Hội chứng sợ Nga từ xưa là gốc gác Chiến tranh Lạnh hiện đại chống Nga

Cập nhật: 30-10-2015 | 10:48:04

Chiến tranh Lạnh cổ điển chống Nga không phải bắt đầu sau năm 1945. Hội chứng sợ Nga cũng không phải đến năm 1917 mới có. Nỗi sợ đó đã có từ rất lâu.

Washington tin rằng cuộc Chiến tranh Lạnh chống nước Nga Xô viết khởi nguồn từ sau năm 1945. Thế nhưng, học giả Canada Jabara Carley nhận xét rằng nguồn gốc của Chiến tranh Lạnh và các hiện tượng “sợ Nga” bắt nguồn từ xa xưa.

Thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh: Flickr.

Giáo sư sử học Michael Jabara Carley thuộc trường Đại học Montreal chỉ ra rằng thời gian này gần như mỗi tuần đều có một nhà báo phương Tây mới tuyên bố về việc bắt đầu một “cuộc chiến tranh lạnh mới” giữa Washington và Moscow, ám chỉ việc Mỹ và NATO gia tăng sức mạnh quân sự ở vùng biên giới với nước Nga và thái độ thù địch chống Nga ở phương Tây, nhưng việc này không chỉ gần đây mới xuất hiện mà đã có cả một quá trình lịch sử lâu dài.

Giáo sư đi vào chi tiết: “Tôi xin được nhắc với độc giả là, cuộc Chiến tranh Lạnh, bắt đầu vào tháng 11/1917 khi những người Bolshevik lên nắm quyền ở Nga... Kinh hãi trước một cuộc cách mạng XHCN ở Nga, khối Hiệp ước Thân thiện Anh-Pháp sẵn sàng quăng tiền cho bất cứ ai nói rằng mình sẽ tham gia cuộc chiến chống người Xô viết. Khối Hiệp ước này đã chủ động gửi quân của mình tới 4 góc xa xôi của Nga để tự tay thực hiện cuộc chiến. Đây là cuộc can thiệp quân sự của phe Đồng minh, kéo dài sang đến năm 1921 ở phía tây và năm 1922 ở Đông Siberia.”

“Quanh quẩn đằng sau nỗi sợ Xô viết vẫn là mấy nước đó thôi, gồm Mỹ, Pháp và Anh”. Tuy nhiên, có một điều không may cho giới chức phương Tây khi ấy là binh sĩ của họ không hứng thú với việc mở một cuộc chiến mới chống lại nước Nga ngay sau cuộc Thế chiến thứ 1 đầy tang thương. Cuộc can thiệp của phương Tây vào nước Nga khi đó kết thúc không mấy vinh quang.

Trong bài viết cho Quỹ Văn hóa Chiến lược, sử gia Canada viết: Đáng lưu ý, “nỗi sợ Nga và sợ Xô viết không biến mất sau khi cuộc can thiệp quân sự của phương Tây thất bại. Trái lại, tình trạng thù địch tiếp tục cho tới tận khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô vào năm 1941”.

Ngoài ra, trong cuốn sách tạm dịch là “Làm thế nào mà Anh và Mỹ tạo ra Đế chế 3”, nhà kinh tế học Mỹ Guido Giacomo Preparata đã làm rõ việc giới chức Mỹ và Anh hỗ trợ cho sự trỗi dậy của Adolf Hitler và nước Đức Quốc xã, lấy đó làm lực lượng nòng cốt để giáng đòn chí tử vào Liên Xô.

Theo Giáo sư Carley, Đại liên minh năm 1941 giữa Mỹ, Anh và Liên Xô giống như một “cuộc hôn nhân bất ngờ” ra đời do sức ép khẩn cấp từ mối nguy chung lúc đó là nước Đức Quốc xã.

Thế nhưng cho dù phải hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề trong Thế chiến 2, cuối cùng Liên Xô vẫn đánh bại được nước Đức Quốc xã.

Kế hoạch tận dụng phát xít Đức bất thành, ban lãnh đạo Anh khi đó chuyển sang phương án 2 là Chiến dịch Unthinkable được xây dựng vào năm 1945 với mục tiêu rải bom hạt nhân lên Liên Xô.

Giáo sư Carley nhấn mạnh: “Bản kế hoạch Chiến dịch Unthinkable của Anh cho thấy nỗi sợ Nga không hề suy giảm trong giới chức Anh. Người Mỹ cùng chung nỗi sợ như vậy. Chúng ta có thể nói rằng Chiến tranh Lạnh bắt đầu ngay khi Thế chiến 2 chưa kết thúc”.

