Huyện Dầu Tiếng: Nhiều chính sách giảm nghèo và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Cập nhật: 13-07-2022 | 04:50:15

UBND huyện Dầu Tiếng vừa có cuộc họp xoay quanh các nội dung về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Đi cùng đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất quê hương.

 Nông dân Nguyn Văn T, p Sui Cát, xã Thanh Tuyn đang chài cá để đãi khách phương xa ghé thăm sau v mùa bi thu

 Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh

Thống kê của UBND huyện Dầu Tiếng cho thấy đến cuối năm 2021, toàn huyện chỉ còn 260 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,75% và 342 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,98% trên tổng số 34.823 hộ dân. Đây là con số khẳng định về những biến chuyển tích cực trong chất lượng cuộc sống người dân nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.

Để có được thành quả này, thời gian qua hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo hướng tới đối tượng là các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn trên địa bàn. Trong đó, chương trình tập huấn đào tạo nghề nông thôn, chương trình hỗ trợ người dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế và chương trình kết nối, hỗ trợ nông dân tìm đầu ra sản phẩm là những giải pháp chiến lược giúp chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt kết quả cao.

Trở lại Thanh Tuyền, Long Hòa vào những ngày đầu tháng 7-2022, chúng tôi như bị mê hoặc bởi sự phát triển, đổi thay của vùng đất này. Đấu nối trực tiếp với những tuyến đường giao thông huyết mạch là các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khá khang trang, bài bản. Những ngôi nhà mái thái, nhà lầu nằm dọc các tuyến cũng bắt đầu mọc lên như nấm, thể hiện sự khá giả trông thấy của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tỵ, người dân ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, cho biết nhờ có chính sách giảm nghèo với nhiều chương trình hỗ trợ mà địa phương triển khai, điều kiện kinh tế của người dân ấp Suối Cát đã có nhiều biến chuyển tích cực. Ông Tỵ ước tính, hiện nay đại đa số người dân ở Suối Cát nói riêng và Thanh Tuyền nói chung đã có điều kiện kinh tế khá ổn định, thậm chí là khá giả. Những hộ dân vốn là hộ nghèo ngày xưa, nhờ vào chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp của huyện giờ đây cũng đã trở thành chủ trang trại trồng trọt, chăn nuôi với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều chính sách hỗ trợ người dân

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết công tác giảm nghèo gắn liền với các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và quy hoạch, phát triển đô thị. Thời gian qua huyện đã tập trung nguồn lực, triển khai các đoàn công tác đi sâu, đi sát tìm hiểu tình hình thực tế của các hộ dân để đưa ra phương án hỗ trợ phù hợp. Đối với trường hợp những hộ dân có nhu cầu học nghề để đi làm tại các công ty, xí nghiệp, địa phương sẽ phối hợp các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức các khóa học nghề chuyên sâu. Sau khi hoàn thành khóa học, người dân sẽ được công ty, xí nghiệp nhận vào làm việc.

Đối với những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế, huyện cũng có phương án hỗ trợ, như: Đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ người dân đi tham quan, học tập các mô hình kinh tế, hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mua trang thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để người dân không phải bị động, loay hoay với bài toán tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện sẽ phối hợp Sở Công thương và các doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi cung ứng thị trường trên địa bàn tỉnh hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong năm 2022 huyện kỳ vọng giảm từ 0,3 - 0,5% tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện; bảo đảm thực hiện hiệu quả và đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo trên địa bàn huyện theo hướng tiếp cận đa chiều nhằm mục tiêu thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách giảm nghèo của huyện tới chính quyền, đoàn thể các cấp và tới từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân.

Liên quan đến công tác hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, lãnh đạo huyện Dầu Tiếng cũng có hướng chỉ đạo sâu sát tới các phòng ban, địa phương và các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn. Trong đó, nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đóng vai trò chủ lực. Hiện gói vốn vay ưu đãi hỗ trợ người dân phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách xã hội có mức lãi suất khá hấp dẫn, chỉ từ 2%/năm tính trên tổng dư nợ gốc. Với mức lãi suất này, người dân có thể yên tâm đầu tư chuyển đổi, nâng cấp mô hình kinh tế mà không phải lo lắng về việc trả nợ ngân hàng.

 Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông thôn mới theo định hướng quy hoạch phát triển thương hiệu đặc sản cho từng địa phương, thời gian qua huyện Dầu Tiếng đã triển khai chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nâng cao và mở rộng trên địa bàn 12 xã, thị trấn. Theo đó, bên cạnh một số thương hiệu đặc sản đã được thị trường ghi nhận và tin dùng như măng cụt Thanh Tuyền, cây có múi Minh Hòa, yến Minh Tân, nấm Long Hòa… thời gian tới Dầu Tiếng tiếp tục có phương án hỗ trợ người dân tập trung phát triển thương hiệu gắn liền chất lượng các dòng sản phẩm đặc sản mới. Đây cũng là chương trình phát triển kinh tế liên thông gắn liền với đề án phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn mà địa phương đang hướng tới.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1078
Quay lên trên