Trong những năm qua, Hội LHPN huyện Phú Giáo đã đề ra các giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả trong các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia.
Hội LHPN cơ sở tại huyện Phú Giáo thực hiện mô hình “Phụ nữ thu gom phế liệu - trao cây xanh”
Hiệu quả thiết thực
Thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ Bình Dương có sức khỏe, có tri thức, sáng tạo, trách nhiệm”, Hội LHPN huyện Phú Giáo đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện. Vào những ngày lễ, hội triển khai cơ sở hội tổ chức các hoạt động chào mừng với nhiều nội dung phong phú, đa dạng; trong đó tập trung đổi mới nội dung phù hợp với đặc điểm, tình hình và nhu cầu của hội viên. Chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội LHPN huyện luôn quan tâm hỗ trợ phụ nữ về vốn, phương tiện sinh kế và khoa học kỹ thuật để tăng gia sản xuất. Qua đó, 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được hội hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của địa phương.
Trường hợp chị Nguyễn Thị Phương Kiều là hội viên phụ nữ nghèo ở ấp Đồng Chinh, xã Phước Hòa là một điển hình. Để hỗ trợ chị Kiều, Hội LHPN xã Phước Hòa đã trao sinh kế bằng tiền mặt là 3 triệu đồng, giúp chị có thêm vốn buôn bán để vươn lên thoát nghèo. Từ những việc làm ý nghĩa, thiết thực đó không chỉ tạo động lực cho hội viên cố gắng lao động, mà còn thu hút hội viên hưởng ứng, sự quan tâm của xã hội trong hoạt động, phong trào phụ nữ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện còn tích cực vận động các nguồn lực chăm lo phụ nữ và trẻ em khó khăn qua chương trình “Tết bình an, xuân hạnh phúc”, “Mẹ đỡ đầu”, “Triệu phần quà, san sẻ yêu thương”… Các chương trình được cụ thể bằng hoạt động xây tặng mái ấm tình thương và trao học bổng, áo trắng, tập trắng, xe đạp cho học sinh…
Nhân rộng các mô hình
Tại xã An Linh, xã Tân Hiệp, xã Vĩnh Hòa và xã Tam Lập, Hội LHPN cơ sở đã tích cực triển khai thực hiện mô hình “Vườn rau nghĩa tình”. Với mục đích gây quỹ giúp đỡ hội viên nghèo nên cán bộ, hội viên rất nhiệt tình, phân công chăm sóc vườn rau hàng ngày. Hiện tổng diện tích thực hiện mô hình này là khoảng 1.200m2, được trồng xen canh các loại rau, quả như bầu, bí, cải ngọt, đậu bắp, rau lang, mồng tơi, mướp, đậu đũa và các loại rau ăn lá khác.
Các vườn rau của hội đã cho thu hoạch và được dùng hỗ trợ trực tiếp cho hội viên nghèo cải thiện bữa ăn; đồng thời bán để gây quỹ tặng nhiều phần quà nhu yếu phẩm và cho hội viên mượn để làm vốn sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thành quả đem lại từ mô hình không chỉ là sản lượng rau, củ, quả tạo kinh phí, mà còn là tình người, cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Mô hình này sẽ tiếp tục được hội nhân rộng toàn huyện và duy trì hiệu quả để giúp đỡ các trường hợp khó khăn.
Ngoài ra, các cơ sở hội còn triển khai đạt kết quả cao trong công tác vận động hội viên tham gia mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm để giảm nghèo và mua bảo hiểm y tế” và mô hình “Phụ nữ thu gom phế liệu - trao cây xanh - tiết kiệm gây quỹ giúp phụ nữ nghèo”... Các mô hình đã được cán bộ, hội viên tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm. Những kết quả đạt được từ các mô hình sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội, lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, hưởng ứng trồng cây xanh và thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ vĩ đại...
NHƯ Ý - LÝ HUY