Iran tăng tốc giành thị phần dầu mỏ

Cập nhật: 26-10-2016 | 16:20:33

Sự kiện Iran mở thầu quốc tế 50 mỏ dầu đang thu hút sự chú ý từ dư luận. Có nhận định cho rằng, Iran đang tăng tốc trong cuộc đua giành thị phần dầu mỏ, sau thời gian “thất thế” trước các đối thủ khác do lệnh trừng phạt quốc tế.

Đẩy mạnh sản lượng khai thác

Đây là đợt mở thầu quốc tế đầu tiên của ngành dầu khí Iran kể từ sau khi nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc thế giới hồi tháng 7-2015. Theo Bộ Dầu mỏ Iran, các công ty nước ngoài có thể nộp hồ sơ dự thầu đến hết ngày 19-11 và danh sách những công ty trúng thầu dự kiến sẽ được công bố vào ngày 7-12 tới. Iran đang hy vọng thu hút hơn 150 đến 200 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và hóa dầu vào năm 2020. Quốc gia Hồi giáo này cũng đã cập nhật mô hình hợp đồng mới liên quan đến các dự án dầu khí, theo đó các nhà đầu tư có thể thu hồi đầy đủ vốn chỉ trong vòng 20 năm.

Để chuẩn bị cho đợt mở thầu, Chính phủ Iran đã hoàn tất đề án mở cửa ngành dầu lửa quốc gia với các nhà đầu tư và công ty nước ngoài. Theo luật mở cửa ngành dầu mỏ Iran, Teheran sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trong 3 lĩnh vực chính yếu: thăm dò, khai thác dầu tại các giếng đã được phát hiện nhưng chưa đưa vào khai thác và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao sản lượng khai thác. Các hợp đồng mà Iran ký với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thời hạn lên tới 20 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm sau đó. Ngoài ra, Iran cũng sẵn sàng thanh toán với các nhà đầu tư nước ngoài bằng tiền mặt hoặc một phần sản lượng dầu, tùy sự lựa chọn của các nhà đầu tư trúng thầu. Đây được xem là những điều kiện thuận lợi và có tính ưu đãi cao.


Một nhà máy lọc hóa dầu ở phía Tây Nam Iran

Chính phủ Iran hy vọng, việc mở cửa thị trường dầu mỏ cho các đối tác nước ngoài với công nghệ khai thác hiện đại sẽ giúp đẩy mạnh sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu của Iran. Theo Bloomberg, tính đến tháng 9 năm nay, sản lượng khai thác dầu của Iran đã đạt mức 3,6 - 3,8 triệu thùng/ngày, cao hơn nhiều so với mức 2,7 triệu thùng/ngày hồi tháng 1-2016, thời điểm thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) có hiệu lực, mở đường cho việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Tehran. Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết, sản lượng dầu thô của nước này có thể đạt 4 triệu thùng/ngày vào tháng 3-2017. Đây là sản lượng mà Iran khai thác được trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt. Tehran cũng không giấu tham vọng đang hướng tới mục tiêu đạt sản lượng 4,6 triệu thùng/ngày trong 5 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc sản lượng của Iran có thể sẽ đạt mức hơn 7 triệu thùng/ngày, sau 6 đến 7 năm nữa - mức sản lượng có thể đưa Iran trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu dầu lửa trên toàn cầu. Hiện nay, hai quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Nga đã đạt sản lượng trên 10 triệu thùng/ngày. Theo người đứng đầu ngành dầu mỏ Iran Zanganeh, Iran hiện rất cần công nghệ và đầu tư nước ngoài để khôi phục nền kinh tế đất nước. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến sản lượng dầu thô của Iran giảm còn 2,7 triệu thùng/ngày, đồng thời hạn chế các nguồn đầu tư nước ngoài vào ngành dầu khí của nước này.

Hấp dẫn châu Á

Những động thái mới từ Chính phủ Iran chỉ diễn ra sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sắp có cuộc họp vào cuối tháng 11 tới tại Vienna (Áo), dự kiến cuộc họp này có thể đề cập đến kế hoạch cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ nếu giá dầu vẫn sụt giảm. Trước đó, vào tháng 9, tại cuộc họp diễn ra ở Algeria, OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 700.000 thùng/ngày, xuống trung bình 32,5 tới 33 triệu thùng/ngày và đây là lần cắt giảm sản lượng đầu tiên kể từ năm 2008. OPEC ước tính sản lượng hiện nay ở mức 33,24 triệu thùng/ngày. Thỏa thuận cắt giảm này được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung thị trường dầu mỏ đang vượt quá nhu cầu và giá dầu chỉ ở mức 50 USD/ thùng. Đã có các dự báo cho rằng giá dầu sẽ không vượt quá 60USD/ thùng cho đến hết năm nay nên việc Iran gia tăng việc khai thác dầu mỏ đang gây không ít lo ngại cho Saudi Arabia và Nga bởi sẽ đe dọa thị phần của các quốc gia này trên toàn cầu và giá dầu thế giới lại sụt giảm. Hiện cả Nga và Saudi Arabia đều vẫn chưa dứt khoát mở cửa ngành dầu mỏ một cách hoàn toàn nên hành động mở thầu quốc tế mỏ dầu của Iran cho thấy Tehran đã đi trước một bước. Trước đó, để trấn an OPEC, Chính phủ Iran tuyên bố Tehran ủng hộ bất cứ quyết định nào giúp tái cân bằng thị trường dầu mỏ, nhưng nước này có thể chỉ hợp tác khi lấy lại thị phần bằng mức trước khi các lệnh trừng phạt được áp đặt.

Theo Wall Street Journal, dầu mỏ Iran đang hấp dẫn nhiều nước châu Á hơn các nước châu Âu. Từ đầu năm 2016 đến nay, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhập khẩu mạnh dầu của Iran. Chính phủ Trung Quốc và Ấn Độ còn có kế hoạch đầu tư vào các dự án năng lượng tại Iran. Từ khi chính phủ các nước phương Tây ngừng cấm vận Iran vào cuối tháng 1-2016, doanh số bán dầu sang các nước châu Á đã đóng góp đến 70% tăng trưởng doanh số bán dầu của Iran. Trong tháng 8-2016, lượng dầu Ấn Độ nhập từ Iran tăng gấp 3 lần so với 1 năm trước đó, lên mức 576.000 thùng/ngày. Cũng trong tháng này, lượng dầu Trung Quốc nhập từ Iran tăng 48% so với cùng kỳ, lên mức 749.000 thùng/ngày. Trong tháng 7-2016, lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản từ Iran cũng tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2015, lên 256.651 thùng/ngày. Iran giành được thị phần lớn tại châu Á do chính phủ nước này chấp nhận bán dầu thô giá thấp hơn so với nhiều nước xuất khẩu dầu khác, ví như Saudi Arabia. Trong năm nay, giá mỗi thùng dầu của Iran bán tại thị trường châu Á rẻ hơn 25 cent so với đối thủ Saudi Arabia. Iran xuất được nhiều dầu sang châu Á còn vì châu Á là nơi tập trung của những thị trường dầu thô tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=953
Quay lên trên