Huyện Dầu Tiếng: Nhiều giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa

Cập nhật: 03-04-2024 | 09:16:16

Trong những năm qua, huyện Dầu Tiếng đã có nhiều nỗ lực thực hiện các chính sách xã hội hóa (XHH) trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa thể thao… nhằm nâng cao đời sống của người dân. Bước đầu huyện đã đạt được những kết quả tích cực nhờ có sự đồng thuận và chung tay từ các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng.

Việc kết hợp nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao của huyện Dầu Tiếng bước đầu đạt kết quả tốt. Trong ảnh: Thanh thiếu niên tham gia luyện tập thể dục thể thao tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng

 Từng bước đạt kết quả tốt

Thời gian qua, chính sách XHH luôn được sự quan tâm và triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị huyện Dầu Tiếng nhằm phát huy các nguồn lực của xã hội vào công tác giáo dục, y tế và văn hóa, thể thao của huyện. Nhờ công tác XHH phát triển, nhiều trường lớp, nhóm lớp tư thục ra đời. Huyện cũng huy động được kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trang bị trong các trường công lập. Bên cạnh đó, huyện đã huy động được nguồn lực xã hội để mua sắm trang thiết bị dạy học, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó học giỏi... Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của huyện từng bước được cải thiện.

Trường Mầm non Ánh Sáng (thị trấn Dầu Tiếng) là một trong những trường mầm non tư thục có quy mô lớn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có 7 nhóm lớp với 247 trẻ. Cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết nguồn kinh phí của nhà trường là từ tự thu chi tiền học phí của phụ huynh, không có ngân sách hỗ trợ. Nhà trường cũng huy động sự hỗ trợ từ phụ huynh để cải tạo hệ thống sân vườn trường, bổ sung bộ đồ chơi ngoài trời, trong lớp... để tạo nên diện mạo mới cho trường, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Đặc biệt, nhiều trẻ có hoàn cảnh khó khăn cũng được nhà trường hỗ trợ miễn, giảm học phí…

Bên cạnh đó, việc kết hợp nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao của huyện bước đầu đạt kết quả tốt, phục vụ nhu cầu tập luyện của quần chúng nhân dân. Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng có diện tích khoảng 24 ha được đầu tư xây dựng cơ bản, gồm: Sân tennis, hồ bơi thiếu nhi, nhà thi đấu đa năng và một khán đài sân bóng đá 300 chỗ ngồi, nhà thiếu nhi, hội trường nhà hát và một số thiết chế văn hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi của người dân. Trung tâm cũng đã thực hiện công tác XHH được 2 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo với hình thức thỏa thuận thuê địa điểm, nguồn vốn tự cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Ngoài ra, trung tâm còn có một quán cà phê được đầu tư theo hình thức góp vốn của các cá nhân…

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Dầu Tiếng, cho biết việc kêu gọi đầu tư XHH vào trung tâm chưa thực sự thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia. Hiện nay, trung tâm chưa xây dựng được đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê liên doanh, liên kết. Do đó, trung tâm rất cần sự quan tâm, hướng dẫn của cấp trên để công tác XHH của trung tâm được thực hiện theo đúng quy định.

Vẫn còn khó khăn

Theo đánh giá, đến nay tuy có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội nhưng kết quả thực hiện công tác XHH trên địa bàn huyện Dầu Tiếng vẫn chưa đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực cũng như số lượng công trình XHH trên từng lĩnh vực chưa đạt như kỳ vọng.

Một trong những nguyên nhân chính đó là huyện Dầu Tiếng có địa bàn tương đối rộng, đa số là lao động nông nghiệp và công nhân cao su, thu nhập chưa cao và thiếu ổn định; việc sử dụng các dịch vụ văn hóa, thể thao còn rất khiêm tốn nên các tổ chức, cá nhân còn chưa mạnh dạn đầu tư XHH vào các hoạt động văn hóa, thể thao vì lo khả năng thu hồi vốn chậm. Mặc dù kết cấu hạ tầng của huyện được cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay do địa phương cách xa các trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh…

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh cuối tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết dù được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhưng do nhiều nguyên nhân mà việc thu hút đầu tư lĩnh vực XHH chưa đáp ứng yêu cầu của địa phương. Trong thời gian tới, huyện Dầu Tiếng tiếp tục nỗ lực tháo gỡ các khó khăn để thực hiện các chính sách khuyến khích XHH một cách hiệu quả, bảo đảm hỗ trợ thiết thực cho người dân. Huyện cũng mong muốn các sở, ngành của tỉnh có những văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục liên quan đến công tác XHH nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện công khai hóa, đơn giản hóa thủ tục thuê đất, giao đất, các chính sách miễn giảm, ưu đãi về thuế để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận.

 Theo báo cáo của UBND huyện Dầu Tiếng, trong giai đoạn 2008-2023, việc thực hiện chính sách khuyến khích XHH trên địa bàn huyện đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các dự án đã đầu tư và đưa vào hoạt động chủ yếu tập trung ở các trường mầm non. UBND huyện và Phòng Văn hóa - Thông tin đã vận động các tổ chức kinh tế, nhân dân tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu của người dân với tổng kinh phí đầu tư trên 86 tỷ đồng…

 HỒNG PHƯƠNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=797
Quay lên trên