Indonesia phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc

Cập nhật: 27-07-2010 | 00:00:00

Phái đoàn thường trực Indonesia tại LHQ kết luận đường lưỡi bò của Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế.

 

Ngày 8-7-2010, Phái đoàn thường trực của Indonessia tại Liên hiệp quốc đã có công hàm phản đối công hàm ngày 7-5-2009 của Phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hiệp quốc về cái gọi là bản đồ yêu sách hình chữ U (hay đường đứt khúc 9 đoạn) trong Biển Đông “đối với chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo trong Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước kế cận, cũng như các quyền chủ quyền và tài phán đối với các vùng nước, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng”.

  Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa dự Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) tuần trước tại Hà Nội

Công hàm phản đối của Indonesia có một ý nghĩa lớn vì Indonesia không phải là một nước tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Ngược lại, quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới này là bên trung gian, đã có nhiều đóng góp cho việc giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

 

Ngay sau sự cố sử dụng vũ lực năm 1988 của Trung Quốc, Indonesia đã có sáng kiến, đồng chủ trì với Canada trong việc tổ chức Hội thảo kiềm chế các xung đột tiềm tàng ở Biển Đông 1991 - 2000 nhằm tạo một diễn đàn không chính thức cho các bên tìm kiếm một giải pháp công bằng và hợp lý cho ổn định trên Biển Đông.

 

Sáng kiến thiết lập một văn bản quy định về cách ứng xử của các bên trong Biển Đông đã ra đời trong khuôn khổ Hội thảo này và đã được các quốc gia liên quan đưa đến hiện thực dưới dạng Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông 2002.

 

Với tư cách thành viên sáng lập ASEAN và là Chủ tịch ASEAN trong năm 2011, Indonesia thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh của một nước lớn vì hòa bình và ổn định trong khu vực. Sự kiện này càng có ý nghĩa khi nó diễn ra trước thềm Diễn đàn an ninh khu vực ARF ngày 23-7 tại Hà Nội, trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và sự ưu tiên quan tâm hơn đến khu vực châu Á trong chính sách của Mỹ.

 

Indonesia đã theo dõi tranh luận của các bên về đường chữ U và thể hiện quan điểm của mình là Trung Quốc đã “không có sự giải thích rõ ràng về cơ sở pháp lý, phương pháp vẽ cũng như quy chế của con đường đứt khúc đó”. Hơn nữa, các nhà ngoại giao Indonesia còn đưa ra bằng chứng về quan điểm chính thống của các đại diện Trung Quốc phát biểu tại các diễn đàn về Công ước Luật biển năm 1982 về quy chế của các đảo đá không người ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng.

 

Tại khóa họp lần thứ 15 của Cơ quan quyền lực đáy đại dương tại Kingston, Jamaica tháng 6-2009, Đại sứ Chen Jinghua, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã tuyên bố: “Yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các đảo đá… là ảnh hưởng đến các nguyên tắc của Công ước Luật biển và đến quyền lợi chung của cộng đồng quốc tế”.

 

Trưởng đoàn Trung Quốc còn viện dẫn lời của Đại sứ Avid Pardo (người đã đưa ra khái niệm vùng đáy biển di sản chung của loài người trong Công ước Luật biển) để lời tuyên bố của mình thêm sức mạnh: “…nếu quyền tài phán 200 hải lý được dựa trên quyền sở hữu các đảo không người ở, xa xôi hoặc rất nhỏ thì hiệu quả của việc quản lý quốc tế các vùng đại dương bên ngoài quyền tài phán quốc gia sẽ bị tổn hại nặng nề”.

 

Tuyên bố của Phái đoàn Trung Quốc tại Hội nghị các nước thành viên Liên hiệp quốc lần thứ 19 từ ngày 22 đến 26-6-2009 tại New York cũng khẳng định “theo điều 121 của Công ước Luật biển, các đảo đá không thích hợp cho con người ở hoặc không có một đời sống kinh tế riêng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng”.

 

Những lời tuyên bố của các đại diện toàn quyền của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế chỉ có thể được hiểu là chúng cũng được áp dụng phù hợp với tình hình Biển Đông và các đảo đá nhỏ không người ở hoặc không có đời sống kinh tế riêng trong Biển Đông cũng không có quyền được có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

 

Việc cho phép sử dụng các đảo đá không người ở, ở xa lục địa và nằm giữa biển như điểm cơ sở để đòi hỏi các vùng biển là tổn hại các nguyên tắc cơ bản của Công ước Luật biển cũng như xâm phạm đến các quyền lợi chính đáng của cộng đồng quốc tế.

 

Phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên hiệp quốc kết luận bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn trong Công hàm ngày 7-5-2009 của Phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước Luật biển 1982.

 

Rõ ràng chìa khóa để giải quyết sự bất ổn trong Biển Đông là đường lưỡi bò không có giá trị pháp lý đó không được tồn tại. Đây không chỉ là sự quan tâm của các nước có tranh chấp trong Biển Đông mà của cả các nước trong và ngoài khu vực. Các nước ASEAN đang ngày càng thể hiện rõ bản lĩnh và trách nhiệm của mình đối với Biển Đông, môi trường hòa bình và hợp tác vì sự phồn vinh của các quốc gia.

 

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên