập phải đồng bộ, chặt chẽ, kết hợp việc tổ chức học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là biện pháp xây dựng, chấn chỉnh về công tác Đảng. Yêu cầu thứ ba là đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu. Muốn thực hiện được thì phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định của tổ chức Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị và sự giám sát của nhân dân.

- Ông có thể cho biết những nội dung mới và khác so với việc triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trước đây?

- Những năm trước, chúng ta gọi CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và ở mỗi cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có Ban Chỉ đạo. Tuy nhiên lần này, Chỉ thị 03 có nêu và toát lên một hiện thực, không gọi là CVĐ và cũng không có Ban Chỉ đạo (BCĐ). Thay vào đó là tiêu đề: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Điều đó chứng tỏ là Trung ương, cụ thể là Bộ Chính trị xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là không có “đợt” cũng không có “cuộc” (vì như vậy phải có điểm khởi đầu, điểm kết thúc) mà học tập suốt đời, không có điểm dừng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Và trong chỉ thị cũng nêu rất rõ một điểm mới nữa là học tập theo tấm gương đạo đức và “tác phong và phong cách” của Bác, thể hiện trong quan hệ thường ngày bằng những hành vi thiết thực, cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên.

Điểm mới thứ hai trong nội dung này là không có BCĐ thực hiện. Trung ương kỳ này đã chỉ đạo rất rõ việc tổ chức thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là trách nhiệm của cấp ủy mà trước hết là Ban Thường vụ của cấp ủy đó. Ở Trung ương là Bộ Chính trị và ở địa phương là Ban Thường vụ cấp ủy và đứng đầu là đồng chí bí thư cấp ủy có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện việc này. Xem đây là công việc thường xuyên, quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. So với trước đây, việc thực hiện lần này có nâng lên về trách nhiệm, về tính pháp lý, tính trách nhiệm cao hơn. Nếu như trước đây có tình trạng Ban Thường vụ cấp ủy phó mặc cho BCĐ thực hiện việc này, thì bây giờ trách nhiệm được xác định rõ là tập thể cấp ủy và đứng đầu là đồng chí bí thư cấp ủy.

- Như vậy, khi không có BCĐ thì việc tổ chức thực hiện học tập và làm theo Bác sẽ được quán triệt, tổ chức thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Theo Kế hoạch số 03 của Ban Bí thư ngày 1-7-2011) và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, thì thay vào BCĐ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một bộ phận giúp việc cho Ban Thường vụ cấp ủy để thực hiện việc này. Ban Tuyên giáo là cơ quan thường trực giúp việc cho Ban Thường vụ. Cụ thể, ở Trung ương, bộ phận giúp việc được giao cho một đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đứng đầu bộ phận giúp việc. Ở tỉnh Bình Dương chúng ta, Ban Thường vụ cũng đã có quyết định phân công các đồng chí tham gia bộ phận giúp việc. Cụ thể đồng chí Nguyễn Hữu Lộc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được phân công chịu trách nhiệm đứng đầu bộ phận này. Trong thời gian tới đây, ở cấp huyện và cấp xã cũng sẽ có hướng dẫn và thực hiện với mục đích cao nhất nhằm đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, tác phong, phong cách của Bác là công việc hàng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên trong tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

 ĐỖ TRƯỜNG (thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên