Nội các Hy Lạp đã tuyên bố ủng hộ quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu nguy khu vực đồng euro. Châu Âu rơi vào tình trạng hoang mang. Chưa bao giờ khu vực đồng euro lại cận kề sự tan vỡ như hiện nay.
Quyết định của Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cho tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch chống khủng hoảng mà châu Âu đưa ra đã khiến tương lai khu vực đồng euro bị đe dọa nghiêm trọng.
Cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Fitch cảnh báo là sự tồn tại của khu vực đồng euro bị đe dọa nếu người dân Hy Lạp nói “không” với kế hoạch của châu Âu.
Đây cũng là điều mà châu Âu lo sợ nhất: viễn cảnh khu vực đồng euro bị “gỡ” dần dần - sau khi Hy Lạp ra khỏi eurozone thì phải chăng sẽ đến lượt Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, những quốc gia cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, đưa ra động thái tương tự?
Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou.
Đã từ lâu, giới quan sát cảnh báo, sự tan rã của khu vực đồng euro đe dọa sự tồn tại của Liên minh châu Âu.
Châu Âu và các đối tác đã tỏ thái độ kinh ngạc và bất bình mạnh mẽ vì kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp, cứu nguy đồng euro vừa mới được toàn thể 17 thành viên khối euro, trong đó có Hy Lạp thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh vào tuần trước. Mặt khác, các lãnh đạo châu Âu lại không được hề được báo trước là Athens sẽ tổ chức trưng cầu dân ý.
Do vậy, châu Âu hôm qua đã yêu cầu Thủ tướng Hy Lạp đến Cannes (miền nam nước Pháp), nơi chuẩn bị khai mạc hội nghị G20, để giải thích quyết định cho tổ chức trưng cầu dân ý.
Tham dự cuộc họp kín này có Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy, chủ tịch Ủy ban châu Âu José Baroso, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, lãnh đạo nhóm eurogroup Jean-Claude Juncker.
Do không thể phản bác tính chính đáng trong việc tổ chức trưng cầu dân ý của chính phủ Hy Lạp, các lãnh đạo chính trị châu Âu sẽ hối thúc Athens làm việc này càng sớm càng tốt, trong khoảng 6 tuần tới, kể từ hôm nay.
Mặt khác, châu Âu cũng muốn chính quyền Hy Lạp hỏi ý kiến của người dân một cách rõ ràng rằng họ có muốn Hy Lạp ở trong khu vực đồng euro hay không?
Không loại trừ khả năng Hy Lạp tuyên bố phá sản?
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ngày 26-27.10 vừa qua, sau 10 giờ thương lượng, các lãnh đạo châu Âu mới đạt được một kế hoạch giúp Hy Lạp, cứu nguy khu vực đồng euro.
Cụ thể là các ngân hàng tư nhân sẽ xóa 50% số nợ cho Hy Lạp, tương đương 100 tỷ euro, châu Âu sẽ cho Hy Lạp vay 100 tỷ từ nay đến 2014 và đứng ra bảo lãnh 30 tỷ euro. Một phần tiền này sẽ được dùng vào việc tăng vốn cho các ngân hàng Hy Lạp, có nghĩa là các cơ sở tài chính của Hy Lạp sẽ đặt dưới sự giám sát của châu Âu.
Các ngân hàng khác của châu Âu cũng sẽ được cung cấp thêm vốn, nâng mức vốn tự có từ 5% lên 9%, giúp đối phó tốt hơn với khủng hoảng. Khả năng can thiệp của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (FESF) sẽ được tăng cường, từ 440 tỷ euro lên thành 1000 tỷ euro.
Giờ đây, với quyết định mới nhất của nội các Hy Lạp, kế hoạch này có nguy cơ bị phá sản.
Lãnh đạo khối eurogroup Jean Claude Juncker nhận định là không loại trừ khả năng Hy Lạp tuyên bố phá sản.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick ví cuộc trưng cầu dân ý như chơi xổ số. Nếu đa số dân Hy Lạp nói “không” thì tình hình sẽ hỗn loạn như một cái chợ.
Một số nhà phân tích cho rằng, tình hình chính trị nội bộ Hy Lạp buộc Thủ tướng Papandreou phải tổ chức trưng cầu dân ý. Ông không có một sự lựa chọn nào khác, vì phe đối lập kiên quyết từ chối mọi sự hợp tác với chính phủ để thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà châu Âu áp đặt, trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối ngày càng lan rộng trong xã hội.
Tổng hợp