Sự trở lại quê hương của ông Mohammed El-Baradei sau nhiều năm đảm nhận chức vụ Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã làm chấn động cục diện chính trị tại Ai Cập hôm 19-2 vừa qua.
Mohammed El-Baradei
Sự đón tiếp nhiệt tình của người dân cộng với tuyên bố sẽ tham gia tranh cử tổng thống vào năm tới và thành lập “Liên minh quốc gia vì sự thay đổi” của ông El-Baradei đang là những mối lo ngại lớn cho chính quyền Tổng thống Hosni Moubarak, vốn nắm quyền từ gần ba thập niên gần đây. Tuy nhiên, cơ hội giành chiến thắng của ông El-Baradei là rất nhỏ.
Hàng nghìn người dân Ai Cập, thuộc mọi tầng lớp và độ tuổi, đã tụ tập từ sáng sớm ở bên ngoài sân bay Cairo hôm 19-2 vừa qua với nhiều băng rôn mang dòng chữ "Tổng thống El-Baradei" để chào mừng sự trở về của ông El-Baradei. Tất cả đều như đang trông ngóng một điều gì rất quan trọng. Chả thế mà mãi đến tận chiều, mặc cho đói và khát nhưng không ai bỏ về mà lượng người kéo đến ngày một đông hơn.
Tất cả đều hướng mắt về phía sân bay để chờ đợi người có thể biến hy vọng của họ thành hiện thực, hy vọng về sự thay đổi chính trị tại Ai Cập. Đúng 17 giờ cùng ngày, máy bay đưa ông El-Baradei đáp xuống sân bay, dòng người nháo nhào để được nhìn mặt vị cứu tinh trong tương lai của họ. Do dòng người quá đông, ông El-Baradei đã không thể có phát biểu gì ngay tại sân bay mà chỉ vẫy chào những người ủng hộ mình rồi lên xe riêng. Đám đông lúc đó mới dần giải tán.
Lý do của sự ủng hộ nhiệt thành trên của người dân đối với ông El-Baradei xuất phát từ những lời tố cáo công khai gần đây của nhân vật từng đoạt giải Nobel Hòa bình này với chế độ chính trị tại Ai Cập hiện nay. Ông El-Baradei, năm nay 67 tuổi, đã có nhiều tuyên bố trong những tháng gần đây kêu gọi dân chủ hóa chế độ của Tổng thống Hosni Moubarak, nắm quyền trong suốt 29 năm qua.
Phát biểu trên kênh truyền hình Dream của Ai Cập một ngày sau khi trở về, ông El-Baradei khẳng định quyết tâm làm hết sức mình để Ai Cập tiến tới một nền dân chủ thực sự với nền kinh tế phát triển và tiến bộ xã hội. "Tôi muốn trở thành một công cụ để thay đổi.
Tôi sẵn sàng tham gia hoạt động chính trị tại Ai Cập nếu người dân cần, với điều kiện là những cuộc bầu cử phải tự do và việc làm đầu tiên là phải sửa đổi hiến pháp để tôi và cả những người khác nữa có thể ra tranh cử tổng thống vào năm sau" - ông El-Baradei cho biết. Ngoài ra trong một loạt cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau đó, ông El-Baradei cũng tố cáo nạn tham nhũng trong chính quyền, đẩy người dân phải sống trong nghèo khổ.
Vừa trở về sau 12 năm làm việc ở nước ngoài, người đoạt giải Nobel Hòa bình (2005) vì những nỗ lực hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới, đã nhóm họp tại nhà riêng của mình hôm 23-2 có khoảng 30 nhân sĩ trí thức và chính trị gia thuộc các đảng đối lập để thông báo dự án thành lập một Liên minh quốc gia vì sự thay đổi.
Liên minh này sẽ đấu tranh đòi bầu cử tự do và sửa đổi hiến pháp. Ông El-Baradei còn nói, sẵn sàng tiếp đón tất cả công dân Ai Cập, các đảng phái chính trị và các tổ chức dân sự quan tâm tới dự án này. Việc làm này của ông El-Baradei đã khẳng định tham vọng tham gia tranh cử tổng thống của ông vào năm 2011.
Nhận thấy ông El-Baradei sẽ là một “quả bom nổ chậm” trong chính trường Ai Cập, từ tháng 12-2009, chính quyền Cairo đã mở chiến dịch truyền thông nhằm hạ thấp vai trò của cựu Giám đốc IAEA như nói ông là người quá xa lạ với tình hình đất nước do nhiều năm công tác ở nước ngoài và không có khả năng giải quyết những công việc trong nước...
Ngoài ra, tờ báo Al-Masri el-Yom của Ai Cập số ra ngày 20-2 khẳng định rằng, các cơ quan an ninh nước này đã thực hiện một kế hoạch nhằm ngăn chặn mọi cuộc tập hợp tại sân bay Cairo để chào đón ông El-Baradei, và đảng PND đương quyền còn dự định tổ chức một cuộc chống biểu tình nhưng mọi kế hoạch đều không thành do lượng người quá đông và do lo sợ bứt dây động rừng.
Mặc dù vậy cũng đã có hai nhà đấu tranh thuộc Phong trào ngày 6 tháng 4 (thuộc phe đối lập), Ahmed Maher và Amr Ali, cũng đã bị cảnh sát bắt giữ hôm 22-2 trong khi họ dự định rải truyền đơn kêu gọi người dân tuần hành trên đường phố để chào đón sự trở về của ông El-Baradei.
Tổng thống Ai Cập Hosni Moubarak, sẽ kết thúc nhiệm kỳ 6 năm thứ 5 của ông vào năm 2011, đang dự định sẽ chọn người kế vị là cậu con trai tên Gamal. "Việc ông El-Baradei ra tranh cử tổng thống sẽ gây khó khăn cho quá trình "truyền ngôi" này vì nó sẽ khiến việc bầu cử có xu hướng được hợp pháp hóa, chứ chưa nói đến kết quả bầu cử"- Chaymaa Hassabo, chuyên gia phân tích chính trị Ai Cập, nhận xét.
Tuy nhiên, theo Said Allawandi, nhà nghiên cứu chính trị Ai Cập tại Cairo thì cơ hội để ông El-Baradei ra tranh cử tổng thống là rất ít do nhiều quy định khắt khe của hiến pháp, được lập ra nhằm ngăn chặn những ứng cử viên mà chính quyền hiện tại cho là những vị khách không mời.
Thực vậy, theo Hiến pháp Ai Cập, một ứng cử viên độc lập muốn ra tranh cử phải có được sự ủng hộ của 250 dân biểu Nghị viện, trong đó ít nhất là 65 thành viên Hạ viện, 25 người trong Hội đồng tư vấn (Thượng viện) và ít nhất 6 dân biểu vùng. Điều này là bất khả thi đối với ông El-Baradei vì hiện tại đảng cầm quyền PND đang nắm quyền đa số tại Nghị viện.
Giải pháp duy nhất theo các chuyên gia là ông El-Baradei phải nhanh chóng gia nhập một đảng phái chính trị và đảng này phải hoạt động hợp pháp ít nhất 5 năm, để ra tranh cử với tư cách là đại diện của đảng phái đó. Tuy nhiên, ông Mohamed El-Baradei hiện đã loại trừ giải pháp này.
Theo các nhà phân tích, sự trở lại của ông El-Baradei có thể khiến chính trường Ai Cập diễn biến theo hai chiều hướng, thứ nhất là đất nước sẽ được dân chủ hóa và thứ hai là chính quyền Cairo hiện nay sẽ càng được củng cố hơn.
Sự tiếp đón nồng hậu của dân chúng dành cho ông Mohammed El-Baradei hôm 19-2 là một sự kiện có nguy cơ sẽ tạo bước ngoặt trong đời sống chính trị tại Ai Cập. Tuy nhiên, giờ chưa thể đoán trước được gì nhưng điều chắc chắn là trong thời gian tới chính trường Ai Cập sẽ vô cùng sôi động.
(Theo CAND)