Hỏi: Trường hợp người bị tâm thần nhưng không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?
Trả lời: Người mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Những bệnh nhân tâm thần thường sống tự do trong nhân dân địa phương, vì mạng lưới y tế chuyên khoa chưa phát triển rộng khắp nên chưa khám và xác định được họ. Tuy nhiên, ở địa phương nếu không có điều kiện tổ chức khám và xác nhận của cơ quan y tế mà gia đình cam kết và chính quyền địa phương xác nhận họ là người bị tâm thần thì họ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự và không được ghi tên vào danh sách cử tri.
Hỏi: Trường hợp người vừa câm, vừa điếc lại không biết chữ thì có được ghi tên vào danh sách cử tri hay không?
Trả lời: Người vừa câm, vừa điếc không thuộc các trường hợp quy định không được ghi tên vào danh sách cử tri, do đó vẫn được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Về việc viết và bỏ phiếu, nếu họ không tự viết được phiếu bầu thì áp dụng theo quy định: Cử tri nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình kiểm tra và tự bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri; nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Hỏi: Việc xác định người mất trí trong khi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử của công dân được tiến hành như thế nào?
Trả lời: Mất trí là tình trạng mất hết khả năng hoạt động trí óc, khả năng nhận thức, suy nghĩ, phán đoán... Mất trí là một nội dung của khái niệm mất năng lực hành vi dân sự. Việc xác định người bị mất năng lực hành vi dân sự được căn cứ vào quyết định của tòa án hoặc do bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa xác nhận. Người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không được thực hiện quyền ứng cử và bầu cử.
Hỏi: Vi phạm pháp luật về bầu cử là gì? Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Người vi phạm các quy định của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 126 Bộ luật Hình sự quy định về tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân:
1. Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 2 năm:
a) Có tổ chức.
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Điều 127 Bộ luật Hình sự quy định về tội làm sai lệch kết quả bầu cử:
1. Người nào có trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát việc bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm:
a) Có tổ chức.
b) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
SỞ TƯ PHÁP