Hôn lễ hoàng gia - một 'đặc sản' Anh quốc

Cập nhật: 01-04-2011 | 00:00:00

Nước Anh đang hồi hộp chờ đợi hôn lễ của Hoàng tử William và bạn gái lâu năm Kate Middleton. Hãy cùng nhìn lại lược sử hôn lễ hoàng gia Anh để hiểu hơn về một nghi thức truyền thống ở nước này.

 

Theo kế hoạch, chú rể William sẽ mặc bộ đồ truyền thống của hoàng gia Anh được trang trí rất nhiều huy chương. Còn cô dâu Middleton sẽ mặc chiếc váy cưới của nhà thiết kế Anh. Trên tay cô sẽ là một bó hoa giống như Nữ hoàng Victoria mang trong ngày trọng đại trước đây. Đây là công thức chuẩn cho một hôn lễ hoàng gia Anh đã được áp dụng từ nhiều đời trước Hoàng tử William.

 

Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Lễ cưới của Hoàng tử Edward (em trai Thái tử Charles) và nữ bá tước Sophie hay của Thái tử Charles và người vợ thứ hai Camilla được tổ chức một cách rất đơn giản so với những tiêu chuẩn hoàng gia. Cô dâu, chú rể đãi khách bằng một bữa buffet sáng tại lâu đài Windsor.

 

 Hoàng tử William và bạn gái Kate. 

Fiona Macdonald, tác giả cuốn sách Hôn lễ hoàng gia: Một lịch sử đặc trưng, nhận xét rằng những đám cưới hoàng gia ngày nay đã có khác biệt rất nhiều so với quá khứ. Một trong những khác biệt đáng kể nhất là sự xuất hiện ngày một nhiều hơn của những đám cưới chênh lệch về địa vị.

 

Cho tới thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, công thức chuẩn cho một hôn lễ hoàng gia hầu như đã không có thay đổi nào trong suốt 1.000 năm. Các đám cưới hoàng gia thường được sắp xếp vì những lý do chính trị, vương triều và cả mưu đồ quyền lực.

 

Khi ấy, các hôn phu và hôn thê luôn có địa vị hoàng tộc tương xứng. Việc một người trong hoàng gia kết hôn với một thường dân rất hiếm khi xảy ra. Trường hợp được biết đến nhiều nhất là Vua Edward IV cưới một người phụ nữ bình thường có tên Elizabeth Woodville trong thế kỷ 15.

 

Gần hơn với thời đại của chúng ta là trường hợp Hoàng tử Albert (sau này trở thành Vua George VI) cưới Elizabeth Bowes-Lyon, con gái của một quý tộc nhỏ ở Scotland. Lễ cưới này được tổ chức năm 1923 tại tu viện Westminster Abbey ở London. Khi ấy, do là con thứ nên Hoàng tử Albert có nhiều tự do hơn trong việc lựa chọn hôn thê so với anh trai của ông là Hoàng tử Edward III (sau này là Vua Edward III).

 

Tuy nhiên, chính Vua Edward III sau này mới là người gây chú ý nhiều hơn khi tự nguyện từ bỏ ngôi vua để có thể kết hôn với Wallis Simpson - một phụ nữ Mỹ khi đó đã từng một lần ly hôn và đang chuẩn bị cho một cuộc... ly hôn khác. Diễn biến này đã giúp cho Hoàng tử Albert có cơ hội kế vị anh trai của mình để trở thành Vua George VI còn vợ của ông trở thành hoàng hậu Elizabeth.

 

Con gái của họ chính là Nữ hoàng Elizabeth II - người trị vì vương quốc Anh trong suốt gần 6 thập kỷ qua. Khi Nữ hoàng Elizabeth II 11 tuổi, có 5 vị hôn phu tương lai từ 4 hoàng gia nước ngoài đã được đưa vào tầm ngắm. Cuối cùng, bà đã chọn và yêu Hoàng tử Philip của Hy Lạp,người cũng đã từ bỏ tước vị của mình tại quê hương để trở thành phu quân của Nữ hoàng Anh. Lễ cưới của họ cũng được tổ chức tại tu viện Westminster Abbey vào năm 1947.

Hôn lễ hoàng gia Anh thời hiện đại

 

Vào ngày 29-4-2011 tới, hôn lễ của Hoàng tử William và công nương tương lai Kate Middleton cũng sẽ được diễn ra tại tu viện Westminster Abbey. Tuy nhiên, thực tế là nhà thờ này chỉ trở thành nơi cử hành hôn lễ hoàng gia trong một số năm ít ỏi so với hơn 1.000 năm lịch sử tồn tại của nó.

 

Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các đám cưới hoàng gia được tổ chức tại các nhà thờ hoặc cung điện hoàng gia. Khi chiến tranh nổ ra, hoàng gia Anh hiểu rằng họ cần phải từ bỏ những ảnh hưởng từ nước Đức và tăng cường mối quan hệ với người dân ở vương quốc Anh. Vì thế, Vua George V đã đổi tên họ mang hơi hướng Đức của hoàng gia thành Mountbatten còn tên của triều đại thành Windsor.

 

Ông cũng khuyến khích việc sử dụng tu viện Westminster Abbey để tổ chức các hôn lễ hoàng gia. Đây là một nhà thờ Anh kiểu mẫu, được xây dựng bởi một vị vua và là nơi các vị vua và nữ hoàng Anh làm lễ đăng quang theo truyền thống. Diện tích lớn của nhà thờ cũng giúp các hôn lễ hoàng gia có thể được cử hành với sự góp mặt của nhiều khách mời hơn trước.

 

Trong suốt thế kỷ 20, những đám rước lớn qua các đường phố là một nét đặc trưng trong hầu hết các hôn lễ hoàng gia. Các đường phố được trang hoàng lộng lẫy và đôi khi đây cũng là nơi để tổ chức những bữa tiệc. Việc chia sẻ một nghi lễ hoàng gia với những người dân bình thường mang lại một tác động xã hội lớn lao ở nước Anh.

 

Đám cưới của Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philipp được coi là một hôn lễ hoàng gia điển hình của thời hiện đại. Nữ hoàng mặc một chiếc áo dài được làm từ lụa tơ tằm Trung Quốc, có trang trí bằng những biểu tượng ái quốc. Trong khi đó, Hoàng thân Philipp mặc một bộ trang phục hải quân với những huy chương mà ông có được trong thời gian tại ngũ.

 

Sau khoản phục trang là những nghi lễ truyền thống. Nữ hoàng Elizabeth II tới đặt hoa trên mộ của các liệt sĩ vô danh giống như những nữ hoàng khác đã làm trong quá khứ. Sau đó, từ ban công của cung điện Buckingham, bà và vị hôn phu của mình vẫy tay với đám đông những người tới chúc phúc cho họ.

 

Kế đến, tân lang và tân nương cùng nhau dùng những món ăn Pháp được đặt tên theo địa vị tôn quý của họ. Và khi ấy, lần đầu tiên một đám cưới hoàng gia Anh đã được truyền trực tiếp qua một hệ thống phát thanh quốc tế. Đó cũng là lần đầu tiên các nhà quay phim được phép vào tu viện Westminster Abbey, dù chỉ là để ghi những khung hình từ phía sau của vợ chồng nữ hoàng đang làm lễ trước bàn thờ Chúa.

 

Khi kỹ thuật điện báo phát triển, những sự kiện lớn của hoàng gia Anh đã trở thành tin tức nóng hổi được truyền sang phía bên kia bờ Đại Tây Dương và khắp mọi ngõ ngách ở vương quốc Anh. Năm 1923, Tổng Giám mục Canterbury đã không thông qua việc lễ cưới của Hoàng từ Albert được truyền trực tiếp trên sóng phát thanh vì lo ngại người dân có thể lắng nghe trong các quán rượu khi vẫn đang... đội mũ. Thay vào đó, một đoạn phim câm về lễ cưới đã được chiếu tại các rạp trên toàn cầu.

 

Đám cưới hoàng gia Anh đầu tiên được truyền hình trực tiếp là hôn lễ của Công chúa Margaret và Huân tước Snowdon vào năm 1960. Tuy nhiên, phải mất 21 năm sau đó, khán giả truyền hình mới lại được chứng kiên tiếp cho những lời thề nguyền hẹn ước trong một hôn lễ hoàng gia Anh khác. Đó là khi Thái tử Charles và Công nương Diana Spencer nên duyên vợ chồng.

 

Cho tới những hôn lễ sau này của Hoàng từ Edward và nữ Bá tước Sophie hay của Thái tử Charles và Camilla, luôn có một sự pha trộn giữa cũ và mới trong những nghi thức tiến hành. Những lễ cưới này đều được ghi hình lại nhưng diễn ra thân mật và ít mang tính chất trịnh trọng hơn.

 

Tuy nhiên, khi Hoàng tử William và bạn gái Kate Middleton cử hành hôn lễ vào cuối tháng 4, một nghi thức trang trọng nhất có thể nhiều khả năng sẽ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu của hoàng gia Anh. Bởi lẽ, đó sẽ là lễ cưới của vua và hoàng hậu Anh trong tương lai.

 

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=525
Quay lên trên