Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Sáng 16/11, Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Diễn đàn mang thông điệp “Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tâm kỹ năng lao động Việt Nam.”
Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam.
Cùng dự Diễn đàn có hơn 1.500 đại biểu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục…
Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng lần thứ 4, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người.
Do đó, thay đổi, nhất là ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử… là yêu cầu cấp bách.
Lãnh đạo ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, đến nay, trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Australia; 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức và những trường này được cấp 2 bằng để các học viên tốt nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kết hợp các Bộ ngành của Trung ương và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn với quy mô lớn.
Thủ tướng trân trọng gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến các thầy giáo, cô giáo nhân ngày 20/11 và gần 90.000 thầy cô trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của cả nước, những người góp phần hình thành lực lượng có kỹ năng nghề của Việt Nam.
Đánh giá cao các tham luận tại Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng, đó là những kinh nghiệm tốt, cần tiếp thu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng nhắc lại phát biểu trước Quốc hội rằng nguồn lực phát triển đất Việt Nam không phải rừng vàng biển bạc, mà cái chính đó là gần 100 triệu người Việt Nam. Do đó, kỹ năng lao động, kỹ năng quản trị quốc gia, kỹ năng quản trị ngành, lĩnh vực hay địa phương; nói chung là năng lực trí tuệ, năng lực nghề nghiệp của từng người trong hệ thống quyết định sự phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, nhân lực có kỹ năng, nhất là người có tay nghề cao, đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo đó, tăng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định, trong đó có sự đồng hành của doanh nghiệp phải được coi là trọng tâm đột phá để gắn kết nhu cầu của nền kinh tế với chương trình đào tạo kỹ năng.
Trong 30 năm trở lại đây, gia tăng dân số và lực lượng lao động đã trở thành động lực quan trọng đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia.
Tuy nhiên, kể từ năm 2013, quy mô lao động của Việt Nam đã bắt đầu giới hạn so với quy mô của nền kinh tế và vì lẽ đó nâng cao năng suất lao động của lực lượng lao động có vai trò quyết định trong việc tăng trưởng, trong nỗ lực tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Thủ tướng đánh giá, những năm qua, đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp quốc gia có những bước tiến, bước đầu đáng được ghi nhận.
"Gần đây chúng ta đã ban hành được Luật Giáo dục nghề nghiệp và rất nhiều nghị định, quyết định của Thủ tướng, thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội... tạo tiền đề quan trọng và tới đây chúng ta tiếp tục làm rõ hơn các thể chế này," Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đề nghị tổ chức lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và khẳng định: "Giáo dục nghề nghiệp vẫn giao cho ngành Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quản lý, cái công cuộc này tranh cãi nhiều lắm, nhưng rõ ràng việc giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là đúng đắn và cần thiết để nâng cao tính chuyên nghiệp."
Thủ tướng đánh giá cao việc 3 năm gần đây tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu. Rất nhiều nghề sau khi ra trường đã có 100% có việc làm, bình quân cũng là trên 85%. Chất lượng đào tạo nghề đã tăng 13 bậc theo đánh giá, góp phần tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh quốc gia trong năm 2019.
Nhấn mạnh đến đặc điểm của người Việt Nam khéo léo, tinh xảo, rất giỏi nghề nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp, nhất là các mô hình đào tạo trong doanh nghiệp, trường bên cạnh doanh nghiệp như Thaco Chu Lai, Golf Long Thành, Viettel, VinCom, Vietjet, FPT…
Ở nước ngoài cũng có rất nhiều doanh nghiệp có trường dạy nghề rất tốt như Sam Sung, đào tạo đến vài trăm nghìn lao động... Nhiều cơ chế hợp tác 3 bên Nhà nước-Nhà trường-Doanh nghiệp đã có sự vận hành tốt.
Thắng thắn nhìn nhận những khó khăn, thách thức hay những khuyết điểm trong giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng chỉ rõ: Tỷ lệ lao động qua đào tạo của bằng cấp chứng chỉ nói chung ở Việt Nam còn thấp.
