Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, khi mà các loại hình đa phương tiện chiếm ưu thế, thì một bộ phận người dân, nhất là lớp trẻ đang “hờ hững” với văn hóa đọc. Vậy làm sao để thu hút mọi người tìm đến và đam mê đọc sách? Đó là câu hỏi mà nhiều người quan tâm.
TV tỉnh trưng bày sách thu hút đông đoàn viên thanh niên đến tìm hiểu. Ảnh: T.LÝ
Thực trạng
Có lẽ người nhận thấy sự thay đổi về thực trạng “hờ hững” với sách, với văn hóa đọc rõ nhất đó là những người làm công tác thư viện (TV). Với họ, đó là nỗi buồn cho chính những quyển sách xếp hàng dài trên kệ mà ngày ngày họ cất công bảo quản, gìn giữ như một báu vật lại thiếu vắng người quan tâm. Cô Nguyễn Thị Út, cán bộ TV TX.Dĩ An với hơn 30 gắn bó trong nghề tâm sự, trước đây có ngày TV chưa mở cửa đã có nhiều em học sinh, sinh viên đứng chờ sẵn để có thể vào đổi, mượn những cuốn sách hay về đọc, tham khảo. Nhưng hiện nay, số lượng các bạn trẻ tìm đến TV ít hơn các cô chú lớn tuổi. Nhìn cảnh đó, những người “giữ ấm” cho sách như cô cảm thấy buồn vì các bạn thờ ơ với kho tàng kiến thức khổng lồ từ sách.
Lướt qua các phòng đọc truyền thống hệ thống các TV trong tỉnh, tâm sự của cô Út cũng là thực trạng chung. Trái ngược với cảnh đìu hiu ở phòng đọc truyền thống, tại phòng đọc điện tử “đông độc giả” hơn. Song, bên cạnh những người tra cứu thông tin thực sự lại có lượng khá đông bạn đọc dùng máy tính để lướt facebook hay tìm hiểu các trang báo lá cải về thần tượng mình yêu thích.
Ở TV thì như vậy, dạo qua một số cửa hàng sách trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một đều khá vắng những người tìm mua những cuốn sách yêu thích, thay vào đó, ở các quán cà phê, rất nhiều người ngồi hàng giờ bên chiếc máy vi tính để truy cập internet, đọc sách báo trên mạng. Một vài cửa hàng trước đây chuyên bán sách cũ, truyện tranh nay chuyển sang bán sách giáo khoa, sách tham khảo và văn hóa phẩm để hoạt động cầm chừng. Ông Hồng, Chủ tiệm sách cũ trên đường Yersin tâm sự: “Tôi mê sách nên mở tiệm sách cũ này hơn 20 năm nay. Trước đó, tiệm của tôi rất đông người đến mua, trao đổi sách cũ nhưng giờ ít đi. Con, cháu tôi khuyên nên đóng cửa tiệm nhưng tôi vẫn muốn duy trì hoạt động vì tình yêu dành cho sách quá lớn. Ngày nào không nhìn thấy sách, không đọc một cuốn sách hay, tôi cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó ý nghĩa của cuộc đời”.
Nỗ lực truyền đam mê
Thực trạng về sách và văn hóa đọc trong thời đại công nghệ thông tin ở Bình Dương có lẽ cũng là tình trạng chung trên toàn quốc. Song, các cơ quan chuyên môn tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm thay đổi tình hình, thu hút và khơi gợi niềm đam mê đọc sách. Trong đó, phải kể đến nỗ lực của hệ thống TV công cộng và TV tỉnh trong đổi mới hình thức hoạt động, thu hút bạn đọc những năm gần đây.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc TV tỉnh nói, bên cạnh duy trì hình thức mượn, đọc cá nhân, TV từ tỉnh đến cơ sở đều khuyến khích cho mượn sách theo các đơn vị tập thể, cho các lực lượng vũ trang, các trường học... Hệ thống TV đã tiếp tục liên hệ trực tiếp với các trường học tổ chức cấp thẻ và phục vụ lưu động tại các trường tạo mọi điều kiện để cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh... được đọc sách một cách tốt nhất. Riêng TV tỉnh với phương châm “Sách đi tìm người”, TV đã tăng cường luân chuyển sách phục vụ ngoài TV. Trong năm 2016, TV tỉnh đã luân chuyển 32.110 bản sách về các trường, trung tâm, trại giam, công ty và các điểm Bưu điện văn hóa xã và các khu nhà trọ công nhân, phục vụ 148.738 lượt bạn đọc, luân chuyển 743.690 lượt sách.
Không những chú trọng hình thức tra cứu, đọc sách truyền thống, hệ thống các TV cũng đã có phần mềm quản lý sách, thư mục sách. Theo đó, người đọc cần có thể tra cứu trên máy tính để biết chính xác mã sách, tên sách mình cần một cách nhanh nhất. Mặt khác, hệ thống các TV còn tổ chức các hội thi tìm hiểu về sách để thu hút độc giả đến với sách, nói lên tình yêu dành cho sách. Từ những hội thi lan rộng niềm đam mê đọc sách, giúp mọi người biết được giá trị của những cuốn sách hay.
Nói về việc phát huy văn hóa đọc, ông Huệ cho biết thêm, đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thiết nghĩ, việc giữ gìn, phát huy văn hóa đọc rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội mà trước tiên văn hóa đọc bắt nguồn từ gia đình qua việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách ngay từ thuở ấu thơ.
THIÊN LÝ