Đến khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, đáng lý ra phương Tây phải không còn sợ Nga nữa.

Thế nhưng phương Tây tiếp tục ám ảnh về Nga. Theo sử gia Carely, nỗi sợ Nga hiện nay mang tính truyền thống, có từ trước Thế chiến thứ nhất.

Nỗi sợ Nga được tiếp thêm động lực từ việc “Mỹ không dung thứ cho bất cứ quốc gia nào không chịu cúi đầu trước chủ nghĩa bá quyền Đại Mỹ”. Ngay cả khi Nga suy yếu vào thập niên 1990 dưới triều đại của Tổng thống Boris Yeltsin, Washington vẫn tiếp tục đẩy mạnh quá trình Đông tiến của NATO tới sát biên giới nước Nga.

Một điều thú vị là, thuật ngữ “chứng sợ Nga” lần đầu được sử dụng bởi Fyodor Tyutchev (1803 - 1873), nhà thơ, nhà ngoại giao và nhà chính trị nổi tiếng người Nga. Ông sử dụng thuật ngữ này để chỉ thái độ thù địch của phương Tây đối với nước Nga vào đêm trước cuộc Chiến tranh Crimea (1854-56) giữa Đế chế Nga và một liên minh gồm các nước Pháp, Anh, Đế chế Ottoman và Sardinia.

Các sử gia cho rằng chiến dịch sợ Nga thực sự bắt đầu từ tận những năm 1820, được người Anh khởi xướng sau khi Nga giành thắng lợi vang dội trước nước Pháp của Napoleon trong các năm 1812-13.

Trong cuốn sách “Vị tướng cấp tiến: Ngài George de Lacy Evans, 1787-1870”, sử gia Mỹ Edward M. Spiers viết rằng: “Thái độ thù địch của nước Anh đối với Nga đã lặp lại theo định kỳ kể từ cuối thế kỷ 18... Điều này trở nên rõ ràng trong những năm sau trận Waterloo. Nỗi sợ về các mục tiêu của Nga ở châu Âu và châu Á nổi lên từ tận năm 1817”.

Người Anh khi ấy đặc biệt quan ngại về sự thống lĩnh của họ ở Trung Á cũng như “mối đe dọa của Nga” đối với các tham vọng bá quyền trong vùng. Theo nhà ngoại giao Anh Edward M. Spiers, vào các thập niên 1820-1830, London nhận định rằng sẽ “không khôn ngoan” nếu để cho Đế chế Nga mở rộng ảnh hưởng đối với vùng Kavkaz, Ba Tư và Afghanistan.

Trong cuốn sách “Xung đột ở Afghanistan: Nghiên cứu về Chiến tranh Bất đối xứng”, Ewans viết: “Sự tồn tại của tâm lý sợ Nga là điều không phủ nhận được”.

Đáng chú ý trong thập niên 1860, nhà dân tộc học và sử học Nga Nikolai Danilevsky đã phê phán bộ máy tuyên truyền phương Tây là đã phát tán các thông tin méo mó cùng những lời “nói dối trắng trợn” về “mối đe dọa từ Nga” và những “tham vọng bành trướng” của Đế chế Nga trong cuốn sách “Nga và châu Âu”.

Giáo sư Carley cảnh báo rằng những ai cả gan tấn công Nga và chọc giận gấu Nga “nói chung đều thể hiện kém trước các đội quân Nga”.

Ông nhấn mạnh: “Thậm chí cả quân Mông Cổ - kẻ đã phá hủy liên minh Kievan Rus (gốc gác của nhà nước Nga, Ukraine, và Belarus sau này), cuối cùng cũng bị tống cổ khỏi đất nga. Những thế lực xâm lược khác, như các kỵ binh Teutonic, Ba Lan, Litva, Thổ, Thụy Điển, Pháp, Đức, chưa kể khối Hiệp ước Thân thiện Anh-Pháp vào giai đoạn 1818-1920, hay quân Nhật từ năm 1918-1922, tất cả cuối cùng đều thất bại về mặt quân sự trước người Nga”.

Sử gia Canada kết luận: “Nỗi sợ Nga nuôi dưỡng sự thù địch ở Mỹ và phương Tây không phải là “một cuộc chiến tranh lạnh mới”. Đó là một kiểu xung đột đã có từ trước năm 1914”./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=773
Quay lên trên