Là một nước có số dân về lao động đứng thứ 3 ở ASEAN, sau Indonesia và Philippines nhưng quy mô lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam chỉ trên 25%, bằng 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... Nhiều nước ty lệ này là 50%. Như vậy lao động có nghề có bằng cấp thấp.
Thứ hai cơ cấu lao động qua đào tạo và xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý. Vẫn còn tình trạng thiếu thày thiếu thợ.
"Vẫn còn tâm lý của cha mẹ là không vào được Đại học mới đi học nghề. Người ta nói là “Nhất nghệ vinh nhất thân vinh” tức là cái “thân vinh” này mà làm tốt, cái giáo dục nghề nghiệp phải được quan tâm; mọi vấn đề xã hội mới được giải quyết," Thủ tướng nhấn mạnh.
Đào tạo chưa phù hợp, mới chỉ có 6% lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp mà 40% lao động ở Việt Nam đang nằm ở khu vực nông thôn nông nghiệp. Nói chung chất lượng đào tạo có chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Thủ tướng yêu cầu, để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì rất cần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong quá trình ấy không thể tách rời việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động.
"Mong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam có khát vọng mãnh liệt hơn nữa sánh ngang cùng các nước tiên tiến khu vực và Thế giới. Chỉ có thế Việt Nam mới đưa được nền kinh tế thăng tiến chuỗi giá trị toàn cầu."
Trên tinh thần đó, Thủ tướng định hướng giai đoạn tới với 3 nguyên tắc. Nguyên tắc 1, cần bám sát hơn nữa nhu cầu thực tiễn của thị trường bảo đảm hài hòa cung cầu lao động có kỹ năng nghề.
Gắn kết chặt chẽ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp thông qua cơ chế ưu đãi khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp vào chương trình đào tạo nghề, chương trình xây dựng kỹ năng nghề quốc gia, chương trình đào tạo đến kiến tập, thực hành đánh giá chất lượng đào tạo, tuyển dụng học viên tốt nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức kết nối Nhà nước-Nhà trường-Doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nguyên tắc 2 là phát triển đào tạo nghề có chuẩn mực chất lượng quốc tế đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đó là kỹ năng chuyên môn và kĩ năng mềm phù hợp với thách thức hội nhập và toàn cầu hóa, xu hướng phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Và nguyên tắc 3 đặc biệt nâng cao tính dự báo, cần hiểu nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu nhân lực, kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp và nhà trường.
Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần thiết kế một khế ước xã hội kêu gọi hợp tác Nhà trường-doanh nghiệp và Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp để gắn kết, đào tạo nhân lực có kĩ năng cao của nền kinh tế..
Doanh nghiệp tham gia xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập.
Nhà trường tạo điều kiện tập trung tạo điều kiện cho các giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn, tiếp nhận kỹ năng mới của doanh nghiệp, nâng cao chất lương giảng dạy, đầu tư trang thiết bị học hành. Chính phủ thực hiện chính sách ưu đãi. Đây coi là việc cần phải làm trong mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh: "muốn trò giỏi phải có thầy hay. Thầy ra thầy. Thợ ra thợ."
Các tỉnh, thành địa phương có trường đào tạo nghề cần có chính sách ưu tiên cho các dự án có sự phối hợp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, từ 10 đến 15% các dự án trên địa bàn. Từ đó gián tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng đề nghị Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất mô hình đào tạo mới về nghề nghiệp, thí điểm mô hình đào tạo học sinh sau Trung học cơ sở vào học Cao đẳng, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình chuyển giao từ nước ngoài.
Đồng thời tiếp tục đẩy nhanh quá trình sắp xếp mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo luật, giảm đầu mối thực hiện công lập đến 2025-2030 theo hướng chất lượng, hiệu quả.
Xây dựng mạng lưới giáo dục nghề nghiệp quốc gia để dự báo ngắn hạn, trung hạn dài hạn về nhu cầu nhân lực, nhu cầu việc làm, nhu cầu ngành nghề, bằng câp trình độ đào tạo, phát triển ứng dụng kết nối nhu cầu lao động.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp các cơ quan liên quan để đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tôn vinh nhân lực có kỹ năng, lập quỹ khen thưởng thu hút giới trẻ tham gia.../.
Theo TTXVN