Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh: “Mái nhà chung” ấm áp nghĩa tình

Cập nhật: 14-07-2018 | 07:43:41

 Để tri ân những cống hiến của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) đối với sự nghiệp cách mạng, công cuộc xây dựng đất nước, địa phương, thời gian qua, Bình Dương đã triển khai xây dựng các công trình di tích lịch sử của lực lượng TNXP. Những di tích này đã trở thành “mái nhà chung” của lực lượng TNXP, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

Tri ân từ những công trình

Theo Hội Cựu TNXP tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 800 hội viên cựu TNXP đến từ 40 tỉnh, thành trong cả nước đang sinh sống và làm việc. Rất nhiều hội viên, sau khi cống hiến cho đất nước, trở về địa phương tiếp tục có những đóng góp thiết thực cho các cuộc vận động, phong trào tại địa phương. Mong muốn chung của các cựu TNXP tỉnh là hình thành nên những di tích lịch sử để làm nơi sinh hoạt, tri ân đối với những đồng đội đã hy sinh, nơi giáo dục truyền thống của lực lượng TNXP. Bà Vũ Thanh Phương, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh, cho biết thực hiện chủ trương của Trung ương hội là tìm kiếm, hình thành di tích lịch sử TNXP, Hội Cựu TNXP đã tham mưu, xin chủ trương và phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng các di tích lịch sử gắn với truyền thống của lực lượng TNXP. Với lực lượng TNXP đã từng trải qua chiến tranh, giờ đây khi đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn luôn nhớ đến những đồng đội đã nằm xuống, việc xây dựng các di tích lịch sử của lực lượng TNXP luôn là ước muốn, là khát khao của các cựu TNXP Bình Dương, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh với lực lượng TNXP.

Hoạt động về nguồn của lực lượng cựu TNXP tỉnh tại Công viên Văn hóa Đoàn Thị Liên. Ảnh: C.S

Thể theo nguyện vọng chính đáng của lực lượng cựu TNXP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương xây dựng 2 di tích lịch sử của lực lượng TNXP. Ngày 11-6-2008, UBND tỉnh đã có Quyết Định số 1840/ QĐ-UBND về việc phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Công viên văn hóa Đoàn Thị Liên tại phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát (quê hương của liệt sĩ Đoàn Thị Liên). Sau thời gian xây dựng, công trình đã hoàn thành và khánh thành vào ngày 7-7-2010. Công trình Công viên văn hóa Đoàn Thị Liên đặt trong không gian trước cổng trường học, trụ sở chính quyền, Trung tâm Văn hóa - Thể dục - Thể thao của phường Chánh Phú Hòa rất thuận lợi cho các hoạt động tham quan, về nguồn… Kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, nơi đây đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống lực lượng TNXP. Là địa chỉ sinh hoạt, giao lưu, tổ chức hội thảo của tuổi trẻ và các tổ chức đoàn thể khác. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” tham quan, về nguồn của du khách trong và ngoài tỉnh.

Với hàng ngàn cán bộ cựu TNXP tham gia giải phóng miền Nam, việc xây dựng được một đền để thờ phụng, tưởng nhớ đến đồng đội đã hy sinh trên chiến trường Bình Dương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một nguyện vọng thiết tha, chính đáng. Theo đó, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương xây Đền TNXP tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Công trình Đền bia tưởng niệm TNXP được xây dựng trên khuôn viên 6.402m2 gồm các phân khu chính: Đền và Bia tưởng niệm 95 liệt sĩ TNXP giải phóng miền Nam hy sinh trên đất Bình Dương; Bia căm thù B52 tưởng nhớ người dân Thanh An tử nạn trong các trận bom B52 năm 1969 của Mỹ; Bia liệt sĩ của xã Thanh An; Bia ghi danh 6.000 liệt sĩ của Trung đoàn 16 - đơn vị bộ đội đã chiến đấu và hy sinh oanh liệt trên chiến trường miền Đông.

Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tâm linh được xây dựng trên quê hương Thanh An anh hùng - là nơi thành lập, chiến đấu, phục vụ chiến đấu của các đơn vị TNXP giải phóng miền Nam, trong đó có các đơn vị C112 Phú Lợi căm thù và Đại đội Đoàn Thị Liên của tỉnh Bình Dương. Công trình là nơi ghi nhận sự đóng góp, hy sinh máu xương của lực lượng TNXP giải phóng miền Nam nói chung và TNXP tỉnh Bình Dương nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là công trình văn hóa - lịch sử giáo dục truyền thống chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống TNXP cho nhân dân và thế hệ trẻ tỉnh nhà.

Những “mái nhà chung”

Theo bà Vũ Thanh Phương, với những công trình di tích lịch sử TNXP được xây dựng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, cựu TNXP tỉnh rất hài lòng, đó là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền với lực lượng TNXP. Những di tích lịch sử này đã trở thành những “địa chỉ đỏ”, nơi truyền “lửa” cho thế hệ trẻ địa phương, nơi sinh hoạt của các tổ chức Đoàn, Hội, đồng thời là nơi tham quan của du khách đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

Đối với các hội viên cựu TNXP tỉnh, những di tích lịch sử của hội chính là những ngôi nhà chung ấm áp nghĩa tình đồng đội. Hàng năm, Hội Cựu TNXP tỉnh đều tổ chức các hoạt động về nguồn dâng hương tưởng niệm, ôn truyền thống gắn với các sự kiện lớn của đất nước. “Để các di tích lịch sử này phát huy hiệu quả hơn nữa, Hội Cựu TNXP tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, đồng hành của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn, hội trong việc tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa tại các khu di tích để các di tích này tiếp tục là những địa chỉ đỏ mang ý nghĩa lâu dài về sau, là nơi để các thế hệ đi trước tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng địa phương và truyền thống của lực lượng TNXP”, bà Vũ Thanh Phương nói.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=501
Quay lên trên