Hướng đến không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Cập nhật: 13-04-2016 | 07:03:11

 Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bơm nước, hóa chất độc hại vào thịt gia súc, gia cầm đang là vấn đề đáng báo động hiện nay. Để tìm ra hướng giải quyết phù hợp cho thời gian tới, sáng qua (12-4), tại Bình Dương, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Nam”. 

Tham dự diễn đàn có ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế; Chi cục Thú y, doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và nông dân 7 tỉnh khu vực phía Nam.

Các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện tại, tình trạng lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi đã cơ bản được ngăn chặn bởi có sự vào cuộc, kiểm tra thường xuyên của các ngành chức năng. Ông Việt cho biết thêm không phải toàn bộ sản phẩm thịt bán trên thị trường đều có chất cấm, mà chỉ có một số ít sản phẩm của các trang trại nhỏ lẻ thông qua thương lái và người tiếp thị cung cấp chất salbutamol trộn trực tiếp vào thức ăn cho heo.

Các bộ ngành Trung ương và địa phương trong cả nước đang nỗ lực đẩy lùi chất cấm trong chăn nuôi. Trong ảnh: Các đại biểu tham dự diễn đàn đến tham quan một cơ sở giết mổ gia súc tại TX.Dĩ An, Bình Dương. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Để làm rõ thực trạng việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng chất salbutamol, thời gian qua Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an đã phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) điều tra về số lượng nhập khẩu chất salbutamol. Theo đó, năm 2014 và 2015, các công ty dược trong cả nước đã nhập khẩu 9.140kg salbutamol, trong đó có 6.248kg salbutamol được bán ra ngoài không đúng đối tượng, sai mục đích.

Theo đại diện các ngành chức năng, thời gian gần đây, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng xử lý triệt để những hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm và nâng cao nhận thức của người dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng trong việc ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trên thị trường không còn hiện tượng công khai bày bán những sản phẩm quáng cáo là “siêu tăng trọng, bông đùi, nở vai” có chứa salbutamol.

Ông Việt khẳng định tình hình nhập khẩu, kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi đến thời điểm này đã được ngăn chặn, tạo sự chuyển biến căn bản so với tình hình từ trước tháng 10-2015. Hiện tại, chỉ còn một số ít trang trại thông qua thương lái và người tiếp thị cám cung cấp chất salbutamol trôi nổi trên thị trường trộn trực tiếp thức ăn cho heo.

Nâng cao nhận thức cho mọi người

Cách nhận biết thịt heo dùng chất cấm

Giáo sư, tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết gần đây, vấn đề sử dụng chất tạo nạc, chất tạo màu trong chăn nuôi đã gây hoang mang trong dư luận người tiêu dùng. Những chất này khi đi vào cơ thể động vật sẽ dễ dàng lưu lại trong thịt. Người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính và mãn tính với các triệu chứng rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, nguy cơ sẩy thai…

Bà Hảo cũng chỉ ra cách nhận biết heo chứa chất cấm để người tiêu dùng nhận biết: Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh. Thịt heo có chứa các độc chất thuộc nhóm agonist thường có màu đỏ khác thường, sáng bóng và có những quầng đỏ thâm dưới da. Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc có sử dụng hóa chất. Heo dùng chất cấm, khi giết thịt thì thịt thường có màu đỏ sậm ngả sang đen, mất đi tính hấp dẫn vốn có.

Theo ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, để giảm thiểu tình trạng lạm dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi, việc đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng chất cấm và tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAP... Từ đó làm thay đổi nhận thức của người chăn nuôi, quan tâm đến chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Tại Bình Dương, việc tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, chất thay thế chất cấm sử dụng trong các mô hình khuyến nông đã và đang được ngành chức năng của tỉnh triển khai một cách tích cực và hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết trung tâm đã và đang triển khai chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật về đệm lót sinh học đến người chăn nuôi. Đây là giải pháp quan trọng góp phần hạn chế việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuyên truyền, trung tâm đã giới thiệu đến các hộ chăn nuôi sử dụng men vi sinh hoạt tính trộn vào thức ăn cho heo có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Ngoài ra, để từng bước ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thời gian qua Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh đã tổ chức cho người chăn nuôi, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y và các công ty sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng nhằm ngăn chặn, tiến tới giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đồng thời xây dựng và phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tỉnh Bình Dương xác định việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết diễn đàn này là một hoạt động rất có ý nghĩa, phù hợp với tình hình thực tế nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra xung quanh việc sử dụng và quản lý chất cấm trong chăn nuôi. Diễn đàn được tổ chức đúng vào đợt cao điểm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kế hoạch kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn nông sản góp phần cung cấp thông tin, kiến thức vềchất cấm vàkháng sinh cho người chăn nuôi, người tiêu dùng nhằm xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn để hội nhập thành công với kinh tế quốc tế.

Sử dụng thức ăn ủ men trong chăn nuôi hiệu quả hơn
thức ăn công nghiệp

Anh Nguyễn Phi Long, ngụ ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, cho hay trại heo của anh hiện có khoảng 400 con với gần 100 heo nái và đã hơn 2 năm anh sử dụng thức ăn ủ men. Kết quả khi sử dụng thức ăn ủ men đã giúp anh tiết kiệm so với thức ăn công nghiệp hiện nay là 570.000 đồng/con. Như vậy, với khoảng 600 con heo thịt nuôi xuất chuồng, hàng năm sẽ cho gia đình anh thêm lợi nhuận hơn 340 triệu đồng. Anh Long cho biết thêm sử dụng thức ăn ủ men cho heo ăn còn cho kết quả tốt hơn so với sử dụng thức ăn công nghiệp ở nhiều yếu tố khác. Cụ thể, đối với heo nuôi thịt giúp giảm mùi hôi trong chăn nuôi, giảm 80 - 90% bệnh tiêu chảy ở heo. Khi dùng thức ăn ủ men, giá thức ăn giảm khoảng 10% và rút ngắn thời gian nuôi từ 10 - 15 ngày so với cách thức nuôi truyền thống.

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=875
Quay lên